10:20 26/10/2020

Tin nổi bật ngày 26/10

Trong ngày 26/10, dư luận quan tâm đến dự báo cơn bão Molave (bão số 9) và triển khai công tác phòng chống, ứng phó với bão cũng như công tác hỗ trợ, cứu trợ người dân vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt; Công tác tìm kiếm các nạn nhân tại vụ sạt lở Rào Trăng 3; Truy tố ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường liên quan vụ án Đinh Ngọc Hệ.

Thủ tướng: Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 9 gây ra

Ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến Trung tâm Điều hành tác nghiệp Khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nghe báo cáo về tình hình dự báo cơn bão Molave (bão số 9).

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo việc ứng phó với cơn bão Molave. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã báo cáo về tình hình dự báo cơn bão Molave và những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta. Theo đó, bão số 9 là cơn bão mạnh, được dự báo khi vào bờ vẫn giữ cấp 12, giật trên cấp 12. Mức độ thiên tai cấp 4 và cấp cao hơn có thể xảy ra ở khu vực từ nam Nghệ An đến Khánh Hòa.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, miền Trung Việt Nam bão chồng bão, lũ chồng lũ. Chính vì vậy, tất cả các cơ quan đều phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Công điện số 1470 ngày 26/10, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, đặc biệt là bão số 9 vào ngay sau đây.

Về công tác dự báo, Thủ tướng yêu cầu đài KTTV trung ương và đài KTTV các khu vực trên cả nước thường xuyên thông tin kịp thời, liên tục đến các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương để có phương án chủ động, kịp thời.

Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương cần dành thời lượng cần thiết để thông tin về bão đến nhân dân, các cấp, các ngành; quán triệt tinh thần đây là bão lớn, không được chủ quan, từ đó hiểu được tình hình hiện nay để có phương án phòng chống tốt nhất.

Cùng với thông tin về tình hình mưa bão, Đài Khí tượng thủy văn Trung ương cũng cần quán triệt tinh thần chủ động ứng phó mưa lớn trong công điện 1470.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành khí tượng thủy văn tiếp tục với trách nhiệm chuyên môn của mình, sử dụng các phương tiện khoa học để đưa ra dự báo chính xác, kịp thời thiên tai nói chung và cơn bão số 9 nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới về sạt lở đất, lũ lụt để có thể ứng dụng trong công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam.

Nhiều tuyến đường bộ tại miền Trung vẫn ách tắc do sạt lở

Liên quan đến giao thông trên các tuyến đường ảnh hưởng do mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cho biết, tính đến 7h30 sáng 26/10, có 10 vị trí quốc lộ còn tắc do sạt lở taluy, chưa thể thông tuyến.

Chú thích ảnh
Một điểm bị sạt lở trên tuyến Quốc lộ 9E (Quảng Bình) đang được lực lượng chức năng khắc phục. Ảnh: Văn Tý/TTXN

Cụ thể, Quốc lộ 49 (Huế) sạt lở tắc đường 6 điểm (Km91+550; Km91+730; Km96+050; Km96+800; Km97+080; Km99+600) đang cấm ô tô, chỉ cho xe máy và người đi bộ lưu thông.

Đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) đoạn qua Quảng Bình sạt lở tắc đường do sạt lở taluy dương tại 2 điểm (Km81+00; Km83+500). Hiện đơn vị chức năng đã mở đường tránh.

Đoạn qua Quảng Trị sạt lở tắc đường 7 điểm (Km189+475, Km189+630, Km193+250,Km194+400, Km204+170, Km205+400) và đoạn qua Thừa Thiên Huế sạt lở tắc đường tại các điểm: Km392+050; Km393+100; Km394+480; Km397+335; Km398+100; Km399+850; Km402+450.

Đối với Quốc lộ 12C (Quảng Bình), sụt trượt tại taluy dương khối lượng lớn (tắc đường) tại Km58+00 (xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa) gây tắc đường.

Trong khi đó, Quốc lộ 9E (Quảng Bình) đoạn từ Km25+700 đến nhánh Tây (Km30) đang có nhiều điểm sụt trượt khối lượng lớn và 1 điểm bị xói trôi đứt đường khoảng 25m. Hiện đơn vị quản lý tiếp tục khắc phục thi công để thông tuyến.

Quốc lộ 12A (Quảng Bình) đoạn Khe ve - Cha Lo Km136+950-Km137+250 toàn bộ nền đường lún sụt (đứt đường hoàn toàn dài khoảng 300m đóng đường). Quốc lộ 9C (Quảng Bình): Đoạn Km34+00, Km41+064: Đất đá sụt trượt khối lượng lớn (tắc đường), đơn vị đang thi công để thông tuyến 1 vệt.

Bên cạnh các tuyến đường đang gặp sự cố bởi hiện tượng sạt lở, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã cập nhật các tuyến đường đã được thông xe/thông xe một phần. Trong đó, Quốc lộ 12C (Quảng Bình) đã thông xe một vệt; Quốc lộ 49C (Quảng Trị) Cầu Lệ Xuyên 1- Km8+021 trên QL.49C (Quảng Trị) đã thông xe.

Trên Quốc lộ 15D (Quảng Trị), tính đến sáng 26/10, tại cầu La Hót 1- Km1+094 toàn bộ mặt đường bê tông xi măng bị cuốn trôi dài 5m, sâu 0,7m. Đơn vị chức năng đã xếp đá hộc để xe tải trọng nhỏ lưu thông.

Tại các vị trí: Km4+700; Km6+019, Km7+600, Km9+560; Km10+943, Km11+070 Km11+150 và Km11+330 bị sạt taluy âm với tổng chiều dài 120m, trong đó có một số vị trí lấn sâu vào 1/2 mặt đường. Hiện cơ quan chức năng đã lắp đặt biển cấm các xe tải nặng. Tại Đoạn Km11+030÷Km11+350 hiện nền mặt đường bị nước xói trôi hư hỏng nặng.

Đối với Quốc lộ 9B (Quảng Bình), thời điểm hiện tại, đơn vị chức năng đã xử lý sự cố, thông tuyến một vệt từ Km0 - Km50 (nhánh Đông - nhánh Tây đường Hồ Chí Minh).

Riêng đoạn từ Km52-Km83 (Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - Chút Mút) rất nhiều điểm sụt trượt mái ta luy dương, xói trôi nền đường, hiện đã thông tuyến đến Km58. Đơn vị quản lý đang tiếp tục thi công để thông tuyến.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện tại, thời tiết các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị.. đang nắng. Tuy nhiên, đất đã ngậm nước nên khối lượng sụt lở lớn và đang diễn biến phức tạp, việc tiếp cận và xử lý vẫn còn rất khó khăn và nguy hiểm.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động nhắn tin ủng hộ đồng bào vùng lũ

Ngày 26/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận ủng hộ đồng bào miền Trung; phát động chương trình nhắn tin "Vì đồng bào vùng lũ".

Tại chương trình, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp gửi đến đồng bào miền Trung bị bão lũ. Cụ thể, Công Ty Cổ Phần Thương Mại & Dịch Vụ MEDLATEC Group ủng hộ 1,5 tỷ đồng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam ủng hộ (lần 2) 600 triệu đồng; Tổng Công ty May 10 ủng hộ 1.000 suất quà trị giá 208 triệu đồng; Công ty Cổ phần Giấy Hải Tiến ủng hộ 50.000 cuốn vở trị giá 250 triệu đồng; Công ty Cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc ủng hộ 200 triệu đồng... Tổng giá trị tiền và hàng trị giá khoảng 3 tỷ đồng.

Dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 phát động Chiến dịch nhắn tin "Vì đồng bào vùng lũ". Chiến dịch chính thức bắt đầu từ 00 giờ 00 ngày 23/10 đến hết ngày 21/12 nhằm huy động nguồn lực trợ giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

Mọi tấm lòng hảo tâm trên cả nước có thể ủng hộ cho người dân miền Trung bằng cách soạn tin: UH gửi 1403 (20.000 đồng/tin nhắn).

Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ sử dụng nguồn lực vận động được để triển khai các hoạt động cứu trợ trong giai đoạn phục hồi, từng bước giúp người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống.

Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ cấp bổ sung 6.500 tấn gạo cho 4 tỉnh miền Trung

Trước những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra đối với các tỉnh miền Trung, để bảo đảm đời sống cấp bách của nhân dân, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung 6.500 tấn gạo cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Ngày 26/10, Bộ LĐTBXH đã có tờ trình số 4219 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ bổ sung gạo cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ.

Theo đó, trên cơ sở để nghị của UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, ngày 19/10/2020, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1593/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh nêu trên, mỗi tỉnh 1000 tấn gạo.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa, lũ gây ra thiệt hại quá nặng nề, nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, số liệu thống kê về số hộ, số khẩu thiếu đói chưa cụ thể, nhưng do diễn biến phức tạp của thiên tai và để bảo đảm đời sống cấp bách của nhân dân, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và trên cơ sở để nghị hỗ trợ gạo bổ sung của UBND các tỉnh: Thừa Thiên Huế; Quảng Nam; Quảng Bình; Quảng Trị, Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bổ sung 6.500 tấn gạo (bằng mức do Bộ Tài chính đề xuất) từ nguồn dự trữ Quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, mưa lũ.

Cụ thể, tỉnh Quảng Bình: 2.500, tấn, Quảng Trị: 2.000 tấn, Thừa Thiên Huế: 1000 tấn và Quảng Nam: 1000 tấn. Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh tiếp nhận số gạo được cấp, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định và gửi báo cáo kết quả thực hiện cứu trợ gạo cho người dân về Bộ LĐTBXH.

Bộ Quốc phòng triển khai công tác phòng chống, ứng phó với bão số 9

Từ đêm 27/10, bão số 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng. Mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây thiệt hại nặng nề.

Ngày 26/10, Bộ Quốc phòng có điện số 72/TK gửi: Tổng cục Chính trị; các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục II; Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh Công binh, Thông tin liên lạc, Đặc công, Hóa học, Pháo binh, Tăng Thiết giáp; Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 về việc triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão số 9.

Nội dung bức điện nêu rõ: Bão Molave đang hoạt động trên khu vực miền Trung Philippines. Sáng 26/10, bão đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão có thể đạt tới cấp 12-13, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 m. Sau khi vào Biển Đông, bão sẽ di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta.

Từ đêm 27/10, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng. Khi đổ bộ vào đất liền, mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây thiệt hại nặng nề.

Thực hiện Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 9 (Molave), để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai ngay một số nội dung công việc.

Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến bão số 9, mưa lũ do hoàn lưu sau bão, tuyệt đối không chủ quan; rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án; chủ động bố trí lực lượng phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; có biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội, kho tàng, doanh trại và vũ khí, trang bị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động giúp nhân dân ứng phó mưa lũ, sạt lở đất…

Vụ sạt lở tại Rào Trăng 3: Triển khai trở lại công tác tìm kiếm các nạn nhân

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, sau một ngày bị gián đoạn do thời tiết, ngày 26/10, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã được triển khai trở lại.

Chú thích ảnh
 Điểm sạt lở làm sập nhà điều hành và khu lán trại, vùi lấp 17 công nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ảnh: TTXVN phát

Trong sáng 26/10, lực lượng công binh, tổ công tác tăng cường của Quân khu 4, đội chó nghiệp vụ cùng các huấn luyện viên trường Trung cấp 24 Biên phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) và các xe cứu thương, máy ủi, xe múc đã được điều động di chuyển bằng đường bộ từ xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) vào Thuỷ điện Rào Trăng 3. Ngay sau khi đến nơi, việc tìm kiếm sẽ được thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tránh diễn biến cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào miền Trung.

Ngoài ra, vì việc di chuyển bằng đường thủy đến hiện trường gặp khó khăn nên các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã chuyển sang đường bộ để tiếp cận Thuỷ điện Rào Trăng 3. Tuyến đường bộ từ đường 71 vào Thủy điện Rào Trăng 3 đã thông sau nhiều ngày được khắc phục các điểm sạt lở và không phát sinh điểm sạt lở mới.

Trước đó, ngày 25/10, lực lượng cứu hộ đã phải tạm dừng việc tìm kiếm 12 nạn nhân bị mất tích còn lại tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 do ảnh hưởng của cơn bão số 8. Các cán bộ, chiến sĩ được yêu cầu di chuyển về thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, 30 công nhân khác được rút về Thủy điện Rào Trăng 4 để vận hành nhà máy.

Truy tố ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường liên quan vụ án Đinh Ngọc Hệ

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường và các đồng phạm trong vụ án để bị can Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") lừa đảo, chiếm đoạt trên 725 tỷ đồng tiền phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố và ban hành kết luận điều tra vụ án "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Trong vụ án này, bị can Đinh La Thăng được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do vậy, việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước. Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho dự án.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, bị can Đinh La Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, xuất phát từ động cơ cá nhân, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và có những chỉ đạo "bất thường".

Bị can Đinh La Thăng đã giới thiệu, đưa bị can Đinh Ngọc Hệ vào tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho Công ty của Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Theo cáo trạng, bị can Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng mối quan hệ trên để xây dựng hồ sơ gian dối tham gia mua đấu giá quyền thu phí. Sau khi trúng đấu giá, bị can này tiếp tục thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Bị can Đinh La Thăng nắm rõ các quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù có giá trị đặc biệt lớn, cần tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí. Bị can chỉ đạo để cho Công ty của Đinh Ngọc Hệ là công ty đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.

Quá trình thực hiện, bị can Đinh La Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai đề án, kết quả bán đấu giá được thực hiện không đúng quy định pháp luật để cho Công ty Yên Khánh của bị can Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, phù hợp với giới thiệu ban đầu của Đinh La Thăng.

Ngoài ra, Viện kiểm sát cáo buộc bị can Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ sai phạm của các cán bộ tại Bộ Giao thông Vận tải trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương cho công ty của Đinh Ngọc Hệ, gây hậu quả thất thoát cho Nhà nước hơn 725 tỷ đồng.

Hành vi của Đinh La Thăng cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Bị can Đinh La Thăng đã tạo điều kiện, tiền đề cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát tài sản Nhà nước nên phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.

Cũng theo cáo trạng, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường biết Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ với Đinh La Thăng, xuất phát từ động cơ nể nang trong quan hệ cấp trên với cấp dưới nên đã có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo cho đơn vị trúng thầu nộp tiền làm 3 lần trái quy định pháp luật.

Bị can Nguyễn Hồng Trường bị xác định đã ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí, nhưng không thông qua hội đồng xác định giá hoặc thuê tổ chức thẩm định giá. Bị can Nguyễn Hồng Trường cũng ký quyết định cho phép Hội đồng bán chỉ định khi chỉ có một người tham gia đấu giá và trả giá bằng giá khởi điểm. Đáng chú ý, bị can Nguyễn Hồng Trường còn ký văn bản thông báo Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá, từ đó dẫn đến hậu quả những công ty này không đủ năng lực nhưng vẫn được tham gia đấu giá và trúng đấu giá.

Hành vi của Nguyễn Hồng Trường vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

Bị can Đinh Ngọc Hệ với mục đích chiếm đoạt quyền thu phí nên ngay từ đầu đã có thủ đoạn gian dối, chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo từ lỗ thành lãi và làm giả xác nhận của đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính năm 2001, 2002. Từ đó, công ty của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá, mặc dù tình hình kinh doanh đang thua lỗ.

Sau khi trúng đấu giá, do không có năng lực tài chính để trả theo hợp đồng, Đinh Ngọc Hệ đã kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí. Quá trình thu phí, bị can Đinh Ngọc Hệ tiếp tục có hành vi gian dối, chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm của Công ty Xuân Phi che giấu doanh thu, báo cáo không đúng thực tế.

Từ các hành vi gian dối này, bị can Đinh Ngọc Hệ với sự giúp sức của đồng phạm chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng của Nhà nước.

XC/Báo Tin tức