02:20 23/02/2021

Tin nổi bật ngày 23/2

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 23/2 được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: Đảm bảo cung cấp vaccine COVID-19 an toàn nhất cho người dân; Hải Dương khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh COVID-19; Quảng Ninh và Hải Dương có thêm 6 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng; xét tuyển vào lớp 10: Nguyện vọng 3 phải cao hơn nguyện vọng 1 ít nhất hai điểm; tháng 1, xuất khẩu sang Australia tăng 62,8%.

Đảm bảo đưa vaccine COVID-19 an toàn nhất cho người dân

“Vấn đề vaccine COVID-19 được Cục Y tế dự phòng thực hiện, phối hợp với Cục Dược cấp phép, lên kế hoạch phân phối và Cục Đào tạo (Bộ Y tế) theo dõi đánh giá hiệu quả. Sẽ không tiêm vaccine ồ ạt mà không theo dõi. Đây là cách làm khôn ngoan để vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn, để đảm bảo đưa vaccine COVID-19 an toàn nhất đến người dân”. Đây là khẳng định của chuyên gia Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với UBND tỉnh Hải Dương, diễn ra vào sáng 23/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Liên quan đến việc Bộ Y tế đã phê duyệt ban hành hướng dẫn về việc vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022, trong đó nêu rõ có 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên, phát biểu tại cuộc họp, các chuyên gia cho biết, vaccine Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam, đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định chất lượng, khi về đến Việt Nam vaccine có thể tiêm được ngay.

Theo đó, vaccine COVID-19 sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: Các khu vực/tỉnh/huyện ghi nhận ca mắc hoặc tử vong do COVID-19 trong cộng đồng. Các đô thị lớn, có mật độ dân số cao; các tỉnh có đầu mối giao thông quan trọng. 11 nhóm đối tượng nguy cơ cao được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.

Bộ Y tế cũng cho biết, chỉ chọn mua các vaccine an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA), giá cả phù hợp. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề xuất mở rộng đối với nhóm ngoại giao và một số lực lượng phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế, các loại vaccine khi về Việt Nam trước đây như Quinvaxem hay ComBE Five, đều được thử nghiệm đánh giá an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, được xác định là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch.

Chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dù có vaccine ngừa COVID-19 song người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà. Ở những nước nước đã tiêm vaccine COVID-19 trên diện rộng như Israel, vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách… Ông Trần Đắc Phu giải thích: “Virus SARS-CoV-2 lây theo giọt bắn, do đó, đeo khẩu trang vẫn luôn là các biện pháp phòng dịch hữu hiệu đầu tiên. Trong khi đó, việc tiêm vaccine sẽ không tạo ra miễn dịch ngay, chúng ta còn phòng ngừa biến chủng mới của virus”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để sớm có vaccine COVID-19. Tuy nhiên, không thể có ngay một lúc số lượng vaccine để cung cấp đủ cho người dân; do vậy, vaccine phải được phân phối theo các đối tượng ưu tiên. “Tới đây, vaccine COVID-19 cả nguồn từ nước ngoài và sản xuất trong nước sẽ được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, cơ bản như chương trình vaccine mở rộng như vaccine Quinvaxem”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Chiều 23/2, Quảng Ninh và Hải Dương có thêm 6 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 23/2, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tại Quảng Ninh và Hải Dương. Các ca mắc mới đều là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung trước đó.

Chú thích ảnh
Các mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, có 6 ca mắc mới (BN2396 - BN2401) ghi nhận trong nước tại Hải Dương (5 ca), Quảng Ninh (1 ca). Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 23/2, Việt Nam có tổng cộng 1.502 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 809 ca tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (625), Quảng Ninh (61), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hưng Yên (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hà Giang (1).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 107.685 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 596 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.628 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 94.461 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 163 ca.

Tháng 1, xuất khẩu sang Australia tăng 62,8%

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia trong tháng 1/2021 tăng tới 62,08% so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia ước đạt gần 873 triệu USD, tăng 39,92% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 392 triệu USD, tăng 62,08%.

Trong tháng 1, bên cạnh mặt hàng điện thoại, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Australia tăng đột biến như: Thuỷ sản tăng 106,09%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 69,95%, đồ chơi và bộ phận của đồ chơi tăng 218,11%, dệt may tăng 62,72%, giày dép tăng 72,47%, dây điện và dây cáp điện tăng 329,68%, chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 900%, nông sản rau quả tăng 37,16%...

Đối với các ngành hàng công nghiệp, qua số liệu xuất khẩu 2020 và tháng 1/2021 cho thấy, chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang lại những thành tựu rõ nét. Cụ thể, nhiều ngành hàng công nghiệp như chế biến chế tạo máy móc, chất dẻo, hoá chất, nguyên phụ liệu... tăng trưởng mạnh mẽ.

Hải Dương khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh COVID-19

Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19, ổ dịch tại Hải Dương vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn có những người dân vô ý thức không tuân thủ cách ly, gian dối trong khai báo y tế hoặc khai báo đối phó.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hải Dương) vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”, xảy ra tại số 15 Trần Sùng Dĩnh, khu 14, phường Hải Tân. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 23/2, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong tình thế như hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền cần phải áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đối với những hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm khắc.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương, từ ngày 1-15/2, bà N.T.T (sinh năm 1969, trú tại 15 Trần Sùng Dĩnh, khu 14, phường Hải Tân) là người nghi mắc COVID-19, nhưng không thực hiện đúng các quy định khai báo y tế và phòng chống dịch, có dấu hiệu làm lây lan dịch bệnh cho ông M.Q.H, cháu M.N.M và bà V.T.C cùng trú tại số 15 Trần Sùng Dĩnh; đồng thời, làm khu vực cư trú của những người nói trên bị phong tỏa, cách ly, gây thiệt hại đến kinh tế của địa phương.

Dư luận xã hội cũng đang bức xúc trường hợp nam công nhân N.B.K (34 tuổi, quê Hải Dương) vào Đà Nẵng, sau đó đi ăn uống tại nhiều địa điểm, không khai báo y tế bất kỳ nơi nào. N.B.K sau khi về quê ăn Tết trở lại Đà Nẵng có dấu hiệu ho, sốt và sau đó đã tự ý rời khỏi bệnh viện khi được yêu cầu xét nghiệm COVID-19.

Hành vi của những cá nhân không tuân thủ các biện pháp cách ly, thuộc đối tượng cách ly và bị áp dụng các biện pháp cách ly, nhưng không tuân thủ, trốn tránh cách ly, dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác có dấu hiệu phạm tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người", theo quy định tại khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự (BLHS).

Xét tuyển vào lớp 10: Nguyện vọng 3 phải cao hơn nguyện vọng 1 ít nhất hai điểm

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1), NV2 được xét tuyển NV3, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2 điểm.

Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2, được xét tuyển NV3, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển. Mỗi học sinh được đăng ký NV dự tuyển vào 3 trường THPT công lập xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Trường hợp học sinh chỉ đăng ký 1 NV thì NV đó có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào (học sinh sẽ trúng tuyển nếu có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Trường hợp học sinh đăng ký 2 NV, thì cả 2 NV có thể thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định hoặc NV thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, còn NV thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (học sinh sẽ trúng tuyển NV thứ hai nếu không trúng tuyển NV thứ nhất và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 1 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển của trường).

Năm học 2021-2022, học sinh không được đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký dự tuyển, học sinh cần lưu ý tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi đăng ký NV và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các NV phù hợp với năng lực của bản thân.

Vân Sơn/Báo Tin tức