10:22 19/10/2020

Tin nổi bật ngày 19/10

Ngày 19/10, một số thông tin được dư luận quan tâm là: Việt Nam thêm 6 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được cách ly ngay khi nhập cảnh; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra đường phải đeo khẩu trang; Ra mắt đoạn phim kích cầu du lịch Việt Nam sau COVID-19; TP Hồ Chí Minh xuất hiện 55 ổ dịch sốt xuất huyết; Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa…

Thêm 6 ca mắc mới COVID-19 là người nhập cảnh

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, chiều 19/10, có  6 ca mắc mới COVID-19 đã được phát hiện, trong đó có 1 chuyên gia người Pháp và 5 người nhập cảnh từ Nga - tất cả đều được cách ly ngay.

Chú thích ảnh
Cách ly người nhập cảnh phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Như vậy tính đến 18 giờ ngày 19/10, Việt Nam hiện có 1.140 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 47 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Hiện nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.379 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 167 ca; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.415; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 797.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.046 bệnh nhân/1.140 bệnh nhân COVID-19. Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 10 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).

Thủ tướng: Người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải đeo khẩu trang nơi công cộng

Chiều 19/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, mọi người dân nhận thức rõ hơn về nguy cơ thường trực của dịch bệnh trong cộng đồng; không được lơ là, mất cảnh giác, chủ quan; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện tốt mục tiêu kép đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K, trước hết, đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn. Trước tình trạng không thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi đông người, trong trường học, trên máy bay…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương quản lý tốt cơ sở cách ly, đặc biệt cơ sở lưu trú có thu phí, có giải pháp an toàn, chấm điểm an toàn. “Nếu bệnh viện, trường học, các chuyến bay… lây nhiễm ra cộng đồng phải xử lý nghiêm người đứng đầu”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh; yêu cầu người nhập cảnh ngắn hạn hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ công cộng như karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội...

Đối với ngành y tế, Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế - nơi dễ lây nhiễm nhất. 

Trên tinh thần ngành Y tế nêu cao trách nhiệm, ngăn ngừa dịch quay trở lại, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục mở rộng triển khai khám, chữa bệnh từ xa; nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến, chú trọng y tế dự phòng, hoàn thiện phác đồ điều trị, hợp tác nghiên cứu vaccine phòng dịch COVID-19, đẩy mạnh xét nghiệm nhanh phù hợp với khả năng. Toàn ngành Y tế, từ Bộ Y tế đến sở y tế các địa phương, bệnh viện, trạm y tế cả nước phải ở tình trạng báo động đỏ, sẵn sàng xử lý, phổ biến thông tin, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch.

Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt trong điều kiện thời tiết mùa đông sắp đến. “Trên tinh thần, nếu xuất hiện 1 ca phải thần tốc, thần tốc hơn nữa để khoanh lại, không để lây lan ra cộng đồng”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng quyết định chủ trương, người dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đeo khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt khi đi ra khỏi nhà và trên các phương tiện công cộng. Đây là hai trung tâm lớn nhất cả nước, nếu để lây nhiễm, rất khó ngăn chặn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan có liên quan, rà soát những kết luận, thông báo trước Thủ tướng đã nêu để xử lý các vấn đề liên quan đến việc đón chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, hoàn thiện công nghệ ứng dụng thông minh, lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ để hướng dẫn phòng, chống dịch; lập danh sách lao động người Việt tại các nước; truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm; hoàn thiện quy trình, quy định, triển khai chủ trương cách ly có thu phí, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; nghiên cứu thuốc, vaccine, phác đồ điều trị.

TP Hồ Chí Minh xuất hiện 55 ổ dịch sốt xuất huyết mới ở 49 phường, xã

Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chỉ trong tuần 42, toàn thành phố ghi nhận 55 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 49 phường, xã thuộc 19/24 quận, huyện. Các quận, huyện có ổ dịch mới nhiều trong tuần là quận 12 với 8 ổ dịch, huyện Bình Chánh với 6 ổ dịch, quận Tân Phú có 5 ổ mới…

Chú thích ảnh
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện phát hiện và xử lý các điểm nguy cơ ổ dịch để xử lý triệt để, không để dịch lan rộng, kéo dài. Ảnh: HCDC

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 16.898 ca số xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong. Riêng trong tuần 42, thành phố ghi nhận 721 ca bệnh, gồm 303 ca nội trú và 418 ca ngoại trú. Trong đó, các quận 1, quận 3, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, quận Phú Nhuận và Tân Phú đều có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước.

Trước tình hình phát sinh thêm nhiều ổ dịch sốt xuất huyết ở các quận huyện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các Trung tâm y tế quận, huyện lưu ý theo dõi diễn tiến của ổ dịch trên bản đồ GIS, phát hiện và xử lý các điểm nguy cơ liên quan đến ổ dịch để xử lý triệt để, không để dịch lan rộng, kéo dài. Bên cạnh đó, đánh giá phường xã có nguy cơ dựa vào số ca bệnh hàng tuần và chỉ số véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue để từ đó đề xuất các chiến dịch diệt lăng quăng cũng như phun hóa chất chủ động kịp thời và hợp lý.

Về công tác xử lý các ổ dịch, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, thành phố đã thực hiện giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tuyến phường, xã như giám sát công tác quản lý hồ sơ, điều tra ca bệnh, diệt lăng quăng, phun hoá chất, điểm nguy cơ, vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn, truyền thông, phần mềm GIS, giám sát kiểm dịch tại cộng đồng.

Bên cạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như diệt lăng quăng, ngủ màn, dùng kem chống muỗi… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân, khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sỹ, nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc bất cứ bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Ra mắt đoạn phim quảng cáo 'Why not Vietnam?'

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang hợp tác với CNN International cho ra mắt đoạn phim quảng cáo trên truyền hình mới mang tên “Why not Vietnam?” nhằm gợi ý khách du lịch lựa chọn Việt Nam cho chuyến đi đầu tiên sau dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình. Ảnh: TTXVN

Đoạn phim dài 30 giây, chọn lọc giới thiệu những sản phẩm du lịch và điểm đến hàng đầu của Việt Nam, kết thúc với lời mời “When you're ready to travel again, why not Vietnam?” (Khi bạn sẵn sàng du lịch trở lại, tại sao không chọn Việt Nam?).

Tổng cục Du lịch cho biết phim quảng cáo muốn nhắc đến những nét cuốn hút của đất nước ta và gợi ý Việt Nam như một điểm đến an toàn, hấp dẫn trong năm 2021. Đoạn phim được sản xuất với sự hỗ trợ của Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), được trình chiếu trên kênh CNN Asia trong 6 tuần, kể từ ngày 15/10 và trên website chính thức của du lịch Việt Nam (www.vietnam.travel) và các trang mạng xã hội của ngành.

Sắp tới, Việt Nam tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động nối tiếp đoạn phim “Why not Vietnam?” như là các cuộc thi trên mạng xã hội, quảng cáo hiển thị và các bài viết về việc Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19; khẳng định cam kết về an toàn cho du khách và người dân.

Dự kiến vào tháng 11/2020, sẽ diễn ra cuộc thi trên mạng xã hội với các giải thưởng hấp dẫn gồm vé máy bay quốc tế khứ hồi do Vietnam Airlines tài trợ (có giá trị sử dụng trong năm 2021), kỳ nghỉ 4 ngày ở Sapa với Topas Riverside Lodge và Topas Ecolodge - nơi lưu trú được chứng nhận quốc tế. Du khách có thể đồng hành và tham gia vào chiến dịch ‘Why not Vietnam?' bằng cách theo dõi @vietnamtourismboard trên Facebook hoặc Instagram, và tìm hiểu thêm tại: www.vietnam.travel.

Từ cuối tháng 9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa lần 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chiến dịch lần này chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao trải nghiệm của du khách nên Tổng cục Du lịch đã nhanh chóng cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” trên thiết bị thông minh, nhằm góp phần triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020. Đây được đánh giá là bước đi kịp thời, đúng hướng và được kỳ vọng trở thành công cụ hữu ích đối với du khách trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 19/10, tại Trường Đại học Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Chú thích ảnh
Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh tham quan triển lãm.

Triển lãm trưng bày các tư liệu, văn bản, ấn phẩm và bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.

Triển lãm gồm các nhóm tư liệu chính: Bộ tranh vẽ “ Lược sử Việt Nam” tóm tắt quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam qua các thời kì, từ thời Kinh Dương Vương đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến Việt Nam; các bản đồ liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kì Pháp thuộc và Ngụy quyền; một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian vừa qua; trình chiếu triển lãm số 3D, trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trên máy tính bảng.

Ngoài ra, chương trình còn tổ chức giao lưu giữa cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường với các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông nhằm giải đáp và cung cấp thêm thông tin liên quan đến biển, đảo, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Dự kiến triển lãm được tổ chức đến ngày 21/10. Sau khi kết thúc triển lãm, Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển giao toàn bộ tư liệu và hiện vật trưng bày tại triển lãm để nhà trường tiếp tục tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường

PV/Báo Tin tức