04:21 16/04/2021

Tin nổi bật ngày 16/4

Thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội; Thêm 14 ca mắc mới COVID-19, 30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; Bộ Y tế sẽ thu hồi vaccine nếu địa phương không tổ chức tiêm hết; 8.700 trường hợp vi phạm trong ngày đầu thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp 30/4 và 1/5… là những thông tin nổi bật được bạn đọc quan tâm trong ngày 16/4.

Thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội

Ngày 16/4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị hiệp thương lần thứ 3 của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Đỗ Văn Chiến cho biết: Ngày 18/3/2021, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã lập danh sách sơ bộ 205 người thuộc khối cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ngay sau Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã gửi Biên bản Hội nghị và báo cáo đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và triển khai các công việc theo luật định. Trên cơ sở đó, ngày 28/3/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1244/2021/UBTVQH14, điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Sau khi kết thúc Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, theo số liệu của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tổng số người được lập danh sách sơ bộ cả ở Trung ương và địa phương là 1.093 (Trung ương có 205 người, địa phương - 888 người, trong đó có 75 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ 2,19 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu.

Ở Trung ương, ngay sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã gửi danh sách và tiểu sử tóm tắt của 205 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đến các địa phương để tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Đến ngày 13/4/2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã nhận đủ 205 biên bản Hội nghị cử tri nơi cư trú thể hiện ý kiến đối với 205 người ứng cử. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương chuẩn bị các nội dung báo cáo tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba.

Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổ chức 5 Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử (đợt 1) ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình triển khai công tác bầu cử; tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương về khó khăn, vướng mắc đang đặt ra đối với địa phương và đề xuất phương án giải quyết kịp thời.

Từ kết quả của các Đoàn giám sát, ngày 15/4/2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc trong hệ thống Mặt trận để trao đổi, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn nảy sinh trong công tác bầu cử.

“Như vậy, theo kế hoạch đề ra, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đã triển khai các nhiệm vụ được phân công rất nhịp nhàng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN khẳng định.  

Theo ông Đỗ Văn Chiến, Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba là một công việc rất hệ trọng của quá trình bầu cử. Đây là Hội nghị Hiệp thương lần cuối cùng, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia để thực hiện các bước tiếp theo. Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN, ông Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, kết quả lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với từng người ứng cử, từ đó lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN bày tỏ tin tưởng, với việc phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm và truyền thống của MTTQ VN, Hội nghị Hiệp thương lần này sẽ hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân giao phó.

Thêm 14 ca mắc mới COVID-19, 30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 16/4, Việt Nam ghi nhận 14 ca mắc mới, đều là công dân Việt Nam, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Nam.

Chú thích ảnh
CDC Cần Thơ tiếp nhận vaccine. Ảnh: TTXVN phát

Hai ca bệnh 2759 (nữ, 28 tuổi) có địa chỉ tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình và 2760 (nữ, 21 tuổi) có địa chỉ tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 13/4/2021, hai người này từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ8837 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa.

Các ca bệnh 2761 (nam, 29 tuổi) có địa chỉ tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và 2762 (nam, 37 tuổi) có địa chỉ tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; 2763 (nữ, 69 tuổi), có địa chỉ tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; ca bệnh 2764 (nữ, 23 tuổi) có địa chỉ tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ngày 13/4/2021, bốn trường hợp này từ Nga nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN5064 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 15/4/2021 của các trường hợp trên dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.  

Ca bệnh 2765 (nam, 27 tuổi, có địa chỉ tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội), ngày 7/4/2021 từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VJ8859, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm ngày 15/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Ca bệnh 2766 (nam, 23 tuổi), có địa chỉ tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; ca bệnh 2767 (nam, 22 tuổi), có địa chỉ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngày 14/4/2021, các bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Vinh trên chuyến bay VJ7835 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Nghệ An. Kết quả xét nghiệm ngày 16/4/2021 của hai trường hợp này dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An.

Ca bệnh 2768 (nam, 21 tuổi), có địa chỉ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và ca bệnh 2769 (nam, 33 tuổi), có địa chỉ tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ca bệnh 2770 (nam, 25 tuổi), có địa chỉ tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Ca bệnh 2771 (nữ, 44 tuổi), có địa chỉ tại huyện Thạch Phú, tỉnh Bến Tre. Ngày 14/4/2021, các bệnh nhân từ UAE nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN88 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 15/4/2021 của các trường hợp này dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Ca bệnh 2772 (nữ, 27 tuổi, có địa chỉ tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) ngày 11/4/2021 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5313 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm ngày 16/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh Quảng Nam.

Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.772 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.570 ca mắc do lây nhiễm trong nước, 910 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.  

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), 30 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh gồm các bệnh nhân 2414, 2573, 2579, 2397, 2079, 2386, 2128, 2319, 2582, 2586, 2552, 2347, 2587, 2588, 2342, 2592, 2593, 2585, 2583, 2484, 2526, 2267, 2416, 2480, 2054, 1939, 2225, 2227, 2352, 2594.

Việt Nam đã chữa khỏi 2.475 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến dịch COVID-19. Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 11 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, 16 người âm tính lần hai và 18 người âm tính lần ba.

Cả nước hiện có 40.398 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 524 người được cách ly tại bệnh viện, 24.612 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 15.262 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Đến nay, 49/63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận vaccine đợt 2, 14 tỉnh sẽ tiếp tục được cấp trong thời gian tới. Trong đó, 28 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc đã tiếp nhận; tại miền Trung có 9 tỉnh (còn 2 tỉnh chưa nhận là Bình Thuận và Ninh Thuận); khu vực Tây Nguyên có 4 tỉnh đã nhận; riêng khu vực miền Nam đã có 8 tỉnh, còn 12 tỉnh sẽ được cấp thời gian tới.

Bộ Y tế sẽ thu hồi vaccine nếu địa phương không tổ chức tiêm hết

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vaccine COVID-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định việc kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 rất khó khăn với tất cả các nước không riêng gì Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: TTXVN phát

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch. Nhờ sự quyết liệt trong triển khai của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đã 21 ngày, nước ta không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước. Ngoài hơn 117.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca về Việt Nam vào cuối tháng 2 (do VNVC mua), ngày 1/4, 811.200 liều vaccine AstraZeneca do COVAX Facility tài trợ đã về tới Việt Nam.

Bộ Y tế đã phân bổ số vaccine này về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21. Đến nay đã có 49/63 tỉnh, thành phố tiếp nhận vaccine đợt 2, 14 tỉnh sẽ tiếp tục được cấp trong thời gian tới.

Trong đó, 28 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc đã tiếp nhận; tại miền Trung có 9 tỉnh (còn 2 tỉnh chưa nhận là Bình Thuận và Ninh Thuận); khu vực Tây Nguyên có 4 tỉnh đã nhận; riêng với khu vực miền Nam đã có 8 tỉnh, còn 12 tỉnh sẽ được cấp thời gian tới. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương lập kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo đúng đối tượng đã nêu rõ trong Nghị quyết 21; hoàn thành trước ngày 5/5. Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh nếu địa phương nào không tổ chức tiêm hết thì sẽ thu hồi vaccine.  

Trước những thông tin về an toàn tiêm chủng, phản ứng sau tiêm, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cơ quan này và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã thông tin chi tiết tới báo chí. Đến nay, sau hơn 1 tháng tổ chức, Việt Nam đã tiêm cho 75.000 người. Trong số này, 33% có phản ứng thông thường sau tiêm, hầu hết đều là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, sốt nhẹ… chỉ sau 1-2 ngày là hết.

Phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam thấp hơn các nước khác, thậm chí thấp hơn các phản ứng sau tiêm ở một số loại vaccine đã tiêm từ nhiều năm nay tại Việt Nam như vaccine 5 trong 1. Tỷ lệ phản ứng nặng/quá mẫn nặng sau tiêm vaccine COVID-19 của Việt Nam là 1%o với 5 trường hợp.

Qua đánh giá, các trường hợp này chỉ phải theo dõi nhưng vẫn xếp vào phản ứng nặng sau tiêm, đều bình phục sau 1-2 ngày khi xử lý theo quy trình, quy định. Không có bất cứ trường hợp nào bị huyết khối sau tiêm tại Việt Nam. Thông tin tại cuộc họp một lần nữa khẳng định quy trình tiêm vaccine COVID-19 của Việt Nam khác với các nước, làm rất chặt chẽ, thận trọng với tinh thần “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”, đặc biệt, diện trì hoãn tiêm và chống chỉ định tiêm của Việt Nam rộng hơn các nước.

8.700 trường hợp vi phạm trong ngày đầu thực hiện cao điểm

Theo thông tin tổng hợp từ Cục Cảnh sát giao thông, trong ngày đầu ra quân đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Lễ 30/4 - 1/5, bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 15/4), Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 8.716 trường hợp vi phạm; phạt tiền 9,9 tỷ đồng; tạm giữ 34 xe ô tô, 1.260 xe mô tô; tước 915 giấy phép lái xe các loại.

Chú thích ảnh
Lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành lập biên bản xử phạt, đồng thời tuyên truyền, mời phụ huynh lên làm việc và có hình thức xử lý kịp thời. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 626 tài xế vi phạm nồng độ cồn và 5 trường hợp vi phạm quy định về ma túy. Chỉ tính riêng các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 112 trường hợp vi phạm, phạt tiền 313 triệu đồng, tước 40 giấy phép lái xe, tạm giữ 6 phương tiện.

Cảnh sát đường thủy công an các đơn vị, địa phương đã xử lý 240 trường hợp vi phạm; phạt tiền 247 triệu đồng. Trên lĩnh vực đường sắt, các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã tổ chức nhiều tổ công tác kiểm tra, nắm tình hình công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại 3 đường ngang, 5 đoàn tàu khách; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Sáng 16/4, thông tin với báo chí, Thiếu tá Nguyễn Kim Thi, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 (Đội 4), Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị đã phát hiện 2 lái xe dương tính với ma túy.

Thực hiện cao điểm trên, ngày 15/4, các tổ Cảnh sát giao thông thuộc Đội 4 phối hợp với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại km 68 + 800 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đến 14 giờ cùng ngày, tổ công tác tiến hành dừng kiểm tra xe ô tô con biển số 22A-004.XX do anh Nguyễn D. K, trú tại Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên điều khiển.

Qua test nhanh phát hiện lái xe này dương tính với ma túy đá. Tiếp tục kiểm tra xe ô tô con 20A-461.XX do anh Khuông M. K. trú tại Yên Ninh, Phú Lương, Thái Nguyên điều khiển, tổ công tác phát hiện lái xe này dương tính với ma túy tổng hợp và đã lập biên bản xử lý theo quy định.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hành vi điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, các tài xế vi phạm trên sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Cũng trong ngày đầu thực hiện cao điểm, Đội 4 còn phát hiện 2 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Hai tài xế được xác định là Trần Quốc Đ., trú tại phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên, điều khiển xe ô tô con biển số 20A-032.XX. và Lộc K. T., trú tại Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội điều khiển xe ô tô con biển số 30F-367.XX vi phạm nồng độ cồn mức dưới 0,25miligam/1 lít khí thở.

Theo Thiếu tá Nguyễn Kim Thi, với lỗi vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25miligam/1 lít khí thở, 2 tài xế trên bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

V.T/Báo Tin tức