09:22 22/09/2020

Tín hiệu lạc quan về dịch COVID-19 từ nhiều nước châu Á

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 22/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 31.551.971 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, trong đó có 970.554 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 23.165.983 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 204.633 trường hợp tử vong trong tổng số 7.049.167 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 89.117 ca tử vong trên 5.580.286 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 137.350 ca tử vong trong số 4.560.083 bệnh nhân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 325.373 ca tử vong trong tổng số 8.801.752 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 226.237 ca tử vong trên 4.934.210 ca mắc bệnh. Châu Á có 127.220 ca tử vong trong số 7.366.056 ca mắc COVID-19; Trung Đông có 42.781 ca tử vong; châu Phi có trên 34.000 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là 925 người.

Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 95 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 86 người) và Tây Ban Nha (66 người).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc COVID-19 đang tăng nhanh trên toàn thế giới, với số ca nhiễm mới ghi nhận trong một tuần đã lên mức cao kỷ lục - gần 2 triệu ca, trong khi số trường hợp tử vong mới đang có xu hướng giảm dần.

Theo thống kê của WHO, trong tuần lễ kết thúc vào ngày 20/9, thế giới có thêm 1.998.897 ca nhiễm mới - tăng 6% so với tuần trước đó và là số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

WHO cho biết gần như tất cả các khu vực trên thế giới đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên trong tuần trước, mặc dù số ca tử vong có dấu hiệu đi xuống (giảm 10%). Châu Âu và châu Mỹ lần lượt có số ca nhiễm mới tăng ở mức 11% và 10%. Duy nhất có châu Phi ít chịu tác động của đại dịch, khi có số ca nhiễm mới giảm 12% so với tuần trước đó. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 22/9, quốc gia tâm dịch của châu Á - Ấn Độ ghi nhận thêm 75.083 ca nhiễm - mức tăng theo ngày thấp nhất trong khoảng một tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên gần 5,6 triệu ca. Hiện Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19, sau Mỹ. Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 1.053 ca tử vong.

Trong khi đó, các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản ghi nhận diễn biến tích cực trong tình hình dịch bệnh. Sáng 22/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, giảm 50% so với ngày trước đó và tất cả các ca nhiễm mới đều là trường hợp nhập cảnh. Đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 85.297 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới dưới 100, trong bối cảnh nước này đang khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng dịch do lo ngại nguy cơ lây nhiễm gia tăng vào dịp lễ Trung thu sắp tới. Dự kiến sẽ có hàng triệu người Hàn Quốc di chuyển trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày này.

Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 22/9 cho biết nước này ghi nhận 61 ca nhiễm mới, bao gồm 51 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày Hàn Quốc có số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ ngày 13/8 ghi nhận 56 ca nhiễm mới. Trước đó, ngày 20/9 và 21/9 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới lần lượt là 82 ca và 70 ca.

Tính đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 23.106 ca mắc COVID-19, trong đó có 388 ca tử vong. Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, Hàn Quốc vẫn duy trì biện pháp cách xã hội mức II tới ngày 27/9, hạn chế các sự kiện tập trung đông người, đóng cửa một số địa điểm tham quan, tăng cường biện pháp an toàn vệ sinh dịch tễ trên các phương tiện công cộng...

Nhật Bản cũng ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong vòng một tuần qua - 312 trường hợp. Đến nay Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 80.184 ca mắc COVID-19, bao gồm 1.527 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và kính che mặt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Philippines đã ghi nhận ngày có mức tăng số bệnh nhân COVID-19 thấp nhất trong hai tuần qua - với 1.635 ca nhiễm mới, đưa tổng số người mắc bệnh tại nước này lên 291.789 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 50 người, nâng tổng số lên 5.049 ca.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia, khi nước này ghi nhận thêm 160 ca tử vong - mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong lên 9.837 ca. Đây là nước số ca tử vong do dịch COVID-19 cao nhất tại châu Á, sau Ấn Độ. Bên cạnh đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 4.071 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 252.923 ca.

Tại châu Đại dương, ngày 22/9, New Zealand thông báo không có ca nhiễm mới nào khi nước này bước vào ngày đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế, trừ Auckland - thành phố lớn nhất New Zealand. Auckland sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với những sự kiện tập trung đông người từ đêm 23/9, theo đó sẽ hạ mức cảnh báo từ cấp 2,5 xuống cấp 2. Theo mức cảnh báo cấp 2, các hoạt động tập trung đông người từ 100 người trở lên sẽ bị cấm. 

Trong khi đó, bang Victoria, điểm nóng dịch bệnh tại Australia, thông báo số ca nhiễm mới tại bang này đã tăng hơn gấp đôi, trong khi các bang khác cho biết các biện pháp hạn chế ở khu vực biên giới sẽ được nới lỏng khi số ca nhiễm mới giảm.

Tại Trung Đông, Bộ Y tế Israel đã ban bố tình  trạng khẩn cấp đối với tất cả các bệnh viện nước này sau khi số ca mắc COVID-19 tăng cao bất thường gây ra tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế. Trong thư gửi tới giám đốc các bệnh viện, Tổng Vụ trưởng Y tế Israel Hezi Levi đã cảnh bảo hệ thống y tế sẽ phải đối mặt với khả năng hạn chế trong việc điều trị do tình trạng quá tải. Ông dự báo trong 10 ngày tới, có thể có thêm từ 200 đến 300 bệnh nhân COVID-19 ở thể nặng, bao gồm cả những trường hợp phải lọc máu.

Tính đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhân ở thể nặng tại Israel lên tới 651 người trong tổng số 1.348 bệnh nhân đang phải điều trị. Động thái trên được đưa ra sau khi Israel vượt Mỹ về tỷ lệ số ca nhiễm tính trên đầu người. Hiện Israel ghi nhận cứ 1 triệu người thì trung bình có 20.562 ca nhiễm, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ là 20.475 ca/1 triệu người.

Giới chuyên gia nhận định Israel đang chứng kiến sự gia tăng ca nhiễm và tỷ lệ những người có kết quả xét nghiệm dương tính vào khoảng 11%, cao hơn so với các nước còn lại của thế giới. Số ca tử vong tính trên đầu người tại Israel cũng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Trung bình số ca tử vong ở các nước khác là 124/1 triệu người trong khi Israel là 137/1 triệu người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Toluca, Mexico. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Mỹ, ngày 21/9, Bộ Y tế Mexico ghi nhận thêm 2.917 ca mới, nâng tổng số lên 700.580 ca với 73.697 ca không qua khỏi. Thứ trưởng bộ trên, ông Hugo Lopez-Gatell thừa nhận số ca mắc thực tế tại Mexico cao hơn đáng kể so với số liệu thống kê chính thức. Tuy nhiên, ông cho rằng dịch bệnh tại quốc gia Mỹ Latinh này có nhiều dấu hiệu chậm lại. Số ca tử vong và số ca mắc mới giảm trong 8 tuần liên tiếp.

Tại châu Âu, ngày 21/9, giới chức y tế Hy Lạp xác nhận thêm 453 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất tại Hy Lạp kể từ khi nước này ghi nhận bệnh nhân đầu tiên cuối tháng 2 vừa qua. Theo đó, tổng số ca mắc tại quốc gia châu Âu này đã tăng lên 15.595 ca. Số ca tử vong tăng thêm 6 ca lên 344 ca.

Các nhà phát triển vaccine trên toàn cầu đang nỗ lực rút ngắn thời gian thông thường có thể kéo dài tới vài năm xuống vài tháng để tìm ra loại vaccine giúp ngăn ngừa căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người và làm đảo lộn mọi hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất trên toàn thế giới.

Nga dự kiến sẽ đăng ký thêm một loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiềm năng thứ hai trước ngày 15/10 tới. Loại vaccine mới được Viện Nghiên cứu sinh vật truyền bệnh Siberia phát triển và đã hoàn thành các thử nghiệm trên người giai đoạn đầu vào tuần trước.

Tháng trước, Nga trở thành quốc gia đăng ký vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Vaccine Sputnik-V do Viện Gamaleya Moskva phát triển, hiện được thử nghiệm giai đoạn cuối với sự tham gia của ít nhất 40.000 tình nguyện viên.

Thanh Phương (TTXVN)