03:16 22/03/2023

Tín dụng khơi thông, bất động sản đón ‘sóng’ phục hồi?

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (2021-2022), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi vay. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản (BĐS).

Chú thích ảnh
Nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng ưu đãi và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ thời gian tới. Ảnh: VCB

Giảm lãi vay ở một số sản phẩm, trong đó có bất động sản

Thông tin các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm và cho vay được nhiều người kỳ vọng về tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm về mức dưới 7%/năm có thể sẽ kéo lãi suất cho vay về quanh mức 10%/năm. Việc này hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp nhà đầu tư, cá nhân vay mua BĐS.

Theo đó, từ nay tới ngày 31/3/2024, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (khách hàng SME) vay vốn tại Vietcombank để mua bất động sản, xe ô tô, vay tiêu dùng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên với khoản vay có thời hạn cho vay từ 12 tháng trở xuống; từ 8,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên với khoản vay có thời hạn cho vay trên 12 đến 24 tháng và từ 10,2%/năm trong 12 tháng đầu tiên với khoản vay có thời hạn cho vay trên 24 tháng.

Phía Agribank cũng đưa ra chính sách giảm lãi suất vay mua nhà cho một số đối tượng. Cụ thể: Khoản vay với mục đích kinh doanh BĐS tại thời điểm từ 31/1/2023 bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ được xem xét giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với mức lãi suất cũ. Thời gian thực hiện điều chỉnh tối đa đến cuối năm nay và bắt đầu áp dụng từ ngày 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

Còn BIDV tung ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vay mua nhà ở với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; hay từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; đồng thời giảm thêm từ 0,2 - 0,4% cho khách hàng trả lương qua BIDV hay khách hàng tại một số địa phương nhất định.

Không chỉ các “ông lớn” trong ngành, xu hướng giảm lãi suất cho vay cũng lan sang một số ngân hàng thương mại cổ phần. Đơn cử như MBBank điều chỉnh lãi suất cho vay chỉ từ 8,5%/năm; Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt… cũng tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 1 - 2 điểm % so với mức lãi suất thông thường.

Hiện, một số ngân hàng áp dụng lãi suất vay mua nhà thấp nhất, đó là MSB với 4,99%/năm; PVcomBank là 5% và TPBank là 5,9%. Tuy nhiên, MSB chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu. Từ tháng thứ 4 trở đi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường. Còn PvcomBank cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5%/năm nhưng chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 sẽ áp dụng lãi suất thả nổi là 12%/năm.

“Thời gian tới, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng được kỳ vọng có thể giảm xuống 10 - 11%/năm. Lãi suất hợp lý cộng với các giải pháp gỡ vướng về thủ tục pháp lý sẽ tạo nguồn cung mới, giúp thị trường khởi sắc trở lại”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Tác động tích cực cho cả bên bán và mua

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, lãi suất vay vốn giảm sẽ có 3 tác động tích cực cho cả bên bán và bên mua, đó là chi phí vốn giảm và giá bán hấp dẫn hơn; nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn; tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường BĐS. 

So với đầu năm, lãi suất cho vay hiện đã giảm 1 - 2%, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới. 

“Tuy nhiên, tác động của việc giảm lãi suất sẽ phân hóa giữa các chủ đầu tư, dự án khác nhau, giá trị BĐS khác nhau. Các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án, có năng lực tài chính lành mạnh; các dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch, vị trí đẹp... sẽ có nhiều lợi thế, được các ngân hàng ưu tiên giảm lãi suất và được khách hàng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn”, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết. 

Thực tế thời gian qua, nhiều nhà đầu tư và cả chủ đầu tư đã phải “trả giá” cho việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, đầu tư dàn trải; dẫn tới đứt gãy dòng tiền đột ngột khi tiếp cận nguồn vốn khó khăn. Vì vậy TS Cấn Văn Lực cho rằng: Khi quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư nên tự trang bị kiến thức cơ bản về thị trường BĐS, cũng như các yếu tố pháp lý, quy hoạch, đầu tư công, kinh tế vĩ mô...; cần tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, dự án BĐS; ưu tiên lựa chọn các dự án được triển khai bởi các chủ đầu tư uy tín, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi...

Nhà đầu tư cũng nên xác định rõ mục đích loại hình BĐS để vay, nên ưu tiên cho nhu cầu thật, tức là mua để ở hoặc để sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư lâu dài; lên kế hoạch tài chính, xác định số tiền muốn vay và cân đối dòng tiền của bản thân, gồm các dòng tiền đều đặn (như lương, thu nhập từ cho thuê tài sản...) và dòng tiền bất thường (như bán tài sản, thừa kế...); đồng thời cần tìm hiểu đúng về lãi suất cho vay, thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi, cách tính lãi suất sau khi chương trình ưu đãi kết thúc, mức lãi suất phạt, phí phạt, lịch trả nợ... 

Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đang đang rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn của cả chủ đầu tư và khách hàng. Ngày 11/3/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, trong đó có câu chuyện liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo đó, các dự án chuẩn pháp lý, thanh khoản tốt, đúng tiến độ, chủ đầu tư uy tín, người mua nhà với nhu cầu thực, có thu nhập ổn định vẫn luôn có khả năng tiếp cận vốn vay. Vì thế, nhà đầu tư phải minh bạch thông tin, khai báo thu nhập chính xác, thiện chí hợp tác với các tổ chức tín dụng…, thì cung - cầu vốn mới gặp nhau được. 

Minh Phương/Báo Tin tức