04:13 03/04/2025

Tín dụng chính sách góp lực cùng tỉnh Kiên Giang vươn mình

Đến ngày 31/3/2025, có 22 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và địa phương được NHCSXH tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ, thông suốt đến tất cả các làng quê nơi biên giới, ngoài hải đảo, với số tiền đa giải ngân 7.395 tỷ đồng, trong đó có 640 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH.

Chú thích ảnh
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang, ông Đoàn Công Thiệt, phát biểu.

Chia sẻ tại Hội nghị biểu dương “Người lao động giỏi, lao động sáng tạo giai đoạn 2020-2025”, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang, ông Đoàn Công Thiệt, khẳng định: Việc triển khai những chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc vùng đất tận cùng phía Tây nam của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Trao thưởng cho các điển hình tiên tiến của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang tại Hội nghị biểu dương “Người lao động giỏi, lao động sáng tạo giai đoạn 2020-2025”

Trong năm 2024 và ba tháng đầu năm 2025, với những giải pháp đồng bộ, đúng đắn, chất lượng tín dụng tại NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt. Cùng đó, sự nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về ý nghĩa và vai trò tín dụng ưu đãi cũng có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Ký kết giao ước thi đua tại Hội nghị biểu dương “Người lao động giỏi, lao động sáng tạo giai đoạn 2020-2025”.

Đến ngày 31/3/2025, có 22 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và địa phương được NHCSXH tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ, thông suốt đến tất cả các làng quê nơi biên giới, ngoài hải đảo, với số tiền đa giải ngân 7.395 tỷ đồng, trong đó có 640 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH.

Chú thích ảnh
Hoạt động của Điểm giao dịch xã của NHCSXH Kiên Giang.

Dòng chảy tín dụng chính sách xã hội giữa vùng đất tận cùng phía Tây nam đã giúp hơn 207.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang về giảm nghèo hàng năm và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều toàn tỉnh còn 0,99%, giảm 1,7% so với năm 2020; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Động lực thay đổi diện mạo vùng đất Kiên Giang

Tín dụng chính sách không chỉ là “bà đỡ”, giúp hàng nghìn hộ dân Kiên Giang thoát nghèo, mà còn là động lực kiến tạo cuộc sống ổn định, bền vững cho cả cộng đồng. Những chương trình cho vay từ NHCSXH còn góp phần mở cánh cửa tri thức, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng địa phương với những ngôi nhà khang trang, cải thiện môi trường, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa nơi đây.

Câu chuyện của gia đình bà Nguyễn Thị Mảnh, ngụ tại ấp Đập Đá, xã Tân Hội, là một minh chứng. Cách đây không lâu, gia cảnh của bà rất khó khăn, không có đất để trồng trọt, thiếu vốn để phát triển chăn nuôi. Nhờ khoản vay từ NHCSXH huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), hai người con của bà là Nguyễn Thị Kim Hân và Nguyễn Thị Kim Hảo đã được đi lao động tại Nhật Bản, thu nhập bình quân trên 25 triệu đồng/tháng/ người, có tiền đều đặn gửi về giúp gia đình xây dựng lại nhà ở kiên cố và trả nợ gốc lẫn lãi đúng kỳ hạn.

“Tín dụng chính sách không chỉ hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ tuổi vùng nông thôn hẻo lánh”, bà Mảnh tâm sự.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng thăm các mô hình vay vốn sản xuất hiệu quả của tỉnh Kiên Giang.

Tương tự, bà Thị Hường, ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều, đã sử dụng 80 triệu đồng vốn vay ưu đãi dành cho hộ đồng bào Khmer nghèo, để chăn nuôi bò sinh sản. Với sự chịu khó, siêng năng lao động của gia đình, đàn bò được chăm sóc chu đáo, béo khỏe, số lượng đều đặn tăng lên. Gần đây, bà còn được tiếp cận vốn vay hỗ trợ nhà ở từ NHCSXH huyện biên giới Giang Thành, cộng với số tiền lời từ chăn nuôi, trồng trọt, nên đã xây được ngôi nhà mới 3 gian khang trang, thoáng đãng.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Tại tỉnh Kiên Giang, công tác tín dụng chính sách đã được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp, sự quan tâm hỗ trợ thiết thực của các ban ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân...

Chú thích ảnh
Hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi.

Điển hình là việc thực hiện Chỉ thị 40/CT/TW và Kết luận 06-KL/TW đã được cụ thể hóa bằng các kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương. Nguồn lực được tập trung vào tín dụng chính sách xã hội, gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

Chú thích ảnh
Cán bộ tín dụng thăm các mô hình vay vốn sản xuất hiệu quả của tỉnh Kiên Giang.

Các cấp ủy, địa phương đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đóng vai trò cầu nối giữa ngân hàng với người dân, đảm bảo vốn vay được phân bổ đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

Các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH xây dựng được mạng lưới hơn 3.200 tổ Tiết kiệm và vay vốn, làm cầu nối vững chắc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến tận tay người dân.

Chú thích ảnh
Một hình sản xuất hiệu quả nhờ vốn tín dụng của tỉnh Kiên Giang.

Thành công của tín dụng chính sách tại Kiên Giang còn có vai trò của đội ngũ cán bộ tín dụng luôn bền bỉ, tận tâm, sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn, thực hiện phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, tăng cường biện pháp ứng phó trước những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh và tích cực giúp đồng bào các dân tộc vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn hiệu quả để khôi phục, phát triển sản xuất.

Hiệu quả và ảnh hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã được lãnh đạo và nhân dân tỉnh Kiên Giang ghi nhận là công cụ hữu hiệu trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tập thể cán bộ NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền (2022, 2023, 2024), được Tổng giám đốc NHCSXH tặng cờ thi đua đơn vị đạt danh hiệu “xuất sắc nhiệm vụ khu vực XI”.

Chú thích ảnh

Phát huy những kết quả đạt được, trong hành trình tiếp theo, NHCSXH tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục tích cực, chủ động tham mưu, tổ chức có hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Cụ thể, đẩy mạnh phong trào thi đua giai đoạn 2025-2030; thực hiện tốt chỉ tiêu các chương trình tín dụng chính sách xã hội được trung ương giao và của địa phương ủy thác; củng cố hoàn thiện chuyên nghiệp bộ máy phù hợp với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay, để phục vụ tốt nhất hiệu quả rõ rệt đối tượng khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ, tập trung huy động nguồn lực tài chính, nhanh chóng chuyển tải nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng được thụ hưởng.

“Đó là phương châm hành động của đội ngũ cán bộ, người lao động thuộc NHCSXH tỉnh Kiên Giang để góp phần cho vùng đất tận cùng phía tây nam vươn mình và phát triển bền vững”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Kiên Giang ông Đoàn Công Thiệt khẳng định.

Thành Văn - Minh Uyên