04:05 10/04/2019

Tìm tiếng nói chung giữa siêu thị và HTX để 'tôn vinh' hàng Việt

Nắm vững các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, thủ tục, hồ sơ sẽ giúp các hợp tác xã đưa được hàng vào siêu thị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Ngược lại, phía siêu thị cũng cần hướng dẫn thủ tục thuận lợi cho HTX, tránh việc gây khó dễ.

Bị trả hàng liên tục vì chưa đủ điều kiện

Đến tham dự Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi bán lẻ của siêu thị Big C do Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức chiều qua (9/4), ông Phạm Văn Quynh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh (Kim Động, Hưng Yên) mang theo niềm hi vọng sản phẩm cam của mình sẽ vào được hệ thống siêu thị lớn này.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các HTX tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm bán hàng vào kênh bán lẻ hiện đại.

Thực tế, sản phẩm cam của địa phương ông đã được trồng và phát triển trong vòng 10 năm và được xây dựng thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý khoảng hai năm nay. Tuy nhiên, cam Đồng Thanh vẫn chưa đưa được vào hệ thống siêu thị tại Hà Nội, mà chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái thu mua nhỏ lẻ.

"Đưa hàng vào siêu thị là điều mà chúng tôi mong muốn, nếu không các hội viên sẽ lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Sản phẩm của HTX tôi đã có chứng nhận VietGAP, nếu siêu thị tạo điều kiện cho chúng tôi, thì việc đảm bảo các quy định về mẫu mã, bao bì không phải là vấn đề khó", ông Quynh nói.

Đại diện HTX này tiết lộ đã từng thử đi chào hàng tại một số siêu thị, nhưng chưa thành công, phần vì quy mô sản xuất còn nhỏ, phần vì cam Đồng Thanh còn chưa được nhiều người biết đến so với các thương hiệu cam khác như Cao Phong, Vinh... 

Lần này biết được Big C sẽ tạo điều kiện cho các HTX bằng việc chiết khấu 0%, đồng thời hướng dẫn HTX làm thủ tục, hồ sơ đạt các điều kiện cần thiết, ông Quynh không khỏi vui mừng.

"Nói đến Hưng Yên, người tiêu dùng Hà Nội thường chỉ biết đến gà Đông Tảo, nhãn lồng... Chúng tôi hi vọng cam của HTX Đồng Thanh vào được Big C, khi đó sẽ quảng bá được sản phẩm tới người tiêu dùng Thủ đô", ông Quynh lạc quan cho hay.

Trong những năm gần đây, khi cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được đẩy mạnh, các siêu thị trong nước đã có nhiều chính sách khuyến khích các HTX đưa nông sản chủ lực vào siêu thị. Song vì nhiều lý do mà số lượng nông sản Việt vào được siêu thị còn khiêm tốn.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm thu mua miền Bắc của siêu thị Big C cho biết, việc đưa hàng vào siêu thị phải trải qua nhiều quy trình, trong đó khâu hoàn thiện hồ sơ ban đầu có vai trò quyết định. Nhiều HTX không chuẩn bị hồ sơ kỹ càng đã bị loại ngay từ vòng này.

"Nhiều HTX bị loại ngay từ vòng duyệt hồ sơ do không đủ giấy tờ. Bên cạnh việc có đầy đủ chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, các HTX cần đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Có HTX nộp hồ sơ, trong đó có chứng nhận VietGAP cho cam, bưởi, nhưng sản phẩm chào bán lại là chanh thì cũng không được chấp nhận", bà Linh nêu thực tế.

Chưa kể, việc thanh toán bắt buộc phải thông qua tài khoản ngân hàng của HTX (chứ không phải của cá nhân) để đảm bảo tính minh bạch. Một số HTX không xin được chứng nhận tài khoản ngân hàng thì cũng không được siêu thị chấp nhận hồ sơ.

Cũng theo bà Phạm Thị Thùy Linh, thực tế, có những HTX chưa bao giờ bị trả hàng về như HTX Cam Cao Phong (Hòa Bình), nhưng cũng có HTX giao đến lần thứ 3 mới được nhận hàng hoặc thậm chí nhiều hơn. Điều đó cho thấy, việc đưa hàng vào siêu thị hoàn toàn nằm trong khả năng của các HTX, quan trọng là sự chủ động và chuyên nghiệp của HTX.

Hiện nay, đã có khoảng 40 HTX nông nghiệp đưa được sản phẩm của mình vào hệ thống siêu thị Big C. Có HTX mới đưa hàng vào được 2 - 3 tuần nhưng doanh thu đã lên đến 300 triệu đồng.

Cần tiếng nói chung giữa siêu thị và HTX

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản tại các địa phương lặp lại bài ca "chờ giải cứu" như khoai lang, cà rốt... Song, những chiến dịch giải cứu, dù lớn đến đâu, cũng chỉ có thể là giải pháp tình thế, giúp đỡ bà con nông dân bớt khó khăn. Để đảm bảo đầu ra ổn định, lâu dài cho nông sản, cần một cái bắt tay thật chặt của các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ với bà con nông dân mà đại diện là các HTX.

Ông Nguyễn Cao Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Việc hàng hóa nông sản chưa vào được siêu thị cần nhìn dưới 2 góc độ: Một là các HTX thiếu thông tin do các siêu thị không chủ động cung cấp, hai là chất lượng hàng hóa có vấn đề, chưa đạt tiêu chuẩn. Do làm tốt công tác thông tin, kết nối, những năm qua, hàng chục tấn hàng hóa nông sản thế mạnh của Vĩnh Phúc như ngọn susu Tam Đảo, thanh long ruột đỏ... đã vào được các hệ thống siêu thị tại địa phương và Hà Nội.

Ông Thảo đề nghị, từ phía địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng, không vượt quá quy hoạch, phía các doanh nghiệp phân phối đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, có như vậy sẽ không lo lặp lại bài ca giải cứu.

Chú thích ảnh
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu ý kiến.

Tất nhiên, nội lực của mỗi HTX vẫn là yếu tố quan trọng nhất để quyết định hàng hóa có vào được siêu thị hay không. Bà Phạm Thị Thùy Linh tiết lộ, qua quá trình đi kiểm tra thực tế tại các HTX cho thấy, các HTX thường bị thấp điểm ở khâu sơ chế không đảm bảo tiêu chuẩn, thậm chí nhiều HTX, khu sơ chế nằm ngay cạnh khu sinh hoạt.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, đã có sự thay đổi không nhỏ trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện đại. Các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc; sản phẩm đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; sản phẩm nông sản hữu cơ... được người tiêu dùng đặc biệt yêu thích. Đây là định hướng dành cho các HTX để phát triển và quy hoạch sản xuất trong thời gian tới.

"Người tiêu dùng ưa chuộng và yên tâm khi mua các sản phẩm nông sản này vì có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, qua tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, khách hàng có thể sử dụng điện thoại để quét mã truy xuất và nắm được thông tin xuất xứ", bà Linh gợi ý các HTX.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao việc siêu thị Big C thực hiện mức chiết khấu 0% đối với các HTX, hộ nông dân khi cung cấp hàng vào hệ thống. Thứ trưởng đề nghị siêu thị tiếp tục hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các HTX về quy trình bài bản, đồng thời có sự hỗ trợ phù hợp cho các HTX.

"Về phía HTX phải chủ động sản xuất, liên kết lại để đưa hàng vào siêu thị. Trong đó, chất lượng, bao bì mẫu mã và giá cả là 3 vấn đề cơ bản quyết định đến việc có đưa được hàng vào siêu thị hay không. Trên cơ sở các hợp đồng được ký kết giữa HTX và siêu thị, Bộ sẽ tổng hợp kết quả sau 3 - 6 tháng triển khai. Trên cơ sở đó xây dựng Đề án nhân rộng mô hình nhằm từng bước nâng tầm liên kết", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Còn đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong suốt năm 2018, Vụ đã nhiều lần tổ chức các Tuần hàng nông sản, đặc sản vùng miền tại siêu thị Big C như nhãn lồng Hưng Yên, cá sông Đà, dâu tây Sơn La, vải thiều Bắc Giang... nhằm kết nối nguồn cung và nơi tiêu thụ, tạo cơ hội cho các HTX đưa hàng vào siêu thị. Những hoạt động này sẽ được tiếp nối trong năm nay, tuy nhiên, các HTX cần chủ động nắm bắt thông tin để đăng ký tham gia.

Có thể thấy, các HTX và hệ thống siêu thị lớn đã dần tìm được tiếng nói chung trong việc phối hợp đưa nông sản sạch vào kênh phân phối hiện đại. Khi hoạt động này đi vào thực chất và được duy trì, người hưởng lợi không ai khác chính là bà con nông dân và người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức