07:22 24/07/2015

Tìm thị trường ổn định cho khoai lang

Trước việc giá khoai lang sụt giảm thấp nhất từ trước đến nay, việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định cũng như tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho vùng chuyên canh khoai lang đang là vấn đề bức thiết của nông dân tỉnh Vĩnh Long thời gian gần đây.

Trước việc giá khoai lang sụt giảm thấp nhất từ trước đến nay, việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định cũng như tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho vùng chuyên canh khoai lang đang là vấn đề bức thiết của nông dân tỉnh Vĩnh Long thời gian gần đây.

Không có hợp đồng ổn định

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, vụ đông xuân 2014 - 2015, diện tích xuống giống khoai lang đạt 7.236 ha, sản lượng đạt trên 210.000 tấn. Tuy nhiên, giá bán khoai lang hiện nay đã sụt giảm mạnh, chỉ còn từ 120.000 - 180.000 đồng/60 kg đối với khoai lang tím Nhật, giảm từ 150.000 - 200.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nông dân huyện Bình Tân thu hoạch khoai lang.


Theo bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, vùng chuyên canh khoai lang huyện Bình Tân hiện có 1 công ty và 2 hợp tác xã, thông qua hệ thống thương lái thu mua khoai lang tập kết tại các kho lớn trên địa bàn thị xã Bình Minh để xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp như Công ty Rồng Đỏ hợp đồng với Hợp tác xã khoai lang Thành Đông thu mua toàn bộ sản lượng khoai lang được chứng nhận GlobalGAP với giá cao hơn giá thị trường từ 10 - 15%; Công ty Nhật Thành đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp chế biến mặt hàng khoai lang sấy, khoai lang chiên và xuất khẩu mặt hàng mới là tinh bột khoai lang qua thị trường Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, nguyên nhân do tình hình sản xuất và tiêu thụ khoai lang còn nhiều bất cập, thị trường tiêu thụ khoai lang chủ yếu là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, không có hợp đồng chắc chắn và luôn có sự thay đổi về quy cách sản phẩm làm cho nông dân sản xuất tự phát, không nắm được yêu cầu của thị trường tiêu thụ và thiếu thông tin về giá cả.

Đa dạng sản phẩm chế biến để xuất khẩu

Trước tình hình đó, tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành nông nghiệp, công thương xây dựng kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho vùng chuyên canh khoai lang Bình Tân. Theo đó, cùng với việc hình thành vùng nguyên liệu khoai lang 5.000 ha, ngành nông nghiệp nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu khoai lang” 32 ha và mô hình trồng khoai lang chứng nhận GlobalGAP 15 ha ở xã Thành Đông, cơ cấu giống khoai lang tím Nhật chiếm tỷ trọng 65% và bố trí trồng khoai ở vụ đông xuân hoặc hè thu để lệch với lịch thời vụ thu hoạch khoai lang của Trung Quốc. Đồng thời tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã hướng dẫn nông dân trồng theo quy trình kỹ thuật và chủ động điều phối nguồn hàng.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên trồng luân canh khoai lang với lúa, các loại cây màu khác để hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp kết hợp với Sở Công Thương Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho khoai lang Bình Tân, tổ chức hoạt động liên kết tiêu thụ, khảo sát thị trường để tìm cơ hội giao thương, thành lập chợ bán buôn sản phẩm khoai lang.

Trong công tác xúc tiến thương mại, tỉnh Vĩnh Long xác định thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng trong tiêu thụ khoai lang tươi. Đồng thời thu hút dự án đầu tư lĩnh vực chế biến đa dạng sản phẩm từ khoai lang như khoai sấy, miến, nước ép... để tiếp cận những thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hoa Kỳ, hướng đến mở rộng xuất khẩu sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị nông sản.

Kim Phượng