12:23 06/12/2011

Tìm thị trường cho hàng nông sản-Bài cuối: Chủ động trong quy hoạch sản xuất

Tình trạng được mùa - mất giá, trồng chặt - chặt trồng, tồn tại nhiều năm ở một số địa phương, khiến người nông dân nhiều phen lao đao. Phóng viên Tin Tức đã trao đổi với ông Nguyễn Trí Ngọc (ảnh), Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.

Tình trạng được mùa - mất giá, trồng chặt - chặt trồng, tồn tại nhiều năm ở một số địa phương, khiến người nông dân nhiều phen lao đao. Phóng viên Tin Tức đã trao đổi với ông Nguyễn Trí Ngọc (ảnh), Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.

Thu hoạch thanh long xuất khẩu. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN


´Trong vài năm gần đây, ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng được mùa- mất giá, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có giải pháp gì cho tình trạng này, thưa ông?

Để giải quyết bài toán này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm ba việc. Thứ nhất là bộ đã quy hoạch dựa trên tính toán thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu. Để đảm bảo sự ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản, tránh tình trạng được mùa, mất giá, trồng xong lại chặt, chặt rồi lại trồng, bộ cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch chung và chi tiết, từ đó các địa phương sẽ hướng dẫn cho người dân thực hiện theo quy hoạch.

Vấn đề thứ hai là nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản gồm có: Nâng cao chất lượng, số lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ để tạo ra thương hiệu cho sản phẩm nông sản của Việt Nam. Khi tạo ra được thương hiệu thì hàng nông sản sẽ có giá trị cao hơn.

Việc thứ ba là quảng bá, xúc tiến thương mại. Trong đó bao gồm dự báo, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm để từ đó định hướng cho sản xuất trong nước. Ký kết hợp đồng ổn định cho các mặt hàng nông sản và tránh sự tùy tiện, được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Ngoài ra, cần kiên trì thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về việc liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) nhằm khuyến khích người sản xuất nông nghiệp địa phương liên kết với các đầu mối tiêu thụ để sản xuất canh tác theo đơn đặt hàng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Tức là sản xuất, tiêu thụ hàng hóa phải có hợp đồng, thông qua hợp đồng để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam. Tránh sự tùy tiện trong sản xuất cũng như thương mại.

´Nhưng trên thực tế, ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng trồng chặt, chặt trồng, thưa ông?

Đó là điều khó tránh khỏi trong giai đoạn hiện nay, vì thực tế ruộng đất của nông dân, họ có quyền sản xuất những gì họ muốn. Do vậy, chính quyền địa phương cần phải hướng dẫn nông dân, thuyết phục họ thông qua lợi ích kinh tế, thuyết phục bằng quy hoạch, hướng dẫn nông dân cần làm gì, ở đâu và làm như thế nào.
Bên cạnh đó, các địa phương cần giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp phân phối, tìm thêm các thị trường xuất khẩu. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho người dân, để nâng cao chất lượng cho nông sản.

´Xuất khẩu nông sản là một trong những thế mạnh của Việt Nam, xin ông cho biết chiến lược này được thực hiện như thế nào để người nông dân không bị thiệt hại, thưa ông?

Để người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không bị thiệt hại khi xuất khẩu thì quan trọng nhất là thực hiện nghiêm túc Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu về Việt Nam.

Thực tế, xuất khẩu nông sản sang các nước láng giềng là một trong những chính sách mang tính chiến lược đối với hàng nông sản Việt Nam. Nhưng vấn đề là xây dựng chiến lược như thế nào để bảo vệ sản phẩm của Việt Nam, bảo vệ giá trị, thị trường và uy tín của sản phẩm. Việt Nam đã làm việc với một số nước trong khu vực để tăng cường kiểm soát các quy định về nguồn gốc xuất xứ, tăng cường kiểm dịch dù qua cửa khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, để người dân hiểu và bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải chủ động trong quy hoạch, sản xuất, không phải cái gì cũng bán được, hay họ bán cái gì rẻ cũng mua. Như vậy tức là chính chúng ta đã làm hại mình.

Hữu Vinh (thực hiện)