05:08 13/05/2017

Tìm thấy cụm từ báo hiệu ‘ngày tàn’ của cựu Giám đốc FBI Comey

Vốn đã sẵn cơn giận vì chính quyền đang bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ”sờ gáy” về mối quan hệ với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không thể chịu nổi khi nghe những lời điều trần mà Giám đốc FBI James Comey nói trước Quốc hội.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội tuần trước, ông Comey, người vừa bị ông Trump sa thải bất ngờ, đã không ngại ngần khi nói ông “hơi buồn nôn” trước suy nghĩ rằng ông đã tác động tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.


Phát biểu này có thể khiến giới chức Dân chủ và FBI vỗ tay hoan hô nhưng việc lựa chọn từ ngữ có thể là giọt nước tràn ly khiến ông bị Tổng thống Trump dồn tới “ngày tận số”.


Một số cộng sự và cố vấn cho biết ông Trump thấy lời điều trần của vị Giám đốc FBI là rất đáng giận và cáu kỉnh về chuyện này ít nhất hai ngày. Một cố vấn diễn giải suy nghĩ của Tổng thống Trump về lời điều trần của ông Comey: “Ông ta về cơ bản là đang bảo vệ bà Hillary Clinton”. Một người khác cho biết ông Trump không hiểu tại sao ông Comey lại nói điều đó.

Giám đốc FBI James Comey trong phiên điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ ở Washington, DC. ngày 3/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ sa thải Giám đốc FBI gây chấn động Washington xảy ra vài ngày sau khi ông Comey đề nghị Quốc hội cấp cho thêm nguồn lực để theo đuổi điều tra cáo buộc đội ngũ của ông Trump dính líu tới Nga.


Tuy nhiên, một số cộng sự và phụ tá cấp cao biết rõ Tổng thống nói rằng quyết định sa thải ông Comey không xuất phát từ một sự kiện cụ thể nào. Quyết định đó là do: Ông Trump ngày càng tức giận về cuộc điều tra liên quan tới Nga, báo chí đưa tin tiêu cực về ông Trump. Ngoài ra, Tổng thống có cảm giác ngày càng không thể kiểm soát ông Comey – người liên tục xuất hiện trên truyền hình gần đây.


Tổng thống Trump cảm thấy khó chịu khi ông Comey lên truyền hình trực tiếp tuyên bố điều tra chiến dịch tranh cử của mình. Ông cũng không thích khi Giám đốc FBI một mực nói việc mình cáo buộc ông Barack Obama nghe lén điện thoại ở Tháp Trump là không căn cứ. Ông không hề hài lòng khi FBI không hứng thú với việc điều tra cáo buộc nghe lén này.


Một quan chức Nhà Trắng nói: “Tổng thống chán ghét ông Comey. Tôi cho rằng đó là lời giải thích sự việc. Tổng thống thực sự chán ghét ông ấy”.


Về mặt công khai trước dư luận, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết ông Trump quyết định sa thải Giám đốc FBI sau khi họp với các quan chức hàng đầu Bộ Tư pháp tại Nhà Trắng ngày 8/5. Tại cuộc họp, ông được trình một thông báo vạch rõ lý do sa thải ông Comey, chủ yếu là do ông đã quá rắn với bà Hillary Clinton.


Giải thích của bà Sanders trái với nhiều tuyên bố của ông Trump về cuộc điều tra vụ bê bối email của bà Clinton. Trước đây, khi là ứng cử viên Tổng thống, ông Trump đã chỉ trích FBI vì tuyên bố bà Clinton không có dấu hiệu phạm tội hình sự khi dùng hộp thư cá nhân xử lý việc công.


Bà Sanders đã giải thích rằng ông Trump đã thay đổi quan điểm về ông Comey khi trở thành tổng thống: “Ông Trump khi đó là ứng cử viên, không phải Tổng thống. Tình huống này chắc chắn thay đổi khi bạn trở thành Tổng thống”.


Ông Trump không chỉ “bực mình” trước yêu cầu của FBI xin thêm kinh phí điều tra mà còn mất niềm tin với ông Comey suốt nhiều tháng qua.


Tuy nhiên, những người biết ông Trump nói rằng động cơ sai thải ông Comey còn phức tạp hơn. Tổng thống Trump đã cáu kỉnh với Giám đốc FBI suốt nhiều ngày liền. Ông Trump lúc đó đang tìm một lý do để sa thải Giám đốc FBI và những gì được viết ra sau cuộc gặp với các quan chức Bộ Tư pháp một phần là để phù hợp với ý định đó.


Ông Reince Priebus, Chánh văn phòng nội các, đã cảnh báo Tổng thống về ý định sa thải ông Comey, nói rằng vụ việc có thể gây rắc rối cho Nhà Trắng.


Sau đó, ông Trump vẫn tuyên bố quyết định chấn động ngày 9/5. Hầu hết cố vấn và phụ tá của ông Trump đều không hay biết về vụ việc và “ngã ngửa” khi biết tin. Một quan chức chính quyền Mỹ ngày 10/5 nói: “Tôi biết thông tin qua TV”.


Theo tạp chí Politico, rõ ràng Nhà Trắng không chuẩn bị cho “cơn bão” kéo theo sau vụ sa thải. Chỉ trong vài giờ, ông Trump đã lệnh cho bà Sanders và cố vấn Kellyanne Conway lên truyền hình để bảo vệ ông.


Ngày 10/5, các quan chức Nhà Trắng đã sắp xếp cho nhiều người đại diện bênh vực ông Trump, kể cả những người không thường hay trả lời phỏng vấn như cố vấn Rudy Giuliani, cựu Thống đốc bang New York,


Sau khi bà Sanders kết thúc cuộc họp báo ngày 10/5, các phụ tá hàng đầu đã tập trung cả trong văn phòng của ông Trump. Sau cuộc họp, một quan chức Nhà Trắng mô tả về 24 giờ kể từ khi ông Trump sa thải ông Comey: “Hoàn toàn hỗn loạn”.


Thùy Dương/Báo Tin Tức