07:09 19/07/2018

Tìm lời giải nâng cao chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm

Đúng như thông báo trước đó về một kỳ tuyển sinh chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường đào tạo giáo viên, điểm sàn của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp có đào tạo ngành này do Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố đều tăng trong năm nay.

Điểm sàn tăng ngay khi phổ điểm chung giảm

Ngày 16/7, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sư phạm.

Đối với hệ đại học (ĐH), điểm tối thiểu thí sinh thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia cần đạt được là 17 của các tổ hợp xét tuyển (3 môn thi). Điểm sàn của hệ cao đẳng (CĐ) là 15 và hệ trung cấp (TC) là 13. Các mức này đều không nhân hệ số.

Điểm sàn tuyển sinh các trường sư phạm đều tăng nhằm nâng cao chất lượng. Ảnh: L.S

Nếu so sánh với điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển của các trường ĐH hàng đầu cả nước như ĐH Ngoại thương là 20,5, ĐH Bách Khoa Hà Nội là từ 18-21,5 có thể thấy điểm sàn các trường sư phạm bậc ĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố chiều 16/7 đang ở mức rất cao.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 được đưa ra ngay khi các kết quả phân tích điểm thi của Kỳ thi THPT quốc gia của Vụ Giáo dục Đại học đã được công bố.

Theo kết quả phân tích điểm thi theo một số khối cơ bản của các thí sinh dự thi với mục đích xét tuyển ĐH, CĐ, ở khối A, toàn quốc có 176.354 thí sinh từ 17 điểm trở lên. Ở khối A1, toàn quốc có 139.641 thí sinh từ 17 điểm trở lên.

Tương tự, ở khối B, số thí sinh đạt 17 điểm trở lên là 147.786. Số thí sinh thi các môn thuộc khối C đạt 17 điểm trở lên là 134.410 thí sinh. Số thí sinh thi các môn thuộc khối D đạt 17 điểm trở lên là 246.807 thí sinh. Số lượng thí sinh đạt điểm cao ở mức này này chỉ chiếm khoảng 40% tổng số thí sinh dự thi.

Năm 2018, Bộ GD-ĐT chính thức bỏ mức điểm sàn xét tuyển vào các trường ĐH nói chung. Tuy nhiên, đối với các trường ĐH, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ quy định mức điểm sàn riêng cho khối trường này. Quy định trên được đưa ra trong bối cảnh những năm gần đây, điểm chuẩn vào các trường sư phạm có xu hướng giảm dần. Đặc biệt là năm 2017, điểm chuẩn của một số trường sư phạm lại rất thấp, thậm chí có trường CĐ sư phạm thông báo tuyển thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn.


Trở lại với mức điểm sàn các trường sư phạm năm 2017 do Bộ GD-ĐT quy định là 15,5 nhưng với phổ điểm cao hơn nhiều so với phổ điểm của năm nay. Cụ thể, ở hầu hết các khối ngành, số lượng thí sinh đạt điểm trên mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT quy định kể trên ở quy mô toàn quốc là khoảng 70%.

Tăng chất lượng hay làm khó các trường trong tuyển sinh?

So với ngưỡng đảm bảo đầu vào năm trước của các đại học trong khối sư phạm năm 2017, điểm sàn năm nay bằng ngưỡng sàn của trường đào tạo giáo viên hàng đầu là ĐH Sư phạm Hà Nội Các trường khác như ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh... đều lấy bằng ngưỡng sàn chung mà Bộ quy định là 15,5; với trường cao đẳng là 13.

Như vậy, trong khi điểm thi giảm thì điểm sàn lại tăng lên, điều này đặt ra câu hỏi liệu các trường ĐH, CĐ, TC sư phạm có gặp khó khăn trong tuyển sinh năm học 2018.

Ngành sư phạm năm nay chỉ tuyển 35.590 thí sinh (giảm 29% so với năm 2017), song có tới 125.260 nguyện vọng đăng ký ở cả ba hệ ĐH, CĐ, TC. Trước đó, trong phương án tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT giảm 38% tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành này so với 2017.

Vấn đề tăng cường chất lượng đầu vào được đặt ra ngay từ đầu với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho ngành đào tạo giáo viên bao gồm nếu xét tuyển bằng học bạ vào đại học, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất các em cần đạt loại khá trở lên. Với trình độ CĐ, TC, yêu cầu học lực lớp 12 của thí sinh ngành đào tạo giáo viên là từ loại khá, trừ 3 ngành đặc thù kể trên và sư phạm Thể dục thể thao (TC) xét tuyển học sinh xếp loại học lực trung bình lớp 12.

Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm năm 2018 dựa vào thống kê nhu cầu nhân lực giáo viên của các địa phương và nghiên cứu về số cử nhân ngành này đang thất nghiệp. Cụ thể, tới năm 2021-2022, các tỉnh thành cả nước cần 59.000 giáo viên. Trong khi đó, khoảng 50% trong số 40.000 sinh viên sư phạm đã ra trường và dự kiến từ nay đến 2021 sẽ tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, muốn được làm đúng ngành đào tạo.

Giải quyết bài toán thừa - thiếu cục bộ bao gồm thừa cử nhân trong khi lại thiếu giáo viên mầm non cho các địa phương, thừa giáo viên ở địa phương này trong khi lại thiếu giáo viên ở địa phương khác, Bộ GD-ĐT giao 6 trường sư phạm lớn được Bộ giao cụ thể chỉ tiêu, với tổng số khoảng 8.000. Số còn lại, các trường sư phạm địa phương tự quyết định để phù hợp với nhu cầu nhân lực giáo viên của địa phương đó.
Khối TC sư phạm năm nay được tuyển mới 5.000 chỉ tiêu trong tổng số 35.000 chỉ tiêu tuyển thêm của năm nay. Con số cụ thể theo Vụ trưởng Giáo dục Đại học là trong 59.000 giáo viên tuyển mới theo nhu cầu của các tỉnh như đã đề cập, 40.000 là của bậc tiểu học, mầm non. Các em học trong các trường TC sẽ có thể đáp ứng nhu cầu lớn và sớm, về giáo viên mầm non cho các địa phương.

Đào tạo giáo viên là một ngành học đặc thù, mỗi một sinh viên khi bước chân vào ngành học này đã mang trọng trách đào tạo con người, nguồn nhân lực cho phát triển. Chính vì vậy, chất lượng ngành sư phạm phải là vấn đề cốt lõi cho mọi kế hoạch đào tạo, tuyển sinh. Nấc thang 17 điểm của hôm nay có thể “khó trèo” nhưng sẽ là “tấm lọc” cần thiết cho những thay đổi lớn trong ngành ở tương lai.

Lê Sơn/Báo Tin tức