08:11 28/08/2020

Tìm lời giải cho bài toán giải ngân vốn đầu tư công

Ninh Thuận là địa phương được tiếp nhận vốn đầu tư công từ Trung ương giao với kinh phí hơn 2.600 tỷ đồng để đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc giải ngân vốn của Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn, là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn nhà nước ở mức khá thấp. Tìm lời giải cho vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận để có giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra tiến độ thi công các dự án thủy lợi được đầu tư bằng vốn ngân sách. 

Thưa ông, xin ông cho biết kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh từ đầu năm đến nay so với kế hoạch năm như thế nào?

Năm 2020, tỉnh được Trung ương giao vốn đầu tư công hơn 2.600 tỷ đồng. Để giải ngân và phát huy hiệu quả nguồn vốn này theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; tổ chức các cuộc giao ban hàng quý và trực tiếp làm việc với các Ban quản lý dự án để nghe, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhờ đó, những tháng gần đây, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đã có chuyển biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, do những khó khăn đặc thù nên kết quả giải ngân của tỉnh còn hạn chế. Dự kiến kết quả giải ngân đến ngày 31/8/2020 là hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 40,1% kế hoạch; trong đó, vốn trong nước 935 tỷ/1.772 tỷ đồng, đạt 52,8%, phấn đấu đến cuối năm giải ngân hết 100% kế hoạch. Riêng vốn nước ngoài, việc giải ngân gặp đang không ít khó khăn, chiếm con số rất nhỏ 110 tỷ/837 tỷ đồng, chỉ đạt 13.3%, phấn đấu dự kiến đến cuối năm giải ngân đạt 60% kế hoạch.     

Thưa ông, ông có thể phân tích, đánh giá nguyên nhân vì sao địa phương lại giải ngân chậm?

Ninh Thuận là tỉnh khô hạn nhất cả nước. Việc đầu tư xây dựng các hồ chứa bằng nguồn vốn trên để tích nước mùa khô, ngăn lũ vào mùa mưa là rất cần thiết và hiệu quả đối với tỉnh. Tuy nhiên, việc xây dựng các hồ chứa đã và đang vướng phải chuyển đổi đất rừng theo quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Chính phủ. Theo đó, một số dự án được giao kế hoạch vốn khá lớn như: Hồ chứa nước Kiền Kiền hơn 72 tỷ đồng; hồ chức nước Sông Than hơn 254 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án trồng rừng bao gồm cả trồng rừng thay thế được ưu tiên bố trí vốn như: dự án phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất, kế hoạch giao gần 23 tỷ đồng; dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ JICA II, kế hoạch giao 22,5 tỷ đồng nhưng do tính chất đặc thù thực hiện theo thời vụ, thường vào quý IV của năm mới triển khai kế hoạch trồng nên đến nay các dự án trên cũng chưa giải ngân được kinh phí.

Đối với vốn nước ngoài, kế hoạch giải ngân của tỉnh trong năm 2020 cũng rất hạn chế. Ngoài các nguyên nhân chậm về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư theo tiêu chí nhà tài trợ thì chủ đầu tư dự án cũng rất chậm thực hiện kế hoạch giải ngân chi tiết để gửi nhà tài trợ và Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt.

Từ đó, dẫn đến chậm giải ngân để thực hiện một số dự án. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hạn hán tác động nên nguồn thu tiền sử dụng đất bố trí cho đầu tư đạt thấp, làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân một số dự án được bố trí từ nguồn vốn này.  

Với thực trạng trên, địa phương đã có giải pháp gì để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thưa ông?

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg và văn bản 622/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ; trong đó xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19.

UBND tỉnh sẽ tăng cường làm việc với các Ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành, các chủ đầu tư được giao vốn lớn để lắng nghe, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn về đền bù, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với kho bạc nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm mới làm thủ tục thanh toán.

Đối với các dự án khởi công mới bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt dự án để đáp ứng điều kiện giao kế hoạch vốn. UBND tỉnh cũng đang rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án, dự kiến đến ngày 30/9 giải ngân dưới 60% kế hoạch để bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu, đủ điều kiện giải ngân theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020.

Trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, địa phương gặp vướng mắc gì về cơ chế, chính sách. Tỉnh có đề xuất gì để tháo gỡ vướng mắc đó thưa ông?

Theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước thì tiền thu từ sử dụng đất và xổ số kiến thiết được hòa vào nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương. Tuy nhiên, tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 Bộ Tài chính quy định các dự án được hạch toán chi ngân sách nhà nước vào các mã nguồn cụ thể; trong đó, có mã nguồn vốn thu sử dụng đất và mã nguồn vốn xổ số kiến thiết.

Do đó, việc giao kế hoạch phải xác định cụ thể danh mục dự án của từng nguồn vốn theo Thông tư trên. Trong những tháng đầu năm, các nguồn thu này còn khó khăn, dự án được bố trí kế hoạch đã có giá trị khối lượng hoàn thành nhưng chưa có nguồn để giải ngân.

Vấn đề này, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài chính quan tâm, xem xét và cần điều chỉnh Thông tư số 77/2017/TT-BTC; trong đó nguồn thu từ tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết được hòa vào nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương để tạo điều kiện cho địa phương chủ động, đẩy nhanh giải ngân vốn cân đối ngân sách địa phương của kế hoạch hằng năm (phần vốn Trung ương cân đối) trong thời gian tỉnh chưa thu được nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết.

Chú thích ảnh
Nhiều dự án năng lượng tái tạo đang được tỉnh Ninh Thuận đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công để góp phần nâng tăng trưởng GRDP của tỉnh. 

Ngoài giải ngân vốn đầu tư công, địa phương có giải pháp gì nhằm thúc đẩy để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm trong bối cảnh tác động mạnh của dịch COVID-19 thưa ông?

Kịch bản tăng trưởng năm 2020 được UBND tỉnh ban hành ngay từ đầu năm, với tốc độ tăng trưởng GRDP từ 11-12%, đúng với tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 16/12/2019 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên sau khi ban hành, tình hình hạn hán và nhất là dịch COVID-19 đã tác động, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng ngành, lĩnh vực. Theo đó, dự báo năm 2020, ngành nông nghiệp, dịch vụ sẽ bị giảm sút, nhiều khả năng không đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra đầu năm.

Để bù đắp sự giảm sút của các ngành nông nghiệp, dịch vụ và đạt mục tiêu tăng trưởng từ 11-12%, UBND tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nhất là dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500 kV và các dự án hạ tầng truyền tải khác.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Qua đó, đảm bảo đến cuối năm 2020 đạt công suất 2.000 MW điện mặt trời và khoảng 200 MW điện gió hòa lưới điện quốc gia và được giải tỏa công suất để tạo ra tăng trưởng cao cho ngành công nghiệp và xây dựng, dự kiến đóng góp mức tăng trưởng chung khoảng 9,8%, tăng thêm trên 4% so với kịch bản đầu năm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Công Thử (Thực hiện)