12:07 19/12/2013

“Tìm lại con đường tơ lụa trên biển Đông”

Nguyễn Huy Minh là một cây bút sắc sảo và cũng đầy cá tính của làng báo. Những bài viết của anh, dù viết ở đề tài, thể loại nào cũng đều được trau chuốt, gọt rũa và dụng công rất nhiều.

Nhà xuất bản Hội nhà văn

 

Nguyễn Huy Minh là một cây bút sắc sảo và cũng đầy cá tính của làng báo. Những bài viết của anh, dù viết ở đề tài, thể loại nào cũng đều được trau chuốt, gọt rũa và dụng công rất nhiều. Chịu đọc, chịu đi, chịu va vấp, cộng với cá tính khiến Nguyễn Huy Minh có văn phong riêng, màu sắc riêng trong các ấn phẩm báo chí.

 


Nguyễn Huy Minh cũng luôn chứng tỏ mình bằng phong cách khó trộn lẫn, làm được điều mình muốn và làm như mình muốn. Cá tính ấy khiến cho những trang phóng sự, ký sự của anh đậm đà và người đọc hiểu anh không chấp nhận sự “nhàn nhạt”, dễ dãi. Thế nên, không ngạc nhiên khi Nguyễn Huy Minh ra mắt cuốn sách thứ hai của mình “Tìm lại con đường tơ lụa trên biển Đông” sau cuốn “Kimono trong rừng thẳm”.


Sự nhạy bén, nhạy cảm của người làm nghề cộng với năng khiếu bẩm sinh đã giúp ích cho anh rất nhiều khi lựa chọn các đề tài, tìm ra cách viết riêng đầy lôi cuốn dù đó là chân dung chính khách, văn nghệ sĩ, hay những bài viết về văn hóa, chính trị, quân sự. “Tìm lại con đường tơ lụa trên biển Đông” vì vậy có sức nặng của nó: Từ “Tự sự của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu”, “Ba anh em họ Mai và một lối ứng xử với quyền lực”, “Thiếu tướng Phạm Đức Chấn: Có những chuyện chỉ người “làm nghề tù” mới hiểu”,… đến “GS Hoàng Tụy-Người khai sinh “trường phái Hà Nội”, “Nhà văn Tô Hoài-Một đời viết không ngừng nghỉ” hay “Trống đồng Ngọc Lũ-một kiệt tác của thời kỳ dựng nước”, “Bí mật 2.000 năm của cây đèn hình người quỳ”, “Thạp đồng Đào Thịnh: Một “siêu phẩm” của thời đại Đông Sơn”,… Những bài viết thể hiện khả năng phân tích, sự tổng hợp các nguồn tư liệu có chọn lọc và đó là những tác phẩm báo chí nghiêm túc, được đầu tư kỹ lưỡng. Vì thế, người đọc nhận ra Nguyễn Huy Minh là cây bút có trách nhiệm và tài năng.

Nhật Hạ