11:14 24/11/2020

Tìm giải pháp huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập

Sáng 24/11, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ và chỉ đạo chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển chủ trì, phối hợp với Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập”.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực gắn nhiệm vụ công tác của Ban Kinh tế Trung ương hướng dẫn, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 120 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đại sứ quán và tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong nước.

Đề dẫn Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI) Đặng Huy Đông cho biết, theo tính toán, 10 năm tới, Việt Nam cần thu hút 150 tỷ USD để đầu tư các dự án phát điện, bằng 1 nửa tổng GDP hiện nay của đất nước. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu nguồn vốn cho phát triển ngành điện lực.

Từ 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Do đó, cửa tiếp cận nguồn vốn ODA được cho là ưu đãi đang khép lại. Nguồn vốn còn lại duy nhất là từ các định chế tài chính quốc tế. Thị trường vốn quốc tế rất lớn, hàng chục ngàn tỷ USD, dư sức thỏa mãn nhu cầu vốn của Việt Nam. Nhưng cũng như các hàng hóa khác, dòng vốn quốc tế có tính cạnh tranh rất cao theo đúng quy luật cung cầu và được vận hành theo những chuẩn mực nhất định, rất chặt chẽ đòi hỏi mọi người tham gia thị trường phải tuân thủ, không có ngoại lệ. Đặc biệt vốn cũng như các hàng hóa khác, được giao dịch theo các mức giá khác nhau. Giá của vốn chủ yếu được xác định bởi mức độ rủi ro của khoản đầu tư, rủi ro cao, chi phí cao và kỳ vọng lợi nhuận cao và ngược lại. “Trước khi đi chợ, hiểu biết cách thức hoạt động của chợ là một đòi hỏi khách quan, để không bị hớ khi mua phải những món hàng đắt đỏ, để lại hệ lụy phải trả gía đắt cho mai sau”, ông Đặng Huy Đông nêu ý kiến.

Theo ông Đặng Huy Đông, Hội thảo lần này có thể xem như một lớp tập huấn, nâng cao hiểu biết về thị trường vốn quốc tế, các điều kiện cứng và các điều kiện có thể thương thảo của các bên cho vay; định vị nền kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài; nhận diện những cơ hội để cải thiện vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường thế giới… từ đó rút ra những hàm ý để xây dựng khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế để tiếp sức cho nền kinh tế, nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thập niên tới.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề thu hút vốn, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Đồng thời, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá điện bán cao khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối như vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, rủi ro tỷ giá…

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA với những điều kiện vay thuận lợi ngày càng hạn hẹp, cùng với đó là một số hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn và phát hành chứng khoán trong nước đối với các dự án năng lượng, việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn từ những định chế tài chính, tín dụng quốc tế để đầu tư vào các dự án nguồn phát điện, nhất là các dự án nguồn phát điện độc lập là yêu cầu hết sức cần thiết.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Đồng thời, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn nhưng sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: Có quy mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; rủi ro thấp. 

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý của Nhà nước, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, đánh giá thêm về hướng tiếp cận và một số phương thức, điều kiện phù hợp để huy động các nguồn vốn quốc tế cho phát triển năng lượng nói chung và cho các dự án nguồn điện độc lập nói riêng. Các đại biểu cũng làm rõ thêm vai trò quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gắn với những cơ chế, chính sách về quản lý ngoại hối, cũng như sự tham gia của các ngân hàng thương mại cổ phần vào các dự án huy động vốn quốc tế và một số nội dung liên quan khác nhằm thúc đẩy phát triển các dự án nguồn điện độc lập, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thu Phương (TTXVN)