03:17 23/03/2017

Tìm giải pháp để xuất khẩu tôm đạt mục tiêu 10 tỷ USD

Ngày 23/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Hậu Giang. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, hội nghị nhằm tìm ra giải pháp, kế hoạch phát triển ngành tôm để cụ thể hóa kết luận của Thủ tướng Chính phủ đặt ra đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.

Muốn phát triển bền vững phải đồng bộ các yếu tố như sản suất sạch, chế biến sạch, chống nạn bơm chích tạp chất vào tôm, không sử dụng hóa chất - kháng sinh trong nuôi tôm...

Sản xuất tôm năm 2017 thuận lợi hơn năm 2016 vì không bị ảnh hưởng của hạn mặn, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, nhất là về biến đổi khí hậu khó lường – Thứ trưởng phân tích.

Do đó, ngành chức năng, nhà quản lý, các địa phương vùng trọng điểm nuôi tôm cần phải bám sát diễn biến thời tiết, dịch bệnh, có biện pháp thích ứng. Trong điều kiện kinh phí ngân sách có hạn thì phải làm sao để tăng sản lượng mà không phải tăng diện tích - Thứ trưởng nhấn mạnh. Đây cũng chính là bài toán đặt ra cho các địa phương nuôi tôm trong năm nay và những năm tiếp theo.

Các địa phương nên đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt là phải kiểm soát tốt về giống. Bên cạnh đó, với thời tiết mưa trái mùa, người nuôi nên chọn giải pháp thả thăm dò; tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhân rộng mô hình, kinh nghiệm hay để phổ biến đến với bà con – Thứ trưởng Vũ Văn Tám gợi ý.

Cùng với việc yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, xử lý việc bơm chích tạp chất vào tôm, dư lượng hóa chất, kháng sinh, Thứ trưởng nêu rõ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cần sớm chấm dứt tình trạng này. Có như vậy phát triển sản xuất mới đáp ứng yêu cầu và mở rộng được thị trường tiêu thụ, tăng giá trị con tôm và sản phẩm tôm Việt Nam .

Theo kế hoạch, năm 2017, cả nước phấn đấu thả nuôi 700.000 ha và cần khoảng 130 tỷ con tôm giống với sản lượng dự kiến đạt 660.000 tấn. Để đạt mục tiêu này, Tổng cục Thủy sản đề ra 4 giải pháp cụ thể.

Theo đó, một số khâu cần quan tâm đặc biệt như: quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh, ứng phó với hạn, mặn; sản xuất giống, chất lượng con giống; quản lý nguồn thức ăn, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường phục vụ nuôi tôm; thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi.

Tổng cục Thủy sản cũng đã ban hành khung lịch thời vụ tùy theo vùng miền, địa bàn để thả nuôi, trong đó, lưu ý vào thời điểm các tháng 2,3,4/2017 là cao điểm nắng nóng, xâm nhập mặn. Các vùng, địa bàn nuôi tôm không chủ động được nguồn nước, cơ sở hạ tầng không đảm bảo cho thả nuôi.

Tổng cục Thủy sản nhận định, từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy không ảnh hưởng của hạn mặn như cùng kỳ năm 2016 nhưng lại xuất hiện các cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả nuôi tôm.

Báo cáo của các địa phương nuôi tôm trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu long cho thấy, hiện diện tích thả giống mới đạt trên 536.440 ha, chủ yếu là tôm sú (trên 521.000 ha), còn lại gần 15.000 ha là tôm thẻ chân trắng. Sản lượng thu hoạch ước đạt gần 40.000 tấn, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù sản lượng có tăng nhưng so với khung mùa vụ, điều kiện thời tiết thì diện tích xuống giống hiện vẫn còn rất chậm so với kế hoạch dự kiến.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề cập đến vấn đề thanh kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; bơm chích tạp chất vào tôm; cần thiết phải liên kết giữa các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người nuôi để gia tăng giá trị; quản lý đầu vào và tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, nuôi tôm theo mô hình thâm canh công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Phú, Trường Đại học Cần Thơ, người nuôi tôm sợ nhất là dịch bệnh, mà yếu tố này do môi trường nước không được quản lý tốt. Bởi vậy, quan trắc cảnh báo rất quan trọng.

Muốn nuôi tôm bền vững phải theo mô hình hữu cơ sinh thái, tuần hoàn khép kín, không xả thải để tránh dịch bệnh lây lan và ô nhiễm nguồn nước. Nên chăng cần phải có những trung tâm, công trình nghiên cứu về giống tôm để không phụ thuộc vào nguồn tôm bố, mẹ nhập từ nước ngoài… để phát triển mạnh và hiệu quả - ông Phú đặt vấn đề.

Có như vậy mới giải quyết vấn đề nhỏ lẻ, nuôi manh mún để hình thành chuỗi liên kết giá trị, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao; thu hút sự đầu tư và sự quan tâm của các nhà quản lý vĩ mô để người nuôi tôm, nhà chế biến, doanh nghiệp có lợi nhuận, yên tâm phát triển sản xuất nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu…

Ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho rằng, không nuôi con gì lợi nhuận cao, thu tiền nhiều như tôm nhưng rủi ro cũng là đứng đầu bảng. Nhiều người giàu lên rất nhanh từ tôm và nghèo đi rất nhanh cũng do tôm.

Do đó, để thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng Nghị định quản lý về chế biến xuất khẩu và phát triển nuôi tôm nước lợ.

Bên cạnh đó, để giúp người dân tránh rủi ro, chính sách bảo hiểm nông nghiệp về tôm cần được quan tâm và phù hợp với thực tiễn sản xuất; đồng thời, cho người nuôi tôm vay vốn sản xuất…

Trung Hiếu/TTXVN