11:08 03/11/2011

Tìm giải pháp để giảm tỷ lệ trẻ tử vong

“Nếu Việt Nam không giảm được số trẻ tử vong do tai nạn thương tích thì chúng ta có khả năng không đạt mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ trẻ em tử vong năm 2015”- ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, khi trả lời PV báo Tin Tức.

“Nếu Việt Nam không giảm được số trẻ tử vong do tai nạn thương tích thì chúng ta có khả năng không đạt mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ trẻ em tử vong năm 2015”- ông Nguyễn Trọng An (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết, khi trả lời PV báo Tin Tức.

Việc phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

- 10 năm qua, tỷ lệ trẻ em bị TNTT có xu hướng giảm. Nhưng 5 năm gần đây, số lượng và tỷ suất trẻ em bị TNTT từng năm vẫn ở mức rất cao so với TNTT nói chung. Năm 2010, có 434.898 em. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.191 em bị TNTT. Đuối nước, tai nạn giao thông và tự tử là 3 nguyên nhân hàng đầu gây nên TNTT ở trẻ. Tỷ suất tử vong trẻ em do TNTT cao rơi vào những tỉnh nghèo như: Đắk Nông, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Giang…

Theo mục tiêu Chương trình phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011- 2015 sẽ trình Chính phủ trong tháng 11/2011, năm 2015 giảm 1/3 số trẻ bị tử vong do TNTT so với hiện nay. Hiện có khoảng 7.000 trẻ tử vong do TNTT. Như vậy, theo mục tiêu là đến 2015 giảm còn 4.500 – 5.000.

Các mục tiêu về giảm tỷ lệ tử vong trẻ em vào năm 2015 sẽ không đạt được nếu không giảm được số trẻ tử vong do TNTT. Ngay từ bây giờ phải có các hành động quyết liệt, đồng bộ và phối hợp liên ngành chặt chẽ thì mới có thể đạt được mục tiêu này.

Ông có thể giải thích rõ hơn?

- Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều can thiệp phòng chống TNTT ở trẻ em, trong đó can thiệp về truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi, nay đã “ngấm”. Nhiều địa phương đã dành ngân sách ưu tiên cho việc này, như Đà Nẵng, Quảng Ninh, An Giang, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu, hàng năm đã dành 1% tổng chi ngân sách của tỉnh (khoảng 10 tỷ đồng) cho vấn đề bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong đó có công tác phòng chống TNTT. Nhưng nhiều tỉnh hiện nay chi rất thấp, chỉ vài trăm triệu đồng.

Cán bộ y tế Viện Bỏng quốc gia chăm sóc, điều trị cho trẻ em bị bỏng. Ảnh: Hữu Oai-TTXVN


Năm 2008, ngân sách nhà nước dành cho các hoạt động sự nghiệp bảo vệ trẻ em chỉ đạt mức bình quân là 3.700 đồng/em/năm; năm 2009 tăng lên được 4.700 đồng/em, nếu tính cả huy động từ cộng đồng và các tổ chức quốc tế thì đạt mức 8.300 đồng. Trong khi đó, có rất nhiều vấn đề về trẻ em cần được bảo vệ như xâm hại, lạm dụng, bạo lực, buôn bán, TNTT, HIV/AIDS... Với nguồn ngân sách như thế làm sao triển khai có hiệu quả các hoạt động được.

Cần có chính sách đầu tư đúng, kinh phí và nguồn nhân lực phù hợp cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Mọi người đều có hành động tích cực thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu thiên niên kỷ đã cam kết vào 2015.

Trẻ em là tương lai đất nước. Tương lai của trẻ em lại nằm trong tay người lớn chúng ta.

Để đạt mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ trẻ tử vong vào năm 2015, theo ông cần có những giải pháp gì?

- Đầu tiên, vẫn phải đẩy mạnh truyền thông phòng chống TNTT ở trẻ em. Không chỉ truyền thông cho các bậc cha mẹ, mà cần chuyển tải thông điệp và cung cấp thông tin đến các lãnh đạo địa phương. Tiếp đó, phải có các hoạt động can thiệp để xây dựng và cải thiện môi trường an toàn hơn, giảm thiểu các đe dọa, nguy cơ rình rập gây TNTT cho trẻ.

Đồng thời, phải rà soát lại hệ thống văn bản chính sách và bổ sung cho phù hợp. Ví dụ, hiện nay, rất nhiều trẻ chết đuối do rơi vào các hố công trình ở Hà Nội và nhiều nơi khác mà không có chế tài xử phạt những người chủ khu vực có công trình đó. Phải có văn bản đàng hoàng được quy định theo Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan. Do vậy, cần phải sửa Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó quy định rất cụ thể cho các vấn đề về trẻ em.

Cũng cần thiết phải kiện toàn mạng lưới, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác trẻ em. Đồng thời, hỗ trợ các kỹ năng cho chính trẻ em về phòng chống TNTT như: Đưa việc dạy bơi cho trẻ vào chương trình trường học, dạy bơi cho trẻ ở cộng đồng, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ biết cách lường trước nguy hiểm và có kỹ năng tự tồn tại khi rơi vào các tình huống nguy hiểm...

Bộ LĐ,TB&XH đang phối hợp với Bộ Y tế thiết lập mạng lưới thu thập thông tin ở địa phương về TNTT trẻ em ở các địa phương. Có thông tin, số liệu đúng, mới có kế hoạch và chương trình can thiệp đúng được, con em chúng ta mới không bị chết và tàn tật do TNTT gây ra.

Xin cảm ơn ông !

Mạnh Minh (thực hiện)