06:21 30/06/2020

Tìm giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô

Ngày 30/6, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng và các giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô khu vực giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk”.

Chú thích ảnh
Nhà khoa học thuộc Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh trình bày các phương pháp chống sạt lở.

Tham dự Hội thảo có nhiều nhà khoa học thuộc các trường đại học trong cả nước, các nhà quản lý, chuyên gia ngành Tài nguyên và Môi trường của hai tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá về thực trạng sạt lở hai bờ sông Krông Nô trong những năm qua và đưa ra các giải pháp khoa học nhằm hạn chế sạt lở.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, tình trạng sạt lở đất bờ sông Krông Nô diễn ra nghiêm trọng, nhất là tại các xã Đức Xuyên, Nâm N’đir, Buôn Choáh (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

Trên bờ sông Krông Nô đã ghi nhận 17 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 10 km. Các điểm sạt lở thường có bề rộng từ 5 - 30 m, chiều sâu khoảng 5 - 10 m. Đến nay, trên bờ sông này đã có hơn 1 triệu m2 đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, gây thiệt hại lớn đến sản xuất của người dân.

Theo các nhà khoa học, tình trạng sạt lở đất là do hoạt động xả nước của Thủy điện Buôn Tua Srah (được xây dựng trên dòng sông Krông Nô, thuộc xã Nam Ka huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), tác động của hoạt động khai thác cát, quy luật dòng chảy tự nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu…

Sạt lở hai bờ sông đã làm mất đất sản xuất của người dân, khiến nhiều trường hợp người dân có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có đất. Tình trạng này đã và đang khiến cho đất sản xuất nông nghiệp của người dân dọc sông Krông Nô ngày càng bị thu hẹp.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra một số kịch bản mô tả hiện tượng sạt lở để đề xuất về chủ trương khắc phục. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tá Long (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cần tìm nguồn nguyên liệu thay thế cát xây dựng; khi cấp phép khai thác cho các mỏ cát, cơ quan quản lý tài nguyên cần tránh những vị trí nhạy cảm, dễ gây sạt lở…

Tiến sĩ Ngô Thị Bích Đào (Công ty Tư vấn LAPAT Quốc tế) đề xuất phương án sử dụng các vật liệu làm kè mềm sinh thái để chống sạt lở bờ sông. Đây là một phương án chủ động chống sạt lở với kinh phí thấp và đã được triển khai thành công tại tỉnh Quảng Nam.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, bên cạnh các quy định của Chính phủ và các bộ, ngành, hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cần rà soát lại quy chế phối hợp, thống nhất đưa ra các quy định chung để bảo vệ bờ sông và khoáng sản ở sông Krông Nô tốt hơn.

Theo ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ngành Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh cùng cả hệ thống chính trị cần vào cuộc và thực hiện quyết liệt Nghị định 23/2020/NĐ - CP ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô.

Sông Krông Nô là dòng sông ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Nông - Đắk Lắk. Trên dòng sông này có một công trình thủy điện và nhiều mỏ cát đã được hai địa phương này cấp phép. Thời gian qua, hoạt động khai thác cát cũng như việc chặn dòng của thủy điện đã làm cho nhiều vị trí hai bên bờ sông Krông Nô sạt lở nghiêm trọng.

Tin, ảnh: Ngọc Minh (TTXVN)