04:15 28/04/2018

Tìm đúng đường sau cánh cửa mở

Một “trang sử mới” đã thực sự bắt đầu trên bán đảo Triều Tiên khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký bản Tuyên bố chung Panmunjom ngày 27/4, đặt những viên gạch nền tảng cho tương lai hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Bằng sự chân thành và thiện chí, hai miền Triều Tiên đã vượt qua bất đồng và thù địch để hướng tới một mục tiêu chung.

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên cam kết ngừng mọi hành động thù địch chống phá lẫn nhau, nhất trí thành lập văn phòng liên lạc vĩnh viễn chung tại thành phố biên giới Kaeong, miền bắc Triều Tiên nhằm tạo thuận lợi cho liên lạc chặt chẽ giữa hai bên. Ảnh: TTXVN

Tuyên bố chung cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba là kết quả hợp logic của xu hướng hòa giải đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Nội dung bản tuyên bố chung 13 điểm thể hiện sự tin cậy và tinh thần đối thoại xây dựng, trong đó hai bên nhất trí ngừng tất cả các hành động thù địch và tiến tới ký Hiệp ước hòa bình, kết thúc chiến tranh trong năm nay; khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; tiến hành thường xuyên các cuộc đàm phán, tổ chức đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, thực hiện một loạt dự án hợp tác kinh tế và giao lưu xã hội…

Tuyên bố chung Panmunjom đã đề cập cả 3 nội dung chính được lãnh đạo hai miền thảo luận gồm phi hạt nhân hóa, thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều. Nhìn lại lịch sử 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều trước đây, có thể thấy đây cũng là những mục tiêu chính luôn được đặt ra trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, phi hạt nhân hóa hoàn toàn để tiến tới hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên cũng là “đích đến” của cuộc đàm phán 6 bên với sự tham gia của hai miền Triều Tiên cùng Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, song bị đổ vỡ từ cuối năm 2008.

Xu thế hòa giải và những gì đang diễn ra giữa hai miền Triều Tiên hiện nay khiến những cam kết về cải thiện quan hệ liên Triều có cơ hội cao được thực hiện. Để tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4, trên thực tế hai miền Triều Tiên đã chấm dứt các hành động thù địch, ngừng tuyên truyền chống phá lẫn nhau tại khu vực biên giới, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể thao văn nghệ… Hoạt động đoàn tụ gia đình ly tán đã được hai bên triển khai từ sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên năm 2000 với 21 đợt đoàn tụ trực tiếp và 7 đợt qua video tính đến thời điểm hoạt động này bị gián đoạn hồi tháng 10/2015. Hợp tác kinh tế cũng đã được xúc tiến từ lâu mà biểu tượng là khu công nghiệp chung Kaesong được thành lập từ năm 2004 và bị đóng cửa đầu năm 2016 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư. Đây sẽ là những “bàn đạp” để hai miền Triều Tiên nối lại và tăng cường những hoạt động hợp tác và giao lưu nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều.

Tuy nhiên, những cam kết để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được đánh giá khó thực hiện, thậm chí thực sự là tiến trình gian nan. Trong khi đó, mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên lại gắn liền, thậm chí quyết định mục tiêu thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu không có quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, việc thảo luận phương án thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được coi là phi thực tế.

Một trong những lý do khiến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên đặc biệt phức tạp là do vấn đề này không chỉ liên quan tới hai miền Triều Tiên mà còn dính líu tới rất nhiều bên, trong đó có Mỹ. Bản thân Hiệp định đình chiến năm 1953, kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng được nhiều bên ký kết, bao gồm cả đại diện Mỹ và Trung Quốc. Mấu chốt của vấn đề hiện được cho là nằm ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Lâu nay, Mỹ vẫn tuyên bố theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo các phương thức khác nhau và không phải bây giờ Mỹ và Triều Tiên mới thương thảo về vấn đề này. Có thể coi vấn đề vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh mà khởi nguồn của nó là từ những năm 1950 của thế kỷ trước, sau khi Mỹ triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Hàn Quốc. Vũ khí hạt nhân lần đầu tiên xuất hiện ở bán đảo Triều Tiên năm 1958 là các loại đạn pháo M442 của Mỹ chứa đầu đạn hạt nhân W33 với sức công phá 12 kiloton, tương đương 12.000 tấn thuốc nổ TNT. Dưới thời Chiến tranh Lạnh, từ năm 1958 đến năm 1991, Mỹ đã triển khai tới 950 vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, bao gồm các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật lẫn chiến lược, từ đạn pháo hạt nhân cho đến tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân. Lo sợ Hiệp định đình chiến có thể bị vi phạm bất kỳ lúc nào, Triều Tiên ngay lập tức có biện pháp phòng bị mà kết quả là Trung tâm hạt nhân Yongbyon được xây dựng với sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên lần thứ nhất bùng nổ năm 1993 sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đề xuất thanh sát đặc biệt các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, động thái mà Bình Nhưỡng cho là “thù địch với chủ quyền quốc gia”. Khi đó, “ngòi nổ” chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã được tháo nhờ chính sách hòa giải và thương lượng được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (Bin Clin-tơn) áp dụng, với việc Washington và Bình Nhưỡng ký Thỏa thuận khung (KEDO) tháng 10/1994, theo đó Triều Tiên sẽ ngừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân, đổi lại Mỹ cam kết xây dựng cho Triều Tiên 2 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ và cung cấp 500.000 tấn dầu nặng để chế tạo năng lượng hạt nhân dùng cho mục đích dân sự.

Mâu thuẫn sau vụ Mỹ liệt Triều Tiên vào cái gọi là “trục ma quỷ” và ngừng thực hiện Thỏa thuận khung đã “kích hoạt” cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ 2, mà đỉnh điểm là Bình Nhưỡng năm 2003 tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với lý do “tình thế nghiêm trọng mà chủ quyền của dân tộc và an ninh của Triều Tiên bị đe dọa do chính sách thù địch của Mỹ”. Ở một khía cạnh nào đó, tính thiếu nhất quán chính sách của Mỹ trong vấn đề này đã khiến khả năng kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên bị cản trở.

Kể từ đó, nhiều nỗ lực hòa giải đã được xúc tiến, bao gồm cả cơ chế đàm phán 6 bên bao với sự tham gia của Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga được triển khai từ tháng 8/2003. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn thiếu lòng tin chiến lược, Washington duy trì chính sách gây sức ép nặng nề đối với Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt, còn Bình Nhưỡng phản ứng cứng rắn bằng các vụ thử tên lửa và hạt nhân khiến vòng xoáy đối đầu và thù địch giữa hai bên không có điểm dừng. Tính đến nay, Mỹ đã áp đặt hơn 450 biện pháp trừng phạt Triều Tiên, với khoảng một nửa trong số đó được áp dụng trong năm 2017, còn Bình Nhưỡng đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, chưa kể các vụ phóng tên lửa. Từ thời điểm vòng đàm phán 6 bên đổ vỡ cuối năm 2008, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc.

Triển vọng để giải quyết “hồ sơ hạt nhân Triều Tiên” giờ đây rõ ràng phụ thuộc phần lớn vào việc liệu Mỹ và Triều Tiên có xây dựng được lòng tin và điều phối được mâu thuẫn lợi ích hay không. Giới quan sát nhận định lâu nay bất đồng hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên thường diễn ra theo xu hướng “cam kết đổi lấy cam kết, hành động đổi lấy hành động”. Tháng 9/2005, trên bàn đàm phán 6 bên, Triều Tiên từng chấp nhận một thỏa thuận chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ. Tuy nhiên, thỏa thuận này bị phá vỡ khi Mỹ áp đặt trừng phạt Bình Nhưỡng liên quan cáo buộc rửa tiền. Cũng ngay sau đó, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Hay như thỏa thuận tháng 2/2012, Triều Tiên chấp nhận ngừng sản xuất vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa để đổi lấy viện trợ lương thực. Hai tháng sau, Mỹ đã hủy bỏ thỏa thuận này do Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mà nước này tuyên bố chế tạo để phóng vệ tinh.

Kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, vừa qua xuất phát từ chính sách mềm dẻo và kiên nhẫn của Tổng thống Hàn Quốc, đang tạo “cơ hội lịch sử” không thể thuận lợi hơn cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Bản Tuyên bố Panmunjom dù không nêu rõ kế hoạch hay cách thức cụ thể cho tiến trình phi hạt nhân hóa, song điểm tích cực là cả hai đã cam kết tìm kiếm sự hợp tác quốc tế cho vấn đề này. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, cả Mỹ và Triều Tiên cần phải xác định mỗi bên sẽ nhượng bộ đến đâu.

Cánh cửa hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã được mở bằng “chìa khóa” của đối thoại chân thành và thẳng thắn. Song, khi đã bước qua ngưỡng cửa đó, để tiếp tục đi đúng lộ trình và đến được đúng đích cần đến, có lẽ, các bên cũng cần để "ngọn đèn" chân thành và thiện chí chỉ đường dẫn lối.

Thanh Mai/TTXVN