10:15 10/10/2017

Tìm cơ hội với 'du lịch thông minh'

Cuộc hội thảo “Du lịch thông minh – Cơ hội và thách thức với du lịch Việt Nam”, do Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam… phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Khoảng 200 đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch và công nghệ thông tin trên cả nước... đã tham dự hội thảo.


Hội thảo là cơ hội để các tổ chức và doanh nghiệp trao đổi các xu hướng công nghệ và giải pháp nhằm mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến. Đồng thời, giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của du lịch trực tuyến, tạo cơ hội hợp tác, liên kết giữa các nhà cung cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch điều chỉnh chiến lược kinh doanh và ứng dụng công nghệ tiên tiến.


Ngành “công nghiệp không khói” mang về một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Cùng với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch sẽ cần phải ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh. Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, từ đó tạo ra những bước phát triển đột phá cho du lịch Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.

Xếp hạng 17 trong những quốc gia có mức độ phổ cập Internet hàng đầu thế giới, Việt Nam hiện có hơn 53% dân số sử dụng Internet hàng ngày. Trong đó, gần một nửa người dùng Internet có đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay, tour du lịch... theo hình thức trực tuyến do người dùng có thói quen tìm kiến các thông tin trên mạng trước khi quyết định đi du lịch ở đâu, sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào. Do đó, xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến là việc thiết yếu đối với tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch. Nhận diện thương hiệu trực tuyến cho phép các đơn vị này tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh với các đối thủ, tiếp cận khách hàng tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới mọi lúc mọi nơi.


Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch việt Nam, để bắt kịp xu thế, doanh nghiệp cần dành ưu tiên đầu tư cho CNTT, bao gồm cả phần cứng và phần mềm, tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả mạng xã hội. Đầu tư xây dựng website thân thiện với điện thoại thông minh, tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh bán lẻ trên nền tảng di động và số hóa dữ liệu, tăng cường khai thác kho dữ liệu lớn.


Với cơ quan quản lý nhà nước, cần thiết lập hành lang kỹ thuật hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhằm tạo sức cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài; Có chính sách hỗ trợ về thuế đối với các doanh thu từ hoạt động du lịch trực tuyến của danh nghiệp trong nước; Tăng cường hoạt động quảng bá tích hợp toàn ngành, đẩy mạnh Marketing Online...


Còn theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam: “Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch cần theo sát những xu hướng công nghệ và thương mại điện tử mới nhất để tiếp cận nhiều khách hàng hơn và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Trong đó, việc xây dựng danh tiếng và sự tín nhiệm cho thương hiệu là điều tiên quyết. Khi chính thức có hiện diện trực tuyến thông qua việc sở hữu một tên miền của riêng mình, doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn nhiều, vượt ra ngoài phạm vi quốc gia của doanh nghiệp đó để tiến tới mục tiêu phát triển cao hơn và gia tăng lợi nhuận”.


Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ xu hướng và kinh nghiệm của họ trong việc khởi tạo nhận diện thương hiệu trực tuyến đồng thời nhấn mạnh vào lợi ích của việc sở hữu một tên miền phù hợp với nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Hiện có rất nhiều sự lựa chọn về tên miền, nhưng .com vẫn là một trong những tên miền tiêu chuẩn nhất được công nhận trong nhận diện thương hiệu trực tuyến của các doanh nghiệp, với 129,2 triệu tên miền đã được đăng ký trên toàn thế giới tính đến hết quý II/2017.


Dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, trong 2 năm tới, thị phần đặt dịch vụ trực tuyến sẽ bùng nổ, từ 9% lên đến 33%. Còn du lịch thông minh là nền tảng dữ liệu trực tuyến, kết nối các giải pháp, các tổ chức, các phương thức để có hình thức du lịch ngày một hấp dẫn và tiện lợi hơn cho du khách. Và để đáp ứng nhu cầu du lịch thông minh, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch, đều cần chuyển đổi.

Tới nay đã có gần 90% khách du lịch Việt tra cứu thông tin du lịch qua internet, đòi hỏi ngành du lịch phải chuyển đổi số càng sớm càng tốt.


Kiều Hà/ Báo Tin Tức