09:11 16/09/2011

Tìm cách phát triển bền vững giao thông nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc

Hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay do thiếu chính sách phát triển đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức, nên thường xuống cấp nhanh chóng và khó hoàn thiện.

Hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay do thiếu chính sách phát triển đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức, nên thường xuống cấp nhanh chóng và khó hoàn thiện. Để phát triển bền vững, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, GTNT khu vực này đang cần được quan tâm đặc biệt về vốn đầu tư, công nghệ xây dựng, chính sách, nhân lực cho quản lý, bảo trì... Vì chỉ có giao thông thuận lợi, mới có thể giúp các địa phương miền núi khơi mở các tiềm năng.

Bất cập, tồn tại

Theo Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, hệ thống đường bộ khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc hiện có tổng chiều dài trên 59.400 km, trong đó có gần 49.200 km là đường GTNT. Nhiều năm qua, mặc dù hạ tầng GTNT khu vực này đã được cải thiện rõ rệt, với gần 3.700/4.300 km đường quốc lộ đã được nâng cấp, cải tạo; các tuyến đường tỉnh, huyện được đầu tư nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn; hàng trăm xã đã thiết lập được tuyến đường đến trung tâm xã... Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá nhỏ bé so với tổng chiều dài hệ thống đường bộ của khu vực và vẫn quá ít con đường được bê tông hóa hoặc thảm nhựa cơ bản.

Đường giao thông nội đồng đã được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Tân Thịnh, Lạng Giang, Bắc Giang. Ảnh : Đình Huệ - TTXVN


Thực tế, mạng lưới GTNT các tỉnh miền núi phía Bắc đến nay vẫn trong tình trạng yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng, nhất là đối với các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới. Tỷ lệ mặt đường bê tông, thảm nhựa còn thấp, chủ yếu mặt đường vẫn là cấp phối và đường đất. Thêm vào đó, do nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạn chế, vừa yếu vừa thiếu hoặc không có, dẫn đến tình trạng đường xuống cấp ngày càng nghiêm trọng; nhiều tuyến tải trọng bị hạn chế do cầu yếu hoặc thiếu các công trình thoát nước, nhiều xã đã có đường đến trung tâm, nhưng không đảm bảo đi lại thông suốt và an toàn quanh năm.

Bên cạnh đó, mặc dù các địa phương đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư mỗi năm từ nhiều nguồn cho phát triển mạng lưới GTNT miền núi, song trong quá trình thực hiện các dự án còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Nhiều địa phương do địa hình phức tạp vẫn chưa có quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới GTNT trong tương lai; đầu tư xây dựng, phát triển GTNT thiếu tính kế hoạch, dàn trải, nên kéo dài thời gian thi công và gây nợ đọng; có địa phương do chạy theo thành tích nên coi nhẹ quản lý kỹ thuật, dẫn tới một số công trình do dân tự làm không đảm bảo kỹ thuật; công tác quản lí, khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình sau khi xây dựng đưa vào khai thác chưa được chú trọng, nên chất lượng công trình nhanh xuống cấp, hiệu quả thấp; cán bộ phụ trách mảng GTNT ở các địa phương (đặc biệt cấp xã) yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý mạng lưới GTNT miền núi; hệ thống quản lý cấp huyện của nhiều tỉnh hiện chưa có phòng quản lý giao thông riêng, nên chưa đủ lực để tập trung xây dựng, phát triển hệ thống GTNT...

Bất cập nữa là chính sách đầu tư, phân bổ vốn và bố trí nhân lực quản lý, bảo trì đường tại địa phương hiện nay quá thấp, góp phần làm hạn chế sự phát triển hệ thống GTNT miền núi. Nguồn vốn cho bảo trì, bảo dưỡng đường quốc lộ hiện mới chỉ đáp ứng được chưa tới 50% nhu cầu, tiếp đến là nguồn vốn cho bảo trì đường tỉnh lộ còn thấp hơn nhiều, còn nguồn vốn cho bảo trì đường huyện, xã gần như hoàn toàn bỏ trống. Điều này khiến nhiều địa phương thời gian qua nỗ lực huy động sức người, sức của cho đường sá, hết sức quan ngại về vấn đề hậu đầu tư, hiệu quả đầu tư.

Cần thêm chính sách để phát triển bền vững

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đều đã có chính sách và tập trung nguồn lực cho phát triển hệ thống GTNT. Đến hết năm 2010, tỉnh Yên Bái đã đầu tư tới 2.820 tỉ đồng cho GTNT, trong đó đã cải tạo được 143 km quốc lộ, mở mới và nâng cấp 148 km tỉnh lộ, trên 1.500 km đường tới các xã, thôn, bản và gần 100 cầu, cống, ngầm, tràn vượt suối; tỉnh Lào Cai đã đầu tư trên 3.300 tỉ đồng, trong đó đầu tư 1.400 tỉ đồng nâng cấp 153 km quốc lộ, 834 tỉ đồng nâng cấp trên 150 km đường tỉnh lộ, 101/164 xã có đường đến trung tâm xã được trải nhựa, mở mới gần 360 km và nâng cấp 1.254 km đường giao thông liên thôn, gần 330 tỉ cho 21 tuyến đường biên giới...

Cơ sở hạ tầng, sản xuất nông lâm nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay đã “thay da đổi thịt”, nhưng so với mặt bằng chung vẫn là vùng kinh tế chậm phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật còn lạc hậu, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Và "nút thắt" cơ bản vẫn là hệ thống giao thông. Để "tháo gỡ" dần “nút thắt” này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục dự án xây dựng đường giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, vay vốn ADB, với 6 tỉnh tham gia dự án gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Giai đoạn I của dự án trị giá 109,6 triệu USD, trong đó vay vốn ADB là 80 triệu USD, dự kiến sẽ đầu tư nâng cấp một số tuyến đường với tổng chiều dài hơn 300 km đạt tiêu chuẩn đường cấp 4, cấp 5 và cấp 6 miền núi, thực hiện từ năm 2012-2017.

Nâng cấp đường giao thông ở xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ảnh : Đình Huệ - TTXVN


Bộ GTVT cũng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, tổ chức dịch vụ vận tải hành khách công cộng tại các địa phương thuận lợi từ trung tâm huyện về trung tâm các xã. Đến năm 2015, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% đường huyện, đường xã đi lại quanh năm; nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% đường huyện, tối thiểu 70% đường xã; đưa dần hệ thống đường GTNT vào cấp kỹ thuật, đường huyện đạt tối thiểu cấp 5, đường xã tối thiểu cấp 6; từng bước kiên cố hóa cầu, cống trên đường GTNT, xóa bỏ hết cầu khỉ; bố trí vốn bảo trì cho 100% đường huyện, tối thiểu 50% đường xã; kết hợp với hệ thống thủy lợi để cải tạo các tuyến vận tải thủy nội địa. Nguồn vốn phát triển hệ thống GTNT được huy động từ mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước, vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, đóng góp của nhân dân, cộng đồng, bằng tiền, vật tư, lao động...

Không thể có một công thức chung cho các địa phương miền núi. Nhưng có một điều, người dân miền núi nào cũng hiểu và ngày đêm mong mỏi, đó là đường đi đến đâu thì ở đó có điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhận thức rõ điều đó, vai trò chủ động sáng tạo của chính quyền các địa phương được hết sức coi trọng. Và một khi sức mạnh tổng lực được phát huy, những con đường mới sẽ mở ra mang đến cơ hội phát triển cùng lợi ích to lớn cho địa phương và đồng bào các dân tộc.


Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam Lê Ngọc Hoàn: Kiến nghị chính sách phát triển giao thông miền núi
Dựa trên thực tế địa hình, điều kiện kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, Hội đã tổng hợp kiến nghị của các Sở GTVT đề xuất với Bộ GTVT 5 giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững mạng lưới GTNT trong khu vực. Theo đó, cần xác định nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước vẫn là nguồn vốn chủ yếu cho phát triển GTNT miền núi, vì hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc là tỉnh nghèo, việc huy động các nguồn lực tại chỗ rất hạn chế; Về tiêu chuẩn thiết kế cầu đường cần điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường bộ theo hướng các tuyến đưa vào từng cấp đường cần đạt tiêu chuẩn tối thiểu 2 làn xe, sử dụng tải trọng tương đương đường quốc lộ để thiết kế công trình cầu, cống, kết cấu mặt đường; Bộ GTVT cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên đường, vì lưu lượng xe hạng nặng, xe quá tải đang gia tăng rất lớn, phá hoại nặng nề kết cấu và uy hiếp an toàn công trình cầu; Bộ GTVT cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho sớm thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ và rà soát điều chỉnh các định mức về bảo trì phù hợp với thực tế địa phương; Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng cần tạo điều kiện cho địa phương áp dụng hình thức chía khóa trao tay (EPC) đối với các dự án đầu tư nhỏ, giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian hoàn thành dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) Nguyễn Thế Hà: GTNT yếu kém làm hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội miền núi
Có đi trên những tuyến đường "mưa bẩn, nắng bụi" với đầy ổ trâu, ổ voi của các xã miền núi mới có thể hiểu được phần nào nỗi khổ của người dân nơi đây. Đường xuống cấp, thiếu vốn, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên kéo theo tình trạng giao thương hàng hóa bị đình trệ. Thêm vào đó, do địa hình bị chia cắt phức tạp, rộng, không bằng phẳng, đường giao thông miền núi dài gấp nhiều lần so với đường ở đồng bằng, nên để cứng hóa đường vượt quá khả năng của các địa phương. Do vậy, nguồn vốn để đầu tư cho xây dựng cơ bản GTNT miền núi đang là vấn đề hết sức khó khăn ở cơ sở, cần được các cơ quan chức năng bổ sung nhiều cơ chế hỗ trợ.


Nguyễn Tiến (thực hiện)