06:12 10/06/2021

Tiêu thụ sản phẩm địa phương tại thị trường trọng điểm

Trước tình hình nhiều tỉnh, thành đang nỗ lực đưa sản phẩm của nông dân ra thị trường tiêu thụ, ngành công thương và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã tăng cường giải pháp tiêu thụ những sản phẩm này trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thị trọng điểm của cả nước nên doanh nghiệp, thương nhân cho rằng, sự hỗ trợ của mạng lưới bán lẻ địa phương sẽ góp phần khơi thông thị trường, hỗ trợ thiết thực cho nông dân.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op. (Ảnh minh họa)

Tạo điều kiện thu mua sỉ

Từ ngày 31/5 đến nay, chợ hoa tươi Đầm Sen, quận 11, TP Hồ Chí Minh chính thức đóng cửa tạm ngưng hoạt động để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho cả người nông dân tỉnh Lâm Đồng và thương nhân kinh doanh mặt hàng này ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Do đó, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Công Thương và UBND quận 11, TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét tạo điều kiện mở chợ hoa Đầm Sen trong dịp Tết Đoan Ngọ (tức mùng 5/5 Âm lịch) sắp tới.

Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND quận 11, TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo UBND phường 5 và Hợp tác xã Dịch vụ Đầm Sen xây dựng phương án hỗ trợ chợ hoa Đầm Sen hoạt động trong 3 ngày (từ ngày 11-13/6) nhằm tháo gỡ đầu mối tiêu thụ sản phẩm hoa tươi cắt cành cho tỉnh Lâm Đồng và nhiều tỉnh, thành phía Nam; đồng thời, quận 11 tiến hành lập hai chốt kiểm dịch tại chợ này để kiểm soát nguồn hàng ra vào và lượng người mua bán.

Theo ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, TP Hồ Chí Minh, chợ hoa Đầm Sen là một trong những chợ đầu mối cung cấp hoa tươi cắt cành sỉ và lẻ cho đơn vị bán lẻ trên địa bàn thành phố. Vào những dịp lễ, tết cao điểm, số lượng người vận chuyển và giao dịch kinh doanh có thể lên đến 600-800 lượt.

Trong bối cảnh chính quyền TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội và biện pháp phòng chống dịch COVID-19, UBND quận 11, TP Hồ Chí Minh và Hợp tác xã Dịch vụ Đầm Sen đã vận động các đơn vị kinh doanh tạm ngưng hoạt động, thực hiện nghiêm quy định của thành phố. Vì vậy, việc chợ hoa Đầm Sen tạm thời ngưng hoạt động trong thời gian vừa qua và ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ của ngành hàng này là điều khó tránh khỏi.

Ông Lý Phú Quí, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Đầm Sen cho biết, trong 3 ngày phục vụ dịp Tết Đoan Ngọ sắp tới, các bên liên quan sẽ phối hợp để đạt mục tiêu tiêu thụ 10 triệu cành hoa của tỉnh Lâm Đồng bằng nhiều hình thức kinh doanh, bên cạnh phương thức bán buôn truyền thống tại chợ; trong đó, có thể kể đến hình thức kinh doanh như bán hàng qua điện thoại, cắt giảm khâu trung gian và vận chuyển hàng thẳng từ đầu mối tại Đà Lạt đến đầu mối tiêu thụ các tỉnh.

Chung tay tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân, nhất là tại thị trường trọng điểm, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cho biết, để gỡ khó về thị trường tiêu thụ cho khoai lang tím Nhật ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp này đang nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm bún khoai lang tím. Sau nhiều lần thử nghiệm đạt kết quả tốt, doanh nghiệp dự kiến chạy thử công thức để hoàn thiện sản phẩm.

Phát huy mạng lưới bán lẻ

Tại thị trường TP Hồ Chí Minh thời điểm này, mặc dù đang thực hiện giãn cách xã hội và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhưng cả kênh phân phối hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống đều ưu tiên tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương. Điển hình, ở ngành hàng trái cây, nhà bán lẻ, thương nhân... chủ động nhập hàng và kinh doanh đa dạng sản phẩm nội địa.

Tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, hầu như quầy, sạp kinh doanh mặt hàng trái cây đều nhập trái vải về bán và dành vị trí đẹp để giới thiệu đến người dân thành phố. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nội địa như bơ, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... cũng được bày bán với nguồn cung dồi dào.

Trong khi đó, tại chợ Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh, tiểu thương giới thiệu đến người tiêu dùng những mặt hàng loại 1 như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, mãng cầu tròn, thanh long ruột đỏ... Song song với việc ưu tiên hỗ trợ kinh doanh sản phẩm nội địa, thì tiểu thương còn tăng cường hình thức bán hàng và giao hàng tận nơi để kích cầu sức mua cho những mặt hàng trái cây đang vào mùa thu hoạch chính vụ.

Ban quản lý tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhận xét, giá nhiều loại trái cây nội địa ổn định và có xu hướng thấp hơn cùng kỳ năm trước; trong đó, có thể kể đến sản phẩm bưởi da xanh có giá bán phổ biến từ 35.000 - 50.000 đồng/kg; trái vải 31.000 - 35.000 đồng/kg; măng cụt 80.000 - 100.000 đồng/kg; sầu riêng 6Ri 110.000 - 150.000 đồng/kg...

Chị Minh Hạnh, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, thị trường tiêu thụ ngành hàng trái cây nội địa năm nay có cả thuận lợi và khó khăn. Điều kiện thuận lợi là do tác động của dịch COVID-19 nên hàng hóa nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng giảm nguồn cung nên trái cây nội chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh cũng khiến chuỗi cung ứng, vận chuyển, tiêu thụ... trái cây nội gặp khó khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và đẩy mạnh biện pháp dập dịch.

Một số thương nhân, tiểu thương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, sản phẩm trái cây nội sẽ mở cửa được thị trường và tăng sức mua nếu các bộ, ngành, địa phương nhập cuộc, tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng và phát huy vai trò của mạng lưới bán lẻ. Mặt khác, sản phẩm trái cây phổ biến thu hoạch theo mùa vụ, nên cần có giải pháp vừa quảng bá, tiếp thị tốt, vừa phải đảm bảo cung ứng, đưa hàng hóa kịp thời ra thị trường để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở những thị trường tiêu thụ trọng điểm.

Bài và ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)