10:13 23/10/2014

Tiêu ở Đắk Nông lại chết hàng loạt

Nếu như năm ngoái nhiều hộ dân tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông vô cùng phấn khởi vì tiêu trúng đậm thì năm nay, nhiều hộ gia đình đang có nguy cơ vỡ nợ vì hàng loạt vườn tiêu chết gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Nếu như năm ngoái nhiều hộ dân tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông vô cùng phấn khởi vì tiêu trúng đậm thì năm nay, nhiều hộ gia đình đang có nguy cơ vỡ nợ vì hàng loạt vườn tiêu chết gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Theo ông Hà Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, xã có gần 240 ha tiêu, mấy năm trở lại đây, tiêu trở thành một loại cây chủ lực giúp bà con nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế góp phần tạo điều kiện cho chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ không chỉ vươn lên thoát nghèo, mà còn trở thành triệu phú, tỷ phú. Nhưng chỉ sau vài tháng trở lại đây, xã Quảng Tân đã có trên 35 ha tiêu bị xóa sổ, khiến cho nhiều hộ dân mất trắng, nợ nần chồng chất.

Với những trụ tiêu chết, không thể làm gì hơn ngoài nhổ bỏ.


Ông Nghiêm Đắk Hưng, Trưởng thôn Đắk RTăng cho biết: Thôn có trên 114 hộ, trồng trên 70 ha tiêu. Ở đây hầu như hộ nào cũng có trồng tiêu, nhà ít thì vài trăm trụ, nhà nhiều thì trên 2.000 - 4.000 trụ tiêu. Vậy mà chỉ trong vòng 3 tháng, tiêu của các hộ dân trong thôn lần lượt chết héo với diện tích trên 25 ha. Nhiều hộ dù cố gắng cứu chữa nhưng nhìn tiêu chết nhiều mà bất lực không dám ra ngoài vườn vì sốc.

Nông dân vừa lo trả nợ, vừa phải thuê nhân công tận thu tiêu lép mong gỡ gạc.


Gia đình anh Vũ Xuân Phú, thôn Đắk RTăng có trên 2.000 trụ tiêu, năm ngoái tiêu thu được 3 tấn nhân, năm nay nhiều trụ mới bắt đầu cho thu hoạch thì lại chết héo. Ngay cả những cây tiêu ghép anh mới trồng, hứa hẹn năm này cho nhiều trái, vậy mà giờ đây cũng trơ xác cây và trụ. Giờ cả gia đình chỉ trông chờ vào 600 cây cà phê. Năm 2013 tiêu có chết ít nhưng năm nay, mưa nhiều khiến tiêu chết nhiều và chết nhanh. Tháng 7, tháng 8, tiêu phát triển tốt nhưng giờ tiêu lần lượt vàng lá, thối rễ, rễ có đốm trắng… rồi chết sạch. Gia đình anh Phú đã nỗ lực mua các loại thuốc bảo vệ thực vật về trị bệnh cho tiêu hết gần 60 triệu đồng nhưng cũng không cứu nổi, giờ chỉ còn lác đác gần 20 trụ vàng lá và cũng chỉ vài ngày nữa chắc chắn những trụ tiêu này cũng chết.

Còn gia đình anh Ninh Hồng Hà, chị Lê Thị Thu Hằng tại thôn Đắk Mrê cũng đang lao đao vì nguy cơ gần mất trắng 2.000 trụ tiêu. Bao công sức, tiền của chị đổ dồn vào đây, chờ ngày cho thu hoạch, ai ngờ chỉ sau vài tháng giờ còn lại chưa đầy 100 trụ còn sống. Mặc dù chị đã thuê kỹ sư nông nghiệp về kiểm tra, tìm mọi phương thuốc chữa, chi phí trên 100 triệu đồng nhưng cũng không cứu nổi. Gia đình chị đứng trước món nợ ngập đầu. Hiện nay gia đình chị còn phải lo thuê nhân công tranh thủ hái tiêu để bán tiêu lép với giá 140.000 đồng/kg khô mong vớt vát chút ít…

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tiêu chết chủ yếu là do nấm và thối rễ, lấm tấm màu trắng, rụng đốt, hoặc bị vàng lá sau đó rụng ồ ạt, chết nhanh chóng chỉ trong vòng 1 tuần.

Theo ông Hà Văn Đoàn, do ảnh hưởng của thời tiết khiến tiêu trên địa bàn xã Quảng Tân mắc các bệnh như bệnh vàng lá, chết nhanh… Xã đã hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc để chữa trị nhưng không hữu hiệu. Với tình trạng này, bệnh sẽ ngày càng xuất hiện nhiều gây tổn thất về kinh tế cho người dân. Xã Quảng Tân cũng kiến nghị chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân và giải pháp cứu giúp bà con, để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Đồng thời, khuyến cáo cho các hộ nông dân cần xử lý diện tích đất bị nhiễm độc phải xử lý đúng kỹ thuật và không được gieo trồng tiêu trong niên vụ tiếp theo mà phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh tình trạng dịch lan nhanh trong niên vụ tiếp theo gây hậu quả đáng tiếc.


Bài và ảnh: Lang Hường