05:20 03/05/2017

Tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc điều trị ung thư khi bệnh nhân đang 'đói' thuốc, bệnh viện nói gì?

Kết luận Thanh tra TP Hồ Chí Minh vừa công bố, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh đến ngày 31/12/2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài.

Giải trình về nguyên nhân dẫn đến 34.608 viên thuốc Tasigna 200 được công ty Novartis cung cấp điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy đã về Việt Nam trễ so với dự kiến và hạn dùng còn dưới 10 tháng, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh nói: "Thông thường một loại thuốc đã được Cục quản lý dược cho phép thì chỉ mất khoảng 3 tháng nhập, còn riêng đối với thuốc Tasigna 200mg là một loại thuốc mới chưa có ở thị trường Việt Nam nên thủ tục nhập khá khó khăn và phức tạp. Do đó, từ lúc làm thủ tục đến lúc thuốc về tới Việt Nam kéo dài 12 tháng. Bên cạnh đó, vì đây là loại thuốc viện trợ nên phía công ty chuyển số thuốc có hạn sử dụng không dài so với những loại thuốc thông thường khác".

Do nhiều yếu tố khách quan nên gần 20.000 viên thuốc điều trị ung thư bị tiêu hủy.

Bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết thêm, bệnh viện Truyền máu Huyết học là bệnh viện đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình Tasigna copay vì mục đích nhân đạo và đây cũng là chương trình thuốc dành cho những người mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy kháng Glivec của chương trình GIPAP (chương trình tài trợ thuốc Glivec miễn phí). 


Ước tính đến thời điểm cuối tháng 7/2013, chương trình GIPAP có khoảng 25% người bệnh kháng thuốc Glivec tương đương khoảng 200 người cần điều trị tiếp tục bằng thuốc Tasigna. Điều kiện để người bệnh tham gia chương trình Tasigna copay là phải đồng chi trả. Theo đó, mỗi năm công ty Novartis chỉ tài trợ 11,5 tháng thuốc và người bệnh phải mua 0,5 tháng thuốc còn lại tương đương với 42 triệu đồng. Số lượng thuốc ban đầu được ước tính khoảng 50 người bệnh sử dụng trong vòng 12 tháng.


Theo quy định bắt buộc của tổ chức Max Foundation và là đơn vị xét duyệt bệnh nhân được vào chương trình Tasigna copay là bệnh viện phải có người bệnh thực hiện mua toa thuốc Tasigna lần đầu. Đến ngày 27/9/2014, mới có người bệnh đầu tiên đủ kinh phí mua toa thuốc đầu tiên theo quy định chương trình để tham gia chương trình và phát thuốc. 


"Sau khi được nghe tư vấn, có 31 người đồng ý tham gia chương trình và có cam kết đồng chi trả 0,5 tháng thuốc. Tuy nhiên, chỉ có 26 bệnh nhân thực sự có thể tham gia, bởi 2 ca đã tử vong vì không kịp tham gia chương trình, 3 ca từ chối tham gia vì không đủ khả năng tài chính. Số người bệnh tham gia so với dự kiến ban đầu xuống một nửa cộng với số thuốc nhập về chỉ còn 10 tháng nên chắc chắn sẽ không nhập kịp số thuốc vừa nhập trước thời gian hết hạn", bác sĩ Dũng giải thích thêm.


"Để hạn chế số thuốc chưa sử dụng bị hết hạn bệnh viện đã đề nghị công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình đến các bệnh viện khác trong toàn quốc đang điều trị bệnh lý bạch cầu mạn dòng tủy bằng thuốc Glivec hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến. Tuy nhiên, công ty không đồng ý chuyển số thuốc này đến các đơn vị khác và đồng ý tiêu hủy thuốc nếu không sử dụng hết", bác sĩ Dũng cho biết thêm.


Bên cạnh đó, bác sĩ Dũng cũng cho rằng, giá tiền của lô thuốc Tasigna bị hủy do hết hạn là chưa chính xác, nguyên nhân là do bệnh viện sơ suất không kiểm tra kỹ bản dự thảo kết luận của Thanh tra Thành phố gửi về bệnh viện trước khi có kết luận chính thức nên bệnh viện không phát hiện số tiền của lô thuốc này là không đúng. Theo đơn giá của thời điểm năm 2015, số thuốc này chỉ có giá trị hơn 3,8 tỷ đồng chứ không phải tính theo đơn giá tại thời điểm thanh tra là gần 14 tỷ đồng.


Đan Phương/Báo Tin Tức