01:14 18/01/2022

‘Tiêu chuẩn kép’ của Mỹ trong nền chính trị toàn cầu

Mỹ từng tuyên bố rằng các cường quốc không được gây sức ép đối với chính sách của các nước khác, nhưng lại không tuân thủ quy tắc này.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: pearson.com

Ông Peter Beinart, Giáo sư báo chí và khoa học chính trị tại Trường Báo chí Newmark thuộc Đại học Thành phố New York, đã bình luận trên Tờ New York Times mới đây rằng Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh tăng cường số lượng binh sĩ ở biên giới của Nga với Ukraine như một thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ và NATO.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ yêu cầu đó. Với các cường quốc, họ cho rằng không thể yêu cầu các nước láng giềng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của một quốc gia khác. Như Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã lưu ý vào tháng trước: “Một quốc gia không có quyền gây sức ép đối với các chính sách của quốc gia khác hoặc nói quốc gia đó có thể liên kết với ai; một quốc gia không có quyền tạo ra một phạm vi ảnh hưởng. Quan niệm đó nên được loại bỏ”. 

Theo ông Beinart, đó là một nguyên tắc cao quý, nhưng là một nguyên tắc mà Mỹ không tuân thủ. Mỹ đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong gần 200 năm, kể từ khi Tổng thống James Monroe, trong thông điệp thường niên lần thứ 7 trước Quốc hội, tuyên bố rằng Washington “nên coi bất kỳ nỗ lực nào” của các cường quốc nước ngoài “nhằm mở rộng hệ thống của họ ra bất kỳ khu vực nào trên trái đất này là nguy hiểm đối với hòa bình và an toàn của Mỹ".

Năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Rex Tillerson, cho rằng Học thuyết Monroe hiện nay vẫn còn giá trị. Năm sau, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton, nhấn mạnh rằng “Học thuyết Monroe vẫn tồn tại và tốt”.

Rõ ràng, Mỹ không thực thi Học thuyết Monroe giống như cách họ đã làm trong nửa đầu thế kỷ 20, khi nước này thường xuyên triển khai lực lượng Thủy quân lục chiến đến Trung Mỹ và Caribe, hoặc trong Chiến tranh Lạnh. Phương pháp của Washington đã thay đổi. Giờ đây, nước này dùng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào những chính phủ liên minh với các đối thủ cạnh tranh.

Hãy nhìn lại các lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ đối với Cuba. Các quan chức Mỹ có thể tuyên bố mục tiêu của lệnh cấm vận là thúc đẩy dân chủ, nhưng hầu như mọi chính phủ khác trên thế giới đều coi đó là một hành động đe dọa chính trị. Năm ngoái, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lên án lệnh cấm vận này khi thông qua Nghị quyết “Sự cần thiết phải chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba” với kết quả 184 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng lên án lệnh trừng phạt của Mỹ vì đã gây ra sự nghèo khổ đối với người dân Cuba.

Chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa nới lỏng lệnh cấm vận đối với Cuba và cũng chưa từ bỏ nỗ lực nhằm loại bỏ Venezuela ra khỏi hệ thống thương mại toàn cầu. Những chính sách này gửi thông điệp với các chính phủ Mỹ Latinh khác rằng việc thách thức Washington có thể mang lại những tổn thất nghiêm trọng.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo New York Times)