10:21 18/10/2015

Tiêu chí môi trường nông thôn mới chưa có lời giải

Môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn (XDNTM) mới, tuy nhiên, sau hơn 4 năm XDNTM tỉnh Cao Bằng mới chỉ có 1/177 xã hoàn thành tiêu chí này.


Tiêu chí môi trường gồm 5 lĩnh vực: Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Rác chất đống không được xử lý ở chợ Pò Tấu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Xét theo từng chỉ tiêu, mới chỉ có tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt; chỉ tiêu xã có đội vệ sinh tự quản, duy trì thường xuyên hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải chưa đạt, bởi tại các xóm, xã, rác mới chỉ được thu gom tập kết về bãi chứ chưa được xử lý. Về chỉ tiêu các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt, chưa xã nào đạt.

Việc quy hoạch và sử dụng nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục tập quán người dân địa phương, chưa thể quy hoạch theo chuẩn nông thôn mới vì chưa có cơ chế cụ thể. Đặc biệt, tình trạng nuôi nhốt gia súc gia cầm dưới gầm sàn nhà gây mất vệ sinh vẫn chiếm tỉ lệ cao. Hiện nay, toàn tỉnh Cao Bằng mới có 11% số hộ gia đình nông thôn có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh.

Bãi tập kết rác ở ven đường tại xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên đã đạt 15/19 tiêu chí, được đánh giá là địa phương có nhiều cách làm sáng tạo trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng trong XDNTM của tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với chính quyền và người dân ở đây cũng chính là tiêu chí về môi trường vì vẫn chưa có lời giải. Vấn đề thu gom rác, nước thải sinh hoạt hàng ngày, nước thải nông nghiệp từ chăn nuôi, khí thải phát sinh do chăn nuôi, chất thải rắn... ngày càng tăng do người dân xả thẳng ra bên ngoài mà chưa qua xử lý. Ông Long Văn Thông, người dân sinh sống ở làng du lịch cộng đồng bản Pác Rằng cho rằng: “Pắc Rằng là điểm du lịch cộng đồng được đầu tư đồng bộ, có diện tích tự nhiên rộng, song đất sản xuất ít, tập trung trồng nhiều cây, nuôi nhiều con ngay tại nhà nên nước sinh hoạt, nước thải từ chăn nuôi đã xả thẳng ra ngoài, làm ảnh hưởng đến môi trường”.

Bên cạnh đó, tiêu chí về xây dựng nghĩa trang cũng là một vấn đề nan giải, với một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Cao Bằng. Theo phong tục tập quán, mỗi một gia đình, dòng họ thường chôn cất người chết trên chính đất vườn, đồi nhà mình, chưa tập trung lại thành nghĩa trang. Ông Đàm Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Hà, huyện Hà Quảng lý giải: “Khó khăn của tiêu chí này do phong tục và người dân miền núi sống rải rác cách xa nhau có khi đến 10 km, nhưng có thể tuyên truyền dần dần để người dân hiểu, còn chất thải sinh hoạt thì khó có thể xử lý được vì người dân còn nghèo, sống không tập chung”.

Theo ông Nông Văn Nhậm, Chi cục trưởng Chi Cục phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Cao Bằng: Trong tiêu chí môi trường có nhiều chỉ tiêu khó có thể đạt được như xử lý rác thải, nước thải đúng quy định. Cao Bằng rất quan tâm tiêu chí môi trường, nhưng thực tế đi cơ sở, khảo sát cho thấy tiêu chí môi trường khó thực hiện.

Bài và ảnh: Quân Trang