05:11 28/05/2014

Tiếp tục nỗ lực giải thoát các nữ sinh bị bắt cóc tại Nigeria

Các nguồn tin tại Nigeria cho biết cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo đã gặp những người gần gũi với nhóm Hồi giáo Boko Haram, nhằm tìm cách thương lượng giải thoát hơn 200 nữ sinh làng Chibok bị nhóm này bắt cóc...

Các nguồn tin tại Nigeria cho biết cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo đã gặp những người gần gũi với nhóm Hồi giáo Boko Haram, nhằm tìm cách thương lượng giải thoát hơn 200 nữ sinh làng Chibok bị nhóm này bắt cóc từ ngày 15/4 vừa qua.

Cuộc gặp diễn ra cuối tuần qua tại trang trại của ông Obasanjo ở bang Ogun, có sự tham gia của người thân của các tay súng cấp cao trong Boko Haram và các nhà trung gian hòa giải. Những người tham dự cuộc gặp tập trung thảo luận việc làm thế nào giải thoát các nữ sinh thông qua đàm phán.

Phong trào Boko Haram công bố đoạn băng ghi hình các nữ sinh bị bắt cóc. Ảnh: AFP - TTXVN


Tổng thống Obasanjo mãn nhiệm năm 2007, nhưng vẫn là một gương mặt có ảnh hưởng trên chính trường Nigeria. Ông từng thúc đẩy đàm phán với phiến quân, gần đây nhất là vào tháng 9/2011 sau khi Boko Haram đánh bom trụ sở Liên hợp quốc tại Abuja. Sau đó, ông đã tới căn cứ địa của nhóm Hồi giáo này ở Maiduguri, thủ phủ bang Borno, để gặp người thân của cựu thủ lĩnh Boko Haram Mohammed Yusuf, người đã chết trong nhà giam của cảnh sát năm 2009.

Liên quan đến việc giải cứu các nữ sinh, được biết ông Obasanjo đã bày tỏ quan ngại về sự can thiệp của quân đội nước ngoài, cho rằng điều này có thể làm suy giảm vị thế của Nigeria tại châu lục. Ông ủng hộ giải pháp trao đổi tù nhân lấy con tin. Chính quyền của Tổng thống Goodluck Jonathan không chấp thuận giải pháp này, song Abuja cũng đã cử trung gian gặp Boko Haram để đàm phán giải thoát con tin.

Trong khi đó, ngày 27/5, Tham mưu trưởng quân đội Nigeria, Tư lệnh Không quân Marshal Alex Badeh cho biết đã xác định được nơi giam giữ 223 nữ sinh bị bắt cóc hôm 15/4, song loại trừ khả năng dùng vũ lực để giải cứu nhằm tránh ảnh hưởng đến tính mạng con tin.

Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về thông tin trên và cho biết hiện "chưa có các nguồn tin độc lập" để kiểm chứng việc này. Mỹ đã cử 80 quân nhân đến nước láng giềng Chad của Nigeria để theo dõi các diễn biến. Ngoài ra, Washington cũng điều các máy bay do thám, cùng khoảng 30 chuyên gia dân sự và quân sự đến hỗ trợ các lực lượng an ninh Nigeria. Mới đây nhất, Cameroon ngày 27/5 bắt đầu triển khai 3.000 binh lính đến khu vực biên giới giáp với Nigeria nhằm chống lại Boko Haram.

Trong một vụ tấn công mới nhất nhằm vào lực lượng an ninh Nigeria, các tay súng nghi là Boko Haram đã đột kích cảnh sát và binh sĩ quân đội tại thị trấn Buni Yadi, thuộc bang Yobe tối 26/5, làm ít nhất 24 nhân viên an ninh thiệt mạng. Theo các nhân chứng, các tay súng đã bắn vào binh sĩ đang đổi gác và phá hủy hoàn toàn trụ sở cảnh sát địa phương, sau đó phóng hỏa nhà riêng của Thị trưởng và một số trụ sở cơ quan công quyền trước khi nã súng vào một trường tiểu học. Rất may lúc đó không có ai ở trường. Nhiều phương tiện giao thông cũng bị cháy trong vụ tấn công này.

Buni Yadi nằm ở phía Nam bang Yobe. Đây cũng là nơi đã xảy ra vụ Boko Haram sát hại 49 sinh viên hồi tháng 2/2014.


TTXVN/ Tin tức