06:14 06/06/2018

Tiếp tục duy trì đà phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada

Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8 - 10/6/2018.

Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8 - 10/6/2018. Ảnh: TTXVN

Tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau

Canada là một quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ. Với diện tích gần 10 triệu km2, dân số khoảng 36,7 triệu người, Canada có khí hậu ôn đới với hai mùa chính là mùa đông kéo dài, băng tuyết phủ kín, còn mùa hè khí hậu mát mẻ.

Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Trong chuyến thăm Canada của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 9/2014), Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký Ý định thư nhằm củng cố và thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Canada Stephane Dion (3 - 8/9/2016), hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ trên 7 lĩnh vực của Ý định thư về quan hệ hai nước, đặc biệt là thương mại - đầu tư và giáo dục, đào tạo.

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào tháng 11/2017, hai bên ra Tuyên bố chung về việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện đã đề ra các nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ tập trung vào 7 lĩnh vực hợp tác, gồm: chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng - an ninh, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 5 tỷ USD. Canada đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án trị giá 4,1 tỷ USD. Về hỗ trợ phát triển (ODA), gần đây, Canada đã công bố khoản viện trợ ODA cho dự án phát triển Hợp tác xã tại Việt Nam, dự án giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và hai dự án an toàn thực phẩm.

Giáo dục đào tạo đang là một trong những lĩnh vực có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Số du học sinh Việt Nam sang Canada học tập đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nước lớn nhất trong số các nước ASEAN có du học sinh tại Canada với 12.000 học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai một số chương trình học bổng đi học tại Canada như: Chương trình miễn giảm học phí cho sinh viên Việt Nam (theo thỏa thuận hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ bang Quebec được ký từ năm 2004)…

Ngoài ra có các Chương trình Canada học (tại Khoa Quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn); Chương trình hợp tác giữa Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam, Trường Đại học Trà Vinh và Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Canada; giữa Đại học Kinh tế Quốc dân với Đại học Tổng hợp Quebec tại Montreal (UQAM).

Bên cạnh đó, hai bên cũng thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa các địa phương tương đồng như tỉnh Hà Tĩnh với Langley (tỉnh bang British Columbia), Thành phố Hồ Chí Minh với Toronto (tỉnh bang Ontario), Đà Nẵng với Vancouver... Phía Canada đã triển khai một số dự án viện trợ phát triển (ODA) tại một số địa phương gồm: dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh; dự án đào tạo dạy nghề cho người lao động cho tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long…

Quan hệ hợp tác về an ninh quốc phòng được duy trì thông qua trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về huấn luyện đào tạo tiếng Anh, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, phòng chống tội phạm và nhập cư.

Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên tích cực phối hợp trong nhiều lĩnh vực: giải trừ quân bị, an ninh khu vực, thương mại quốc tế, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai nước cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng 2018     
                                                         
Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2018 được tổ chức vào ngày 8 - 9/6/2018 tại Charlevoix, Quebec, Canada với sự tham gia của bảy nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy), Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm: Việt Nam, Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Nam Phi, Rwanda, Samoa, Senegal, Seychelles và một số tổ chức quốc tế.

Chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay tập trung thảo luận: Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đầu tư cho tăng trưởng bao trùm; chuẩn bị thích ứng với các vị trí việc làm của tương lai; hợp tác hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và phát triển năng lượng sạch; xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn.

Với cương vị Chủ tịch Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển, Canada đặt ưu tiên cao cho chủ đề bình đẳng giới và quyền phụ nữ. Hội đồng Tư vấn về Bình đẳng giới cho năm Chủ tịch Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển 2018 tại Canada đã được thành lập để thúc đẩy chương trình nghị sự nêu trên.

Trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G7, nước chủ nhà Canada tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng như: Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Đổi mới, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Phát triển và nhiều các cuộc họp với các tổ chức xã hội, khoa học, doanh nghiệp, thanh niên… để tham vấn về các vấn đề có liên quan trong chương trình nghị sự.

Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) là một tập hợp gồm bảy quốc gia phát triển nhất thế giới, được thành lập năm 1975 theo sáng kiến của Hoa Kỳ trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu khủng hoảng dầu năm 1973 và suy thoái toàn cầu để thảo luận các vấn đề kinh tế, ban đầu gồm 6 thành viên (Pháp, Tây Đức, Italy, Nhật, Anh, Hoa Kỳ). Năm 1975, Tổng thống Pháp Valery Discard d’Estaing mời nguyên thủ của 6 nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên đầu tiên tại Rambouillet (Pháp). Tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 1976, ở thủ đô San Juan (Puerto Rico), Nhóm trở thành G7 với sự tham gia của Canada.

Mặc dù không phải là một tổ chức có cấu trúc chặt chẽ, nhưng G7 là một tập hợp lực lượng quan trọng nhất trong hệ thống quản trị toàn cầu, chiếm khoảng 47% GDP thế giới và là diễn đàn giúp các nước phát triển hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Việc Canada mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay xuất phát từ vai trò và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Các chủ đề và nội dung nghị sự của Hội nghị cơ bản phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam, là quốc gia biển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Chuyến thăm Canada diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2018). Quan hệ Việt Nam - Canada có những bước phát triển tích cực về chính trị, ngoại giao, kinh tế - thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân… đặc biệt sau khi hai nước ra Tuyên bố chung về việc xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện.

Chuyến thăm nhằm tiếp tục duy trì đà phát triển quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, tiếp tục tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực, đưa quan hệ giữa hai nước phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)