12:20 16/12/2019

Tiếp tục biểu tình phản đối cải cách lương hưu tại Pháp

Cuộc biểu tình của ngành vận tải Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đã bước sang ngày thứ 12 trong bối cảnh chính quyền vẫn cương quyết thúc đẩy kế hoạch này. 

Chú thích ảnh
Công nhân, viên chức ngành vận tải tiến hành bãi công phản đối cải cách lương hưu, tại Paris (Pháp) ngày 13/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN phát

Trong ngày 16/12, cuộc biểu tình đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông kỷ lục, kéo dài 630 km ở khu vực Paris, nơi chỉ có 2 tuyến tàu điện ngầm hoạt động theo chế độ tự động (không có người lái tàu) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, 14 tuyến tàu điện ngầm khác đều phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với phần lớn các tuyến tàu hỏa ở Paris và các địa phương khác cũng như các tuyến tàu liên vận quốc tế. Cuộc biểu tình đang diễn ra có sự tham gia của phần lớn nhân viên làm việc ngành công cộng, như nhân viên lái tàu, giáo viên, nhân viên y tế... những người lo ngại về tuổi lao động bị kéo dài và lương hưu thấp hơn. 

Sáng cùng ngày, các nhân viên lái xe tải đã phát động một cuộc biểu tình riêng rẽ, phong tỏa các tuyến đường giao thông trên toàn nước Pháp đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Các nghiệp đoàn tại Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục phát động một cuộc biểu tình quy mô lớn trong ngày 17/12 và muốn kéo dài cuộc biểu tình này qua lễ Giáng Sinh. 

Trước đó, ngày 11/12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí theo hướng "có sự nhượng bộ" với phía nghiệp đoàn. Cụ thể, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành gồm hơn 42 mức khác nhau sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước. Hệ thống mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm. Thủ tướng Philippe khẳng định lao động nữ sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống lương hưu mới. Ông cũng nhấn mạnh rằng cải cách là nhằm tạo sự công bằng cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt phía nghiệp đoàn chưa hài lòng là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công). Ngoài ra, phía nghiệp đoàn cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động của chính phủ. 

Chính phủ Pháp khẳng định những sự điều chỉnh trên sẽ tạo nên một hệ thống hưu trí công bằng hơn và giúp xóa bỏ mức thâm hụt hệ thống lương hưu, dự đoán sẽ lên tới 17 tỷ euro (19 tỷ USD) vào năm 2025.

Minh Châu (TTXVN)