11:09 04/11/2010

Tiếp tục bàn giải pháp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Ngày 2/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Ngày 2/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận đều thể hiện sự đồng tình cao với những tổng kết, đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2010 và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Khôi Nguyên
phát biểu ý kiến


Mặc dù năm 2010 còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện nên đất nước đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu đề ra. Nhiều ý kiến đánh giá cao sự nhạy bén của Chính phủ trước diễn biến mới của tình hình, với những biểu hiện gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô, đã chuyển hướng từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ngay từ đầu năm 2010; ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP với nhiều giải pháp cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ cương quyết, nhờ đó đã kiểm soát khá tốt chỉ số giá tiêu dùng...

Với nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009. Trong 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu chủ yếu, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

Các ý kiến của đại biểu ghi nhận trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường đạt được những kết quả tích cực; cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm được quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả thiết thực.

Việc thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi vẫn chưa đạt được mục tiêu.

Để nâng cao cuộc sống cho người nông dân, đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) đề nghị Chính phủ cần tổng kết, làm rõ hơn tiến độ thực hiện các đề án cụ thể về việc thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo đại biểu không thể để nông thôn và đời sống người dân cứ tuần tự tăng tiến mà cần phải có tác động sâu sắc hơn đối với xuất khẩu lúa gạo và các mặt hàng nông sản khác".

Cũng về vấn đề này, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) nêu: Hiện nay các tỉnh miền núi phía Bắc không phát triển đường thủy, đường sắt và đường hàng không mà chỉ có trục độc đạo là đường bộ. Để tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi phát triển kinh tế, theo đại biểu rất cần quan tâm tới việc phát triển và nâng cấp các trục lộ chính và đường vành đai biên giới, tạo tiền đề để các tỉnh bứt phá về kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong ý kiến phát biểu của mình, đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên) khẳng định, hiện các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế việc thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đại biểu phân tích, thời gian qua số lượng chương trình dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số rất nhiều nhưng tổng mức đầu tư cho từng dự án cũng như việc đáp ứng vốn cho công trình không đáp ứng yêu cầu và không kịp thời dẫn đến hạn chế hiệu quả. Dẫn chứng tại Điện Biên về việc sắp xếp dân di cư tự do tại huyện Mường Nhé giai đoạn 2008 - 2012 hiện vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện, đại biểu đề nghị số chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới có thể giảm đi nhưng mỗi dự án, chương trình sau khi đã nghiên cứu đầy đủ cần đầu tư thỏa đáng, suất đầu tư phải phù hợp với từng vùng, miền.

Theo đại biểu Y Ngọc (Kon Tum), việc xóa đói giảm nghèo vùng khó khăn hiện còn manh mún, thiếu đồng bộ, nhiều đầu mối chủ trì... dẫn đến trùng lặp về nội dung đầu tư, chưa phát huy được hiệu quả. Đại biểu kiến nghị: Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành trung ương. Chính phủ cần rà soát và lồng ghép toàn bộ các chương trình giảm nghèo hiện nay thành một chương trình tổng thể để có sự hỗ trợ đầu tư có hiệu quả.