07:06 03/07/2015

Tiếp thị cho du lịch

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố chẳng mấy vui, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 (2015) chỉ đạt 529.000 lượt khách, giảm 1,9% so với tháng 6 năm ngoái...

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố chẳng mấy vui, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 (2015) chỉ đạt 529.000 lượt khách, giảm 1,9% so với tháng 6 năm ngoái và cũng là tháng thứ 13 liên tiếp, du lịch Việt Nam sụt giảm lượng khách quốc tế. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, đã có sự tranh luận gay gắt giữa đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch... xung quanh những bất cập và những giải pháp cần tháo gỡ trong hoạt động du lịch hiện nay.

Có rất nhiều vấn đề được xới lên, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch (chính sách thuế), mở rộng diện miễn thị thực, quản lý phương tiện vận chuyển khách du lịch, xử lý tình trạng cướp giật, chèn ép khách; nhà vệ sinh công cộng; kinh phí dành cho xúc tiến du lịch...

Không đề cập vấn đề vĩ mô, một chuyên gia du lịch nêu ví dụ tưởng là nhỏ, nhưng có tính thuyết phục cao, đó là cách tiếp thị du lịch của Thừa Thiên - Huế. Thông qua chương trình phối hợp với đại học Hawaii (Mỹ), tỉnh này mở lớp tập huấn về du lịch cho hơn 300 người hành nghề xích lô. Từ thái độ niềm nở, nhã nhặn với khách, đến việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử, văn hóa... để họ có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch... đã được đưa vào chương trình tập huấn.

Cách làm của Thừa Thiên - Huế không “đao to búa lớn”, nhưng được đánh giá là cách tiếp thị hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam. Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, xích lô ở Việt Nam đơn giản chỉ là cái nghề “thấp kém” và có không ít điều tiếng (giành giật, ứng xử thiếu văn hóa với du khách, lừa gạt du khách). Điều đó ít nhiều đã làm “rầu” một sản phẩm du lịch (du lịch bằng xích lô) vốn rất được nhiều khách du lịch nước ngoài lựa chọn khi tới Việt Nam.

Một vấn đề khác cũng được coi là có ý nghĩa “sống còn” trong hoạt động kinh doanh du lịch, đó là tạo dựng một môi trường du lịch thân thiện với du khách. Dư luận từng nhiều lần lên tiếng về "thảm họa" du lịch Việt Nam do những hành vi chèo kéo, "chặt chém", bám khách, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai..., tạo ấn tượng xấu với du khách. Vậy nên, khái niệm "du lịch thân thiện" không chỉ là một đòi hỏi tất yếu, mà còn nhằm làm thay đổi tư duy về phát triển du lịch nước nhà.

Trong bối cảnh du lịch Việt Nam phát triển thiếu tính bền vững và cạnh tranh thiếu lành mạnh, thì "du lịch thân thiện" cần được coi là một phương thức tiếp cận thiết thực nhằm đem lại lợi ích không chỉ cho du khách nước ngoài, mà cho cả khách du lịch nội địa. Muốn vậy, cần phải xây dựng một hệ thống trách nhiệm (văn hóa, kinh tế xã hội, môi trường...) và các giải pháp thực thi nghiêm ngặt.

Rất nhiều giải pháp được đưa ra, như sự nỗ lực, phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành du lịch nhằm tạo môi trường thân thiện cho du khách. Nhưng để môi trường du lịch thật sự trong sạch, có lẽ chỉ tuyên truyền thôi chưa đủ. Việc cần phải làm ngay là cần gạt bỏ thói trục lợi, kiếm tiền bất chính trong hoạt động du lịch. Ðã đến lúc, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết, nhằm làm trong sạch, lành mạnh môi trường du lịch.

Xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách phải từ những việc nhỏ như một nụ cười thân thiện, bán đúng giá, nhà vệ sinh đạt chuẩn... Muốn thế, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều địa phương và sự cộng tác của mỗi người dân. Không phát huy được vai trò của người dân thì khó hy vọng vào một môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách.
Yến Nhi