08:09 01/08/2018

Tiếp thêm niềm tin, khí thế và vận hội mới cho Thủ đô phát triển

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ - QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018), đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài viết: "Tiếp thêm niềm tin, khí thế và vận hội mới cho Thủ đô phát triển" nhằm nhìn lại chặng đường phát triển quan trọng của Thủ đô, khẳng định những định hướng quan trọng để Hà Nội tiếp tục phát triển xứng tầm khu vực và thế giới. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết này.

                                               

Chú thích ảnh
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp Hà Nội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Cùng với cả nước, những ngày này, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội vui mừng, phấn khởi kỷ niệm tròn 10 năm “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan”, có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Đây không những là dịp để người dân thành phố tự hào về những thành quả đạt được, mà còn là thời điểm để Hà Nội nhìn nhận, đúc kết kinh nghiệm, rút ra những bài học quý giá.

Một thập niên không phải là dài so với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước, nhưng đây là một giai đoạn đặc biệt quan trọng tạo dựng thế và lực mới cho Thăng Long - Hà Nội cùng cả nước tiến bước mạnh mẽ, tự tin trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhìn lại chặng đường đã qua với những miệt mài vượt khó, càng thêm hiểu và trân quý những thành tựu toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được; để từ đó càng tự vun đắp niềm tin, thêm tự hào về hào khí Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Ít có Thủ đô nào trên thế giới có bề dày lịch sử và sự phát triển phong phú như Hà Nội với hơn 1.000 năm tuổi và trong khoảng chiều dài ấy, quy mô đô thị có lúc nhỏ hẹp, nhưng cũng có lúc rất rộng lớn; tính chất đô thị dần được định hình để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển.

Thủ đô được Trung ương quan tâm, cân nhắc điều chỉnh địa giới hành chính, mà lý do cũng không nằm ngoài đòi hỏi của thực tiễn khách quan là để tiếp tục phát triển.

Sau nhiều lần điều chỉnh, thì lần thứ 4, Hà Nội được mở rộng lớn nhất cả về diện tích, quy mô hành chính và dân số: có diện tích 3.344,7 km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, với 29 đơn vị hành chính trực thuộc, dân số hơn 6 triệu người (hiện nay là 30 quận, huyện, thị xã với dân số xấp xỉ 7,7 triệu người).

Có thể nói, đây là một quyết định mang tính bước ngoặt tiêu biểu cho tầm nhìn dài hạn; gói trọn niềm tin sâu sắc của Đảng, Nhà nước dành cho Thủ đô cùng khát vọng mới về sự phát triển sánh vai với thủ đô nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Khi nước ta đạt mức dân số ổn định khoảng 120 triệu người thì Thủ đô Hà Nội có khoảng 10% dân số cả nước, mật độ 3.500 - 4.000 người/km2, tương đương mật độ dân số ở nhiều thủ đô lớn trên thế giới.

Niềm tin và kỳ vọng mà Trung ương Đảng, Quốc hội và nhân dân cả nước gửi trao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô là hết sức to lớn. Nhiệm vụ mới cũng gắn liền với những nguồn lực mới.

Khi đô thị được mở rộng, kéo theo nhiều vấn đề đổi mới, phát sinh và tầm quy mô, tính chất cũng thay đổi, đòi hỏi cao hơn về năng lực quản lý nhà nước đối với một đô thị mới rộng lớn, trong khi lúc đó bản thân thành phố đã và đang phải đối mặt, giải quyết không ít bất cập do quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh gây ra.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy với những “độ vênh” khác nhau sao cho êm thuận, hiệu lực, hiệu quả là những đòi hỏi không dễ một sớm một chiều được ngay như mong muốn. Các cơ chế, chính sách, quy mô, cấp độ, tính phức tạp trong quản lý Nhà nước giữa các địa phương còn những khác nhau, đòi hỏi phải được thống nhất lại để tạo sự phát triển đồng bộ.

Ở khía cạnh khác, văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội giờ hợp lưu thêm văn hóa xứ Đoài và một vùng Sơn Nam thượng cùng những thành tố văn hóa riêng khác cũng đặt ra không ít trăn trở về sự hòa nhập, hội tụ và phát triển.

Bên cạnh sự đồng thuận là chủ đạo, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân băn khoăn, trăn trở, thậm chí chưa có niềm tin tuyệt đối vào những mục tiêu lớn đang đặt ra. Tất cả những tâm tư đó đều được các cơ quan của thành phố lắng nghe, trân trọng tiếp thu, nghiên cứu một cách nghiêm túc, với tinh thần cầu thị.

Nhiệm vụ mới tiếp thêm quyết tâm mới - Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chung sức đồng lòng, khẩn trương tập trung giải quyết ngay hàng loạt công việc: sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, khớp nối các quy hoạch, dự án, tạo hành lang pháp lý thống nhất; giải quyết ngay những vấn đề bức xúc trong đòi sống nhân dân để từng bước khắc phục khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

10 năm qua là quãng thời gian Thành phố tập trung cao độ cho công tác xây dụng chiến lược phát triển mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Hà Nội đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 6/1/2012) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011- 2020.

Thành phố cũng tham mưu cho Trung ương phê duyệt “Quy hoạch chung xây dụng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”; “Quy hoạch tổng thể, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”...

Chú thích ảnh
Một góc Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Với vị trí “là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia”, là Đảng bộ có số đảng viên đông đảo nhất cả nước, trong mọi thời kỳ nói chung, một thập niên qua nói riêng, Thủ đô Hà Nội luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là yếu tố quyết định để triển khai và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất.

Cùng với cả nước, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 03- CT/ TW, Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các quy định nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và nêu gương của cán bộ đảng viên để thực hiện đúng phương châm “xây dựng Đảng là then chốt”; không ngừng vun đắp, củng cố khối đại đoàn kết trong Đảng.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tiếp tục được tiến hành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; không ngừng quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực. Công tác cải cách thủ tục hành chính sau 10 năm đã thay đổi rõ rệt.

Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ngày càng phát huy hiệu quả; kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn năm 2017 đạt 97,33%. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công cơ chế "một cửa" trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước.

Trong 10 năm qua, thành phố tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục kịp thời những khó khăn và đã đạt được những kết quả toàn diện: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm - quy mô GRDP năm 2017 (theo giá cố định 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với năm 2008 (1.697 USD). Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới.

Kiên trì khắc phục khó khăn bộn bề liên quan tới bài toán “tam nông” (nông nghiệp - nông dân - nông thôn) thời gian qua, những kết quả đạt được của Hà Nội hết sức đáng tự hào: Đến hết năm 2017, Hà Nội đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức); 294/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân hiện nay đạt 43 triệu đồng/người, gấp 3 lần so với năm 2008.

10 năm qua, quá trình hội nhập của đất nước ngày càng sâu rộng gắn liền với nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế... đặt ra nhiều yêu cầu mới. Những đòi hỏi này luôn được thành phố tập trung thực hiện hiệu quả, khẳng định vị thế là trung tâm lớn của đất nước.

An ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được bảo đảm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, hàng nghìn sự kiện chính trị lớn của đất nước và các hoạt động quốc tế mỗi năm; giải quyết thành công các tình huống phức tạp phát sinh; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Song hành với phát triển văn hóa, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thể giới. Năm 2010, thành phố tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được dư luận trong nước, quốc tế đánh giá cao.

Với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", Thành phố đã chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị hợp tác với các địa phương trong nước, thực hiện tích cực các nội dung hợp tác phát triển.

Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng 4 lần trong 10 năm qua không chỉ là minh chứng rõ nét thể hiện sự hấp dẫn của Thủ đô nghìn năm văn hiến mà còn khẳng định sự yên bình, đáng sống của thành phố “Vì hòa bình”.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng với tốc độ gia tăng dân số cơ học cao đã tạo ra những sức ép không nhỏ lên hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Xu thế phát triển chung của thời đại và đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với yêu cầu đẩy mạnh kinh tế tri thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ thành phố phải có năng lực, đủ tâm, đủ tâm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Mặc dù đã có bước phát triển tốt trong 10 năm qua, nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, nhất là về không gian phát triển, khai thác nguồn lực đất đai, con người. Công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định, bền vững.

Điều đó đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị thành phố và mỗi người dân Thủ đô. Trước những thách thức, mục tiêu lớn đó, các cấp, ngành của thành phố cần nỗ lực, chớp lấy thời cơ, vận hội, đồng thời quyết tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: Nhiệm vụ hàng đầu và mang tính lâu dài của Thủ đô là tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Tận dụng tối đa cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát huy mạnh mẽ, hiệu quả nguồn lực đất đai, con người Hà Nội gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 7,5% trở lên và GRDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 140 - 145 triệu đồng.

Thành phố tập trung đầu tư cho nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh bền vững, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao, sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn. Phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm dịch vụ tài chính hàng đầu của cả nước. Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ôn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Những kết quả và thành tựu to lớn bước đầu đạt được là biểu tượng thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Thủ đô trước gửi gắm tin yêu của đất nước. Đây là niềm tin, khí thế và vận hội mới để Hà Nội tiếp tục phát triển xứng tầm khu vực và thế giới.

TTXVN/Báo Tin tức