04:09 26/04/2011

Tiếp sức tiếp lực cho xã nghèo

Dự án đưa 600 trí thức trẻ ưu tú về các xã đặc biệt khó khăn mới bắt đầu nhận hồ sơ của các ứng viên từ hôm qua, 25/4, nhưng trước đó, dự án đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Dự án đưa 600 trí thức trẻ ưu tú về các xã đặc biệt khó khăn mới bắt đầu nhận hồ sơ của các ứng viên từ hôm qua, 25/4, nhưng trước đó, dự án đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Cũng hiếm dự án có được sự đồng thuận của các phương tiện truyền thông và dư luận như dự án này. Đưa tri thức và sức trẻ về với các xã khó khăn nhất nước để những vùng đất nghèo có cơ đổi mới, phát triển, để người trẻ có đất “dụng võ”. Những mục đích tốt đẹp ấy đủ sức thuyết phục toàn xã hội.

Tổng thể là vậy nhưng đi sâu vào chi tiết của dự án, nhiều người vẫn băn khoăn. Khá nhiều ý kiến cho rằng, các kỹ sư, cử nhân... tuổi đời chưa đến 30, ắt thiếu kinh nghiệm công tác và thực tế, kỹ năng ứng xử cũng chưa đầy đặn, e rằng khó đảm đương trọng trách phó chủ tịch xã. Ngược lại, có người lo, trí thức trẻ chỉ được làm cấp phó sẽ khó phát huy hết năng lực bởi dễ vấp phải rào cản của các bậc “cha chú” ở điểm đến.

Phải thừa nhận rằng, những băn khoăn nói trên không phải là không có cơ sở. Phó chủ tịch xã 8X quả thực là hình ảnh chưa quen thuộc với nhiều người. Nhưng ai cũng biết, “vạn sự khởi đầu nan”... Với nhiều sinh viên mới ra trường, việc có ngay một việc làm, một chức danh là triển vọng tốt, đáng để họ dấn thân. Đằng sau các bạn trẻ tham gia dự án còn có đội ngũ các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực hỗ trợ họ các kiến thức cần thiết, cả trước và trong quá trình làm việc. Nếu những phó chủ tịch xã U30 cầu thị và tận tâm, nếu các cán bộ chính quyền cơ sở các xã nghèo vì cái chung, dang rộng vòng tay chào đón họ (theo dự án, việc trí thức trẻ được nhận chức danh phó chủ tịch xã không làm ảnh hưởng đến biên chế của địa phương) hẳn mọi việc sẽ thông đồng bén giọt.

Các xã nghèo thiếu thốn đủ đường, nhưng thiếu nhất là nhân lực chất lượng cao. 600 trí thức trẻ với hành trang kiến thức vừa thu nhận được ở trường ĐH, với sự năng động của tuổi trẻ, lại đầy nhiệt huyết cống hiến và khát khao khẳng định mình, là sự tiếp sức, tiếp lực quan trọng để các xã này thoát nghèo. Tuy nhiên, để những “hạt giống đỏ” này phát huy được tác dụng, để chủ trương đưa trí thức và sức trẻ về với xã nghèo thực sự mang lại hiệu quả, dự án cần được thực hiện đến nơi đến chốn, đồng bộ (cả người trẻ “về xã” lẫn chính quyền cơ sở nơi tiếp nhận) và nhất quán. Làm được như vậy, rất nhiều người trẻ sẽ trưởng thành vượt bậc, rất nhiều xã sẽ vững bước hơn trên con đường phát triển.

Hà Nguyễn