07:08 23/07/2014

Tiếp sức ngư dân - Kỳ 3: Nguyện vọng của ngư dân

Năm 1997, mục tiêu tạo việc làm cho ngư dân bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo được Chính phủ triển khai thông qua “Dự án hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ”. Qua đáng giá của ngành chức năng, dự án này hiệu quả thì ít nhưng thất thoát tiền nhà nước thì nhiều.

Năm 1997, mục tiêu tạo việc làm cho ngư dân bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo được Chính phủ triển khai thông qua “Dự án hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ”. Qua đáng giá của ngành chức năng, dự án này hiệu quả thì ít nhưng thất thoát tiền nhà nước thì nhiều. Vì thế, người dân còn băn khoăn về gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng sẽ được triển khai ra sao và kết quả như thế nào?


Tránh chìa khóa trao tay


Ông Trần Ngọc Oanh, 62 tuổi ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là Chủ nhiệm một trong ba HTX đánh bắt xa bờ ở xã Quỳnh Long lúc bấy giờ đã chỉ ra nguyên nhân thất bại của gói hỗ trợ xa bờ năm 1997. Ông Oanh khẳng định “Nhà nước thực hiện dự án theo cách chìa khóa trao tay và phó mặc cho ngư dân, không quan tâm đến hiệu quả mang lại”. Ngày đó, xã Quỳnh Long được đầu tư 5 tàu xa bờ, đánh lưới rê, khai thác cá nổi nhưng sau hơn bốn năm hoạt động cầm chừng thì tàu đã neo bờ. Vỏ tàu hư hỏng, tài sản trên tàu cũng bị mai một dần.

 

Tại Hội nghị lấy ý kiến của các địa phương và ngư dân của tỉnh Nghệ An (4/7/2014), ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nói: “Người dân hiểu nghề biển hơn ai hết nên Nhà nước hãy để người dân quyết định”.


Theo Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, dự án đánh bắt xa bờ năm 1997 đã giải ngân được 1.250 tỷ đồng và đóng được 5.000 chiếc tàu có công xuất từ 90 CV trở lên và khai thác vùng khơi. Tuy nhiên, sau bảy năm tổng kết lại, mới thu hồi được 140 tỷ đồng, dự án không hiệu quả. Có chăng, chỉ là tiền đề cho đội tàu xa bờ hùng hậu do các cá nhân tự đóng hiện nay, ra khơi bám biển.


Trong số tàu xa bờ của xã Quỳnh Long thì có tới bốn chiếc là đánh cá nổi, do thời tiết và mùa vụ nên chỉ khai thác được ba đến sáu tháng. Hai năm đầu là có sản phẩm nhưng bán không được giá nên thường xuyên phải bù lỗ, các thuyền viên ăn chia được ít nên sinh ra chán nản. Nhà nước có quy định: Các xã viên phải đóng cổ phần nhưng thực tế là không có. Nếu có thì quá ít nên chủ nhiệm HTX và các thuyền viên thiếu sự gắn kết, không có trách nhiệm nên “Cha chung không ai khóc”. Khi tàu đi biển về thua lỗ, không có ăn chia nên các thuyền viên bỏ dần, người mới không tham gia vào, kết quả là đội tàu tan rã, ông Trần Ngọc Oanh cho biết thêm.

Chính phủ đã phê duyệt chiến lược thủy sản Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010, xác định: Tập trung đầu tư củng cố phát triển đồng bộ công nghiệp cơ khi đóng tàu; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần trên biển; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất vỏ tàu, máy tàu, ngư cụ.


Cũng theo ông Oanh, một con tàu mà Nhà nước giao cho người dân trị giá lớn hơn nhiều so với thực tế. Người dân tự đóng vỏ tàu chỉ mất khoảng 350 triệu đồng nhưng tàu dự án báo giá là trên 750 triệu đồng. Từ một doanh nghiệp xây dựng Hồng Đào ở huyện Quỳnh Lưu, không hiểu lý do gì lại chạy được dự án và gom thợ mở xưởng đóng tàu. Từ ông chủ xây dựng, không có kỹ thuật và kinh nghiệm đóng tàu nhưng lại đứng ra đóng tàu công suất lớn. Thử hỏi chất lượng tàu chúng tôi nhận sao mà tốt được. Người dân yêu cầu lắp máy đẩy của Nhật Bản nhưng dự án lại lắp máy của Mỹ, các bộ phận trong máy không đồng bộ, thường xảy ra hỏng hóc, tốn nhiều kinh phí sửa chữa. Lưới cụ đánh được một thời gian đã bị truột gút, cước bở nhanh chóng rách lưới. Chuyến lưới này về không được, phải vay mượn tiền để mua nguyên liệu, dầu mỡ cho chuyến sau, nợ chồng nợ ngày càng nhiều nên khi không gánh nổi thì đành tan rã.


Ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: “Chủ trương của Nhà nước là đúng, nhưng do cách thực hiện sai, không đúng với tinh thần của Chính phủ nên dự án xa bờ năm 1997 bị đổ vỡ. Đợt này Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ mới và có hướng dẫn rõ ràng chắc chắn sẽ giải quyết những hạn chế của dự án xa bờ trước đây. Đó là bài học để các địa phương tổ chức thực hiện có hiểu quả, đúng luật, đúng mục đích và đối tượng hưởng thụ”.


Ngư dân mới hiểu nghề biển


Ông Trần Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng: “Chính người nông dân mới hiểu được nghề nông như thế nào. Vậy để hiểu rõ nghề biển thì chỉ có ngư dân mới thạo tin vươn khơi bám biển. Nhà nước hãy để ngư dân được hưởng thụ chính sách, tự họ sẽ quyết định nên đóng tàu gì, đi nghề nào và kiểu cách ra sao, đánh bắt ở ngư trường nào, miễn là mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, đối tượng được hưởng hỗ trợ trong dự án xa bờ năm 1997 có người không đi biển, không giỏi về kỹ thuật tiếp cận với đánh bắt xa bờ thì làm sao gánh vác để tổ chức anh em khai thác có hiệu quả”.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, ông Trương Minh Hoàng nêu ý kiến: “Tránh tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm, chính quyền và ngân hàng chỉ định nơi đóng tàu, nơi mua lưới cụ, mua máy đẩy... Tôi đề nghị Chính phủ nên thành lập Hội đồng từ cấp xã đến cấp Trung ương, để chịu trách nhiệm, thường xuyên giám sát, không để việc này xảy ra, làm thất thoát nguồn kinh phí của Nhà nước, nhất là gánh nặng đè lên vai của người lao động. Người đóng tàu, người ra chủ trương, đơn vị đóng tàu phải cùng với ngư dân ra biển xem cách thức tàu mình đưa ra, nhằm rút kinh nghiệm phù hợp với từng ngư trường. Như vậy đồng tiền của gói hỗ trợ mới mang lại hiệu quả để đại biểu Quốc hội nhấn nút quyết vấn đề này sẽ không phải hối tiếc”.


Ngư dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, dựa trên kinh nghiệm và mục đích sử dụng để quyết định đóng vỏ tàu gỗ hay sắt, kích thước ra sao, mẫu mã thế nào, đi nghề gì cho phù hợp với ngư trường truyền thống. Không cứ phải là đóng tàu vỏ sắt và đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mới được hỗ trợ. Nếu chúng ta cứ áp đặt như vậy thì sẽ đi vào vết xe đổ của gói hỗ trợ xa bờ năm 1997. Đây là gói hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất, người dân vay tiền thì phải trả, vậy không có lý gì họ lại không được quyết trên những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình bỏ ra.


Bài và ảnh: Viết Tôn - Việt Hoàng

Kỳ 4: Bước chuẩn bị đón đầu ở Nghệ An