04:10 15/04/2017

Tiếp nhận 2.400 tài liệu, hiện vật của GS.TS Bùi Khánh Thế

Ngày 15/4, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) đã tổ chức lễ tiếp nhận hơn 2.400 tài liệu, hiện vật của GS.TS Bùi Khánh Thế.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn TTDS, nhận thức sâu sắc rằng di sản các nhà khoa học Việt Nam được cấu thành như cái "kiềng ba chân" gồm ba miền Bắc, Trung, Nam, nếu thiếu những bộ sưu tập di sản của các nhà khoa học ở phía Nam và đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh thì câu chuyện về lịch sử phát triển nền khoa học và các chuyên ngành khoa học ở Việt Nam sẽ không đầy đủ, không toàn diện. Do đó, từ năm 2012, TTDS mở rộng phạm vi hoạt động vào TP Hồ Chí Minh.

Hơn 2.400 tài liệu, hiện vật của GS.TS Bùi Khánh Thế đã được Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp nhận lưu trữ.

Trong 5 năm liên tiếp, TTDS đã tiếp cận với hơn 70 nhà khoa học và gia đình nhà khoa học tại Thành phố Hồ Chí Minh như: GS Lê Văn Thiêm, GS Trương Công Trung, PGS Lê Văn Sáu, PGS Mạc Đường, GS Vũ Công Hòe, GS Nguyễn Đình Ngọc, GS Lê Đình Kỵ, GS.TS Bùi Khánh Thế....


“Từ thời chiến tranh, thời bao cấp, thời kỳ đổi mới…các di sản của các nhà khoa học đã đóng góp không nhỏ cho nền di sản khoa học của đất nước. Việc lưu trữ các tài liệu của nhà khoa học của các nhà khoa học sẽ ghép thành bức tranh toàn diện về sự phát triển nền khoa học Việt Nam. Vì vậy, TTDS đã đi tìm các nhà khoa học Việt Nam để lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học này. Những tài liệu lưu trữ là những tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học, từ đó, tổ chức trưng bày giới thiệu về các nhà khoa học Việt Nam trên cả nước để các thế hệ trẻ biết và học hỏi theo”, ông Nguyễn Văn Huy cho biết thêm.

Nhiều thế hệ học trò luôn nhớ về GS.TS Bùi Khánh Thế với hình ảnh “cây cao bóng cả nhưng không che khuất mầm non”.

GS.TS Bùi Khánh Thế sinh năm 1934 tại Hà Nội, nhưng tuổi thơ gắn liền với quê hương Bình Thuận. Ông là một nhà ngôn ngữ học đi lên bằng con đường tự học. Năm 1959, ông là giáo viên dạy Nga văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông được cử tham gia tiếp quản các trường đại học ở miền Nam. Sau 6 tháng công tác ở Cần Thơ, ông được phân về trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, rồi năm 1977 ông được cử làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.


Những kiến thức ông tích lũy trong nhiều năm được truyền lại cho sinh viên một cách đầy nhiệt huyết nhất. Nhiều thế hệ học trò luôn nhớ về ông với hình ảnh hiền từ, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, “cây cao bóng cả nhưng không che khuất mầm non”. GS Bùi Khánh Thế cũng là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc thành lập khoa Đông phương học ở trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (1994).

Đây là lễ tiếp nhận đầu tiên của TTDS tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Song song với công tác giảng dạy, quản lý, GS Bùi Khánh Thế cũng để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như cuốn sách: Nhập môn ngôn ngữ học (Nxb Giáo dục, 1995), Từ điển Chăm - Việt (chủ biên, Nxb Giáo dục, 1995), Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2001), Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh (Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2011), Tiếng Việt - tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam (Nxb Chính trị quốc gia, 2012)… Những tài liệu nghiên cứu về tiếng Chàm, tiếng Mnông…Tất cả những tài liệu đều là nguồn tài liệu hữu ích cho việc tham khảo, học tập của sinh viên cũng như giới nghiên cứu.


Được biết, sau 10 năm đi vào hoạt động, TTDS đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học và thu được trên 50 vạn tư liệu nhiều loại hình (bản thảo nghiên cứu, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu...) của hơn 1.000 nhà khoa học đang lưu trữ tại TTDS. TTDS các nhà khoa học Việt Nam cũng đã thực hiện việc “cấp cứu” thành công nhiều tài liệu, ảnh, băng ghi âm của các nhà khoa học Việt Nam đang trong tình trạng hư hỏng, ẩm mốc, bụi bặm.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức