11:22 29/11/2015

Tiếp cận và triển khai giảm nghèo đa chiều

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công giảm nghèo, tuy nhiên, tỷ lệ có nguy cơ tái nghèo cao (chiếm trên 35%)khiến cho công tác giảm nghèo bền vững gặp rất nhiều thách thức.


Trước thực tế này, tiếp cận giảm nghèo đa chiều đang được xem là phương pháp để Việt Nam tiến hành giảm nghèo bền vững.

Nguy cơ tái nghèo cao

Tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 5% vào cuối năm 2015. Việt Nam vẫn còn 19 triệu người nghèo, trong đó 75% là người thiểu số. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người thuộc nhóm cận nghèo và luôn có nguy cơ tái nghèo trở lại.

Một trong những tiêu chí bình xét hộ nghèo theo đa chiều là phải có thẻ bảo hiểm y tế.

Gia đình anh Mùa A Giống ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) có nguy cơ “tái nghèo” nếu áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều: Tuy kinh tế ổn định vì được vay vốn làm ăn, có vài cặp dê, ít con vịt nhưng căn nhà của anh Mùa A Giống vẫn là nhà tạm, vợ và con anh không có bảo hiểm y tế, không có phương tiện tiếp cận thông tin, nhà tiêu chưa hợp vệ sinh… “Nếu xét hộ nghèo đa chiều thì đương nhiên nhà tôi sẽ là hộ nghèo mới”, anh Giống tâm sự.

Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Phương Hoa, (Nam Trực, tỉnh Nam Định) vừa mới thoát nghèo cách đây 2 năm. Giờ cả hai vợ chồng chị Hoa đều lên Hà Nội buôn bán hàng rong để lấy tiền trang trải cho con ăn học. “ Ở quê tôi, tất cả đều làm nông nên thu nhập sàn sàn nhau. Cuối năm, cán bộ thôn có họp bình bầu hộ nghèo, thì các hộ đều thống nhất bầu những hộ có người thường xuyên ốm đau là hộ nghèo, để còn hưởng bảo hiểm y tế. Các hộ còn lại đều có lao động đi làm thuê ở thành phố nên thu nhập cũng dễ thở hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng nghèo đa chiều thì nguy cơ tái nghèo của chúng tôi cao, do thu nhập rất bấp bênh”, chị Hoa cho biết.

“Việc xác định hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới toàn diện hơn trước, bởi ngoài tiêu chí thu nhập, có những tiêu chí cụ thể “mắt thấy” như việc người dân tham gia giáo dục, bảo hiểm y tế, nhà ở hợp vệ sinh… Trước đây, người dân thường né tránh việc điều tra, hoặc kê khai thu nhập vì nhiều hộ có tâm lý “muốn” nghèo, nên việc điều tra, bình xét thường rất khó”, thầy giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường THBT Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết.

Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, hiện nay Việt Nam có khoảng 130 văn bản chính sách ưu đãi cho rằng đồng bào DTTS và miền núi do các bộ, ngành và địa phương chủ trì triển khai thực hiện, góp phần làm thay đổi về mọi mặt ở vùng này. “Các chính sách đã đầu tư hỗ trợ con người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Ví dụ như: Ngay từ khi người mẹ mang thai, đứa trẻ trong bụng đã được chăm sóc về y tế, khi sinh ra được khám chữa bệnh miễn phí đến hết 6 tuổi, rồi đi học cũng được hỗ trợ và nhiều hỗ trợ khác khi đã trưởng thành cho đến lúc già là người có uy tín trong cộng đồng… Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của các chính sách lại chưa được như mong đợi, người nghèo thoát nghèo cũng không bền vững. Lý do là chúng ta lâu nay chưa thật sự chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, có chăng đào tạo xong cũng không thể bố trí việc làm cho họ, bởi các cơ quan đã đủ chỉ tiêu. Cũng do hạn chế về nhận thức, nên người dân tộc thiểu số ngày càng bị đẩy ra xa quá trình đô thị hóa, bởi không đáp ứng được nhu cầu hội nhập, nên mất dần không gian sinh tồn. Đây là nguyên nhân chính khiến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Đầu tư trọng điểm

Tốc độ giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi không đồng đều và chưa bền vững. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, với mức bình quân từ 5 - 7%/năm, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng lên gấp nhiều lần so với 5 năm trước đây. Trong khi đó, do có quá nhiều chính sách đối với hộ nghèo, vùng nghèo, làm cho nguồn lực bị phân tán, khó tổ chức lồng ghép. Cụ thể, hệ thống chính sách, chương trình giảm nghèo được thiết kế trong hầu hết các chương trình mục tiêu quốc gia (16 chương trình) và nhiều chính sách giảm nghèo (trên 8 lĩnh vực với khoảng 70 chính sách) đều được thực hiện trên một địa bàn.

Để giúp các nhóm hộ, vùng miền giảm nghèo hiệu quả, bền vững hơn, Việt Nam đang triển khai thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo bằng phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, chuẩn nghèo mới, giai đoạn 2016 - 2020 theo thu nhập đối với vùng nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng và thành thị là 900.000 đồng/người/tháng. Chuẩn nghèo đa chiều sẽ khắc phục được những điểm yếu của phương pháp nghèo thu nhập hiện nay, trên cơ sở 5 chỉ số đo lường là: Giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, ngay bước đầu triển khai thực hiện thí điểm điều tra nghèo đa chiều ở một số địa phương đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc khi chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều ở Việt Nam.

Theo ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, việc sử dụng tiêu chí đánh giá chất lượng nhà ở sẽ khó khăn, bởi cần xác định mái nhà làm bằng vật liệu gì, tường làm bằng gì, đo lường diện tích nhà ở và sẽ khó tránh khỏi cảm nhận chủ quan, sai lệch. Tương tự, đau ốm có người chăm sóc hay không có người chăm sóc cần được xác định như thế nào để đảm bảo tính khách quan. “Nếu điều tra viên không được tập huấn kỹ, làm cho xong chuyện sẽ khiến nhiều hộ bỗng dưng nghèo, hoặc thoát nghèo, thì dẫn đến việc chính sách sẽ không đầu tư đúng đối tượng”, ông Công trăn trở.

Ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho biết, nên tiếp cận các tiêu chí nghèo đa chiều để Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời. Như đối tượng không nghèo dịch vụ cơ bản mà nghèo thu nhập sẽ tập trung chính sách tạo sinh kế; ngược lại nếu không nghèo thu nhập và dịch vụ cơ bản thì có chính sách hỗ trợ tiếp cận. Chính sách tác động tới hộ nghèo sẽ không như nhau mà dựa trên nhu cầu thiếu hụt. Điểm mới trong “Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân cả nước trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh (Hải Dương): 

Khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, do sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, thuận lợi và khó khăn khác nhau, nên sự giãn cách giàu nghèo ở nước ta ngày càng tăng. Dù nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo, nhưng chưa có những giải pháp căn cơ cụ thể và nguồn lực có hạn. Do đó, chuyển từ xác định hộ nghèo theo thu nhập với cách tính bình quân sang cách xác định hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều sẽ khắc phục được những hạn chế của cách làm cũ. 

Rút kinh nghiệm của giai đoạn trước, trong giai đoạn tới, chúng ta phải đổi mới phương thức và cách làm của nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội trong hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo, chống bình quân bao cấp để sao cho một số hộ không còn cảm thấy may mắn, phấn khởi khi được đứng trong danh sách hộ nghèo. Theo đó, chính quyền cơ sở cần phải đi sâu sát để điều tra xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo đói của từng hộ, nhóm hộ thì mới có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả. Đối với các đối tượng còn lại nghèo do thiếu lao động, do chưa có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, do thiếu vốn, do gặp thiên tai, rủi ro, nghèo do tiêu pha không có kế hoạch, bóc ngắn cắn dài, do nghiện ngập, cờ bạc, hay ăn, lười làm… cần phải có chính sách riêng đối với từng nhóm đối tượng. 

Nhà nước không thể làm thay người nghèo mà chỉ nên đưa ra hình thức hỗ trợ phù hợp.


Minh Phúc - Xuân Minh