12:10 03/12/2020

Tiếp bước em đến trường nơi vùng cao biên giới - Bài cuối: Tạo sự lan tỏa trong cộng đồng

Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” xuất phát từ Đồn Biên phòng Thu Lũm đã cho thấy hiệu quả thiết thực.

Mô hình này được đông đảo cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cả nước tham gia, hưởng ứng và được nhân dân ghi nhận. Từ đây, mô hình được nhân rộng ra tại các Đồn Biên phòng ở tỉnh Lai Châu và nhiều tỉnh trong cả nước. Nhờ đó, hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ, nuôi dưỡng, tạo động lực, ý chí vươn lên.

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Chú thích ảnh
Trung úy Dì A De, Đội trưởng Đội Ma túy Đồn Biên phòng Thu Lũm dạy học cho cháu Mạ Đức Mạnh.

Có thể thấy, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” mang tính nhân văn sâu sắc, tạo điểm tựa vững chắc cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp bước đến trường. 

Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho hay: Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” là hoạt động thiết thực, ý nghĩa của lực lượng Biên phòng đối với sự nghiệp giáo dục vùng biên. Từ mô hình này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã nhân rộng ra toàn tỉnh. Đến nay, Lai Châu có 9 cháu có hoàn cảnh khó khăn được 4 Đồn Biên phòng Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Ủ, Sin Suối Hồ nhận nuôi tại Đồn. Trong đó, riêng huyện Mường Tè có 7 cháu được nhận nuôi tại 3/5 Đồn Biên phòng và 12 cháu được nhận đỡ đầu, hỗ trợ.

Ngoài nhận nuôi các cháu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu còn triển khai chương trình “Nâng bước em đến trường”. Chương trình này hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn từ lúc nhận đỡ đầu đến khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Hiện toàn tỉnh Lai Châu có 59 cháu được lãnh đạo Bộ Chỉ huy, các phòng, ban, 13 Đồn Biên phòng và Tiểu đoàn huấn luyện cơ động đỡ đầu, hỗ trợ. 

Đặc biệt, năm 2019, nhận thấy mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát động ra cả nước. Đến nay, mô hình được triển khai từ Bắc tới Nam tại nhiều Đồn Biên phòng ở các tỉnh như: Điện Biên, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang… Nhờ đó đã có nhiều cháu được đỡ đầu, nuôi dưỡng. 

 “Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân của lực lượng Bộ đội Biên phòng với nhân dân khu vực biên giới. Hiệu quả của mô hình là động lực để cán bộ, chiến sỹ Biên phòng cả nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng tiếp tục duy trì, phát triển, nhân rộng mô hình nhằm hướng về cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí; tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc”, Đại tá Đại tá Phan Hồng Minh cho biết thêm.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Chú thích ảnh
Trung úy Dì A De, Đội trưởng Đội Ma túy Đồn Biên phòng Thu Lũm cắt tốc cho cháu Mạ Đức Mạnh.

Từ hiệu quả thực tế mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, nhiều trường học, nhân dân trong cả nước đều mong muốn mô hình này ngày càng phát triển hơn nữa về số lượng, chất lượng. Thầy giáo Nguyễn Văn Duy, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm cho hay: Nếu không có mô hình này nhiều học sinh phải nghỉ học ở nhà làm nương, rẫy, khó có cơ hội được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Mặt khác, mô hình cũng tạo động lực thúc đẩy các em đi học đều hơn, giúp nhà trường nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Thầy Duy mong muốn, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu Lưu Hồng Phương cho biết: Thời gian qua, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” trên địa bàn tỉnh Lai Châu có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Khi các cháu được chiến sĩ Biên phòng nhận nuôi sẽ có điều kiện tốt hơn để đến trường, tỷ lệ chuyên cần nâng cao và yên tâm trong học tập. Thời gian tới, ngành giáo dục Lai Châu mong muốn, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” phát triển hơn nữa với nhiều cháu được nhận nuôi. Từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở những xã vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” cũng cho thấy, khi các cháu sống trong môi trường quân đội sẽ học được nhiều điều như: tính kỷ luật, sự gọn gàng, ngăn nắp...Ngoài ra, còn giúp các cháu dần tự tin giao tiếp, ăn nói lễ phép, hòa nhã với mọi người xung quanh.

Với những việc làm thiết thực trên, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã góp phần chia sẻ khó khăn với đồng bào biên giới, qua đó giúp học sinh nghèo có điều kiện tốt hơn để vững bước trên con đường học tập, hướng đến tương lai tươi sáng.

Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tiếp tục rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, đỡ đầu, tạo điều kiện cho các em đến trường. Bên cạnh đó tiếp tục phối hợp với các đơn vị nhà trường rà soát học sinh có học lực khá, giỏi để hỗ trợ các em học tiếp lên Cao đẳng, Đại học hoặc đi học nghề. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khuyến khích các Đồn Biên phòng tiếp tục nhận nuôi, đỡ đầu các em cả về số lượng và chất lượng.

Bài và ảnh: Hoàng Thùy Oanh (TTXVN)