02:11 26/02/2011

Tiếng súng chưa ngừng ở Libi

Ngày 25/2, 23 người đã thiệt mạng và 44 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình phản đối chính phủ tại thị trấn Az-Zawiyah (phía tây thủ đô Tripôli, Libi).

Ngày 25/2, 23 người đã thiệt mạng và 44 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình phản đối chính phủ tại thị trấn Az-Zawiyah (phía tây thủ đô Tripôli, Libi).

Theo thông tin đăng tải trên tờ Quryna (Libi), người ta cũng nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội ở thành phố lớn thứ ba Misrata, trong khi thị trấn Zouara giáp giới với Tuynidi đã rơi vào tay các nhóm biểu tình.

Nguồn tin của phóng viên hãng AFP cũng cho biết, các đường phố ở Tripôli trong những ngày gần đây thưa thớt người qua lại và thành phố lớn thứ hai Benghazi hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của những người phản đối Tổng thống Libi Moamer Kadhafi.

Người biểu tình Libi ở thành phố miền đông Benghazi.Ảnh: AFP-TTXVN


Trong tuyên bố phát trên đài truyền hình nhà nước ngày 25/2, Tổng thống Kadhafi cáo buộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đứng đằng sau những cuộc biểu tình ở Libi, đồng thời cảnh báo rằng làn sóng biểu tình sẽ đẩy nước này vào tình trạng bất ổn kéo dài.

Theo ông Kadhafi, Al-Qaeda muốn xây dựng “một tiểu vương quốc Hồi giáo” ở nước này và những cuộc biểu tình ở Libi có mối liên hệ với trùm khủng bố Osama bin Laden. Ông Kadhafi cũng cáo buộc Mỹ và phương Tây có dính líu tới tình trạng bất ổn tại Libi.

Cũng trong ngày 25/2, truyền hình nhà nước Libi đưa tin chính phủ nước này đã ra lệnh trợ cấp tiền mặt trên diện rộng, trong đó có việc nâng lương và trợ cấp thực phẩm cho người dân Libi. Tin cho hay mỗi gia đình sẽ nhận được 500 dinar Libi (khoảng 400 USD) nhằm giúp bù đắp giá cả thực phẩm tăng cao, đồng thời tiền lương cho công nhân trong một số khu vực sẽ tăng thêm 150%.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày đã tham vấn lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Italia về việc áp dụng các biện pháp tức thời nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Libi, trong đó không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley xác nhận quân đội Mỹ đã “tham gia đầy đủ” các cuộc thảo luận cấp cao về biện pháp đối phó của Oasinhtơn đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Libi và sẽ đánh giá các lựa chọn để trình Nhà Trắng.

Các nguồn thạo tin tiết lộ một số biện pháp có thể được áp dụng trong thời gian tới gồm yêu cầu HĐBA LHQ có biện pháp mạnh hơn, ủng hộ đề xuất của Mêhicô và Mỹ đòi trục xuất Libi khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ và lập vùng cấm bay. Một số biện pháp khác đang được cân nhắc gồm đình chỉ các giấy phép xuất khẩu của Libi, phong tỏa tài sản một số nhân vật ở Libi và cử lực lượng cứu trợ nhân đạo tới quốc gia Bắc Phi này.

Cũng trong ngày 25/2, châu Âu và Nga lên án việc sử dụng vũ lực đối với dân thường ở Libi là “không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo phương Tây không can thiệp vào công việc của nước khác. Tuyên bố chung của Liên minh châu Âu (EU) và Nga cũng kêu gọi tiến hành cuộc “đối thoại quốc gia” để giải quyết các khúc mắc tồn đọng trong xã hội.

Giữa bối cảnh bất ổn tại Libi chưa lắng dịu và làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tiếp tục dâng cao tại nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi như Baranh, Irắc, Gioócđani, Yêmen…, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde cảnh báo tình trạng trên đang gây xáo trộn trên các thị trường hàng hóa thế giới.

Bà Lagarde nhấn mạnh hòa bình cần phải được lập lại tại những quốc gia nêu trên “càng sớm càng tốt”. Khủng hoảng chính trị tại Libi đã đẩy giá dầu Brent trên thị trường Luân Đôn ngày 24/2 tăng vọt lên gần 120 USD/thùng - mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Thủ tướng Nga Putin cảnh báo rằng sự tăng tốc của giá dầu trong bối cảnh khủng hoảng của Libi là “một mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới”.

Hồng Hạnh (tổng hợp)