04:22 28/04/2015

Tiếng cười bỏ rơi bão tố

Không thể có hạnh phúc nào hơn khi giữa sóng gió trùng dương tưởng như chỉ có âm thanh của tiếng sóng ta vẫn được lắng nghe và bắt gặp những giọng nói, tiếng cười yêu đời, rạng rỡ hân hoan trên vùng biển đảo thiêng liêng hai tiếng Trường Sa.

Không thể có hạnh phúc nào hơn khi giữa sóng gió trùng dương tưởng như chỉ có âm thanh của tiếng sóng ta vẫn được lắng nghe và bắt gặp những giọng nói, tiếng cười yêu đời, rạng rỡ hân hoan trên vùng biển đảo thiêng liêng hai tiếng Trường Sa.

PV báo Tin Tức và các em nhỏ trên đảo Trường Sa.



Chiến sỹ Nhuyễn Thanh Sơn, năm nay 20 tuổi quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang làm nhiệm vụ tại đảo chìm Đá Lớn điểm B, quần đảo Trường Sa cười rất hiền, thủ thỉ tâm sự: “Em mới ra đảo được mấy tháng thôi, nhưng cũng đã quen với sóng nước mênh mang. Ở đây, các cán bộ chiến sỹ như một gia đình, yêu thương nhau lắm, anh em chiến sỹ đàn hát suốt với nhạc sóng. Nhưng cũng nhớ nhà chị ạ. Có những lúc đứng trên đảo mà mắt hướng về đất liền, thầm gọi bố mẹ ơi, con vẫn khỏe, bố mẹ yên tâm nha!”.

Nụ cười hiền của chiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, đảo Đá Lớn B.



Cũng như Sơn, trẻ lắm và hiền lắm, những người lính đảo đến từ khắp mọi vùng miền của Tổ quốc, nhưng cùng chung điệu cười rất hiền, ngượng ngùng khi trò chuyện. Chiến sỹ Trương Quang Phát, quê ở Thành phố Hồ Chí Minh đang công tác ở đảo Tiên Nữ hay chiến sỹ Nguyễn Huy Tiến, quê Hà Nội đang ở đảo Tốc Tan B đều ở lứa tuổi 20 chưa một lần cầm tay bạn gái. “Chúng em tự hào là chiến sỹ Trường Sa, dù biết sẽ có những thử thách, khó khăn, nhưng chúng em đều tự nguyện, xác định dù có phải hy sinh cũng vẫn chắc tay súng bảo vệ vùng trời biển đảo thiêng liên của Tổ quốc, đất liền cứ yên tâm nhé!”. Nói rồi, Tiến lại cười. Những nụ cười hiền khô nở trên những gương mặt còn rất trẻ nhưng đã đen sạm bởi nắng gió Trường Sa.
.

Chiến sỹ Nguyễn Huy Tiến trò chuyện với Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an Hà Nội tại đảo Tốc Tan B.



Nhìn và nghe tiếng cười trong veo của các em bé, nụ cười rạng rỡ của các bà mẹ trên đảo Trường Sa cũng đã đủ thấy sự tươi đẹp, bình yên tràn ngập quần đảo này. “Gia đình em sống ở đây, vui lắm, yên tâm lắm chị! Trước ở quê chưa bao giờ biết múa hát, nay ra đây tham gia đội văn nghệ, hội phụ nữ, mặc áo dài, mặc váy... Các anh bộ đội rất quan tâm, tình cảm, cả đảo là một gia đình! Con em được bộ đội dạy học tận tình, có khó khăn gì các anh cũng sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ. Gia đình em có thu nhập khá hơn nhờ đánh bắt hải sản, chỉ muốn sống mãi ở đây...”, chị Võ Thị Thu Sai, 28 tuổi, quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa cười tươi khi chuyện trò về cuộc sống trên đảo với chúng tôi. Thăm các gia đình trên đảo, chúng tôi đều được nghe âm thanh giòn tan của tiếng cười con trẻ và nét mặt rạng rỡ của từng ngư dân nơi đây...

Những chủ nhân tương lai trên đảo Tốc Tan B.


Ba mẹ con hạnh phúc trên đảo Trường Sa.



Ấm áp hơn cả là nụ cười hiền từ của Đại đức Thích Pháp Đạt, Trụ trì chùa Trường Sa lớn. Năm thứ hai làm trụ trì ở nơi đảo xa, Đại đức thương lắm những chiến sỹ và ngư dân nơi đây: “Nơi đảo xa là thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, có những hiểm nguy rình rập. Tôi trụ trì ở đây, thật hạnh phúc khi cảm nhận được các chiến sỹ và bà con nơi đây an nhiên, vững vàng hơn khi nghe tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ. Và khi đặt chân vào ngôi chùa thì thấy như ở nơi quê nhà, tiếp thêm tinh thần và sức mạnh cho các chiến sỹ ở nơi biển đảo...”


Biết rằng Trường Sa vẫn hàng ngày phải đối diện với khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, những thách thức không nhỏ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống, nhưng những tiếng cười con trẻ khiến cho ai một lần đến Trường Sa đều cảm nhận và thấm hiểu rằng, nơi đây sẽ mãi yên vui và linh thiêng, không điều gì có thể làm thay đổi được: “Nơi tiếng cười bỏ rơi bão tố/Biển trời này chẳng còn ngại phong ba/Trường Sa đây mãi mãi sẽ là nhà/Chắn sóng gió giữ bình yên Tổ quốc...”. Và bỗng dưng trong tôi những câu thơ cứ thế tuôn trào...

Thượng tá Nguyễn Mạnh Ngời, Trưởng phòng Dân vận, Bộ Tư lệnh thủ đô: Cách đây 20 năm, tôi đã từng là sỹ quan quân đội công tác tại quần đảo Trường Sa. Lần này thăm lại Trường Sa, thăm đảo Đá Lớn là nơi tôi từng công tác, cảm nhận đầu tiên tôi thấy tinh thần của cán bộ chiến sỹ nơi đây vẫn giữ nguyên sự vững vàng, trách nhiệm và quyết tâm cao giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. So với cách đây 20 năm, cuộc sống của cán bộ chiến sỹ được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn rất nhiều lần. Cơ sở ăn ở, sinh hoạt đảm bảo. Đời sống tinh thần đặc biệt là về phương tiện nghe nhìn và truyền thông chiến sỹ được thường xuyên thông tin với quê hương, so với trước đây chúng tôi phải 6 tháng mới được thông tin về đất liền một lần. Đây là điều vô cùng quan trọng với cán bộ chiến sỹ Trường Sa. Tôi mong Đảng, Nhà nước, nhân dân tiếp tục quan tâm hơn nữa tới Trường Sa, nhất là về đời sống tinh thần, để động viên anh em quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Hà Nội luôn hướng về biển đảo và có nhiều hành động thiết thực cho Trường Sa của chúng ta. Ngày 19/4 vừa qua, đoàn công tác của Hà Nội đã đến đảo Tốc Tan B để làm lễ khánh thành Nhà văn hóa đa năng do Hà Nội đầu tư tại đây. Đến nay Hà Nội đã đầu tư vào Trường Sa tổng trị giá trên 140 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục đầu tư nữa. Tôi rất mong các địa phương khác cũng làm giống như Hà Nội cho Trường Sa của chúng ta!

Ông Đỗ Văn Vẻ, đại biểu Quốc hội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen: Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc và yên lòng khi chứng kiến cuộc sống của chiến sỹ và bà con nơi đảo xa, khi rau xanh, nước ngọt, thực phẩm... tại nhiều đảo đã được đáp ứng. Nhưng tôi vẫn trăn trở, giá như việc xã hội hóa đầu tư cho Trường Sa được thực hiện tốt hơn; có địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... quan tâm đầu tư các công trình lớn nhỏ ở nơi đây thì Trường Sa sẽ vững vàng nơi đầu sóng hơn nhiều.



Ninh Hồng Nga