10:07 14/10/2013

Tiếng chuông chùa và cúc vàng tiễn Người vào cõi vĩnh hằng

Tiếng chuông trầm hùng của tháp chuông trên Vũng Chùa đã vang lên trong suốt hành trình đưa Người về với đất mẹ. Không gian nơi yên nghỉ của Người mênh mang giữa rừng và biển... màu vàng rực rỡ của những bông cúc trên tay những người dân Quảng Bình, đã tô điểm sự ấm áp cho đám tang của Đại tướng.

Tiếng chuông trầm hùng của tháp chuông trên Vũng Chùa đã vang lên trong suốt hành trình đưa Người về với đất mẹ. Không gian nơi yên nghỉ của Người mênh mang giữa rừng và biển, nhìn thẳng ra Đảo Yến nên thơ. Và cùng với đó, màu vàng rực rỡ của những bông cúc trên tay những người dân Quảng Bình, đã tô điểm sự ấm áp cho đám tang của Đại tướng.


Con dân Quảng Bình đã đổ về đây - Vũng Chùa. Người ken người, đông chật các mô đất, các triền núi, trải dài suốt bãi biển. Nhiều người cố níu lấy bậu thềm của tháp chuông để được nhìn rõ hơn.

 

Đông đảo người dân đến dự Lễ an táng Đại tướng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình). TTXVN


Trời Quảng Bình sau những ngày mưa và trước những ngày bão, nóng tới 37 độ C, oi ả, khiến nhiều người mệt lả. Những chiếc ô được giương lên đủ màu, những chiếc mũ tai bèo xuất hiện khá phổ biến để chống chọi với nắng nóng. Nhưng không một ai rời vị trí trong suốt cả hành trình tiễn đưa Đại tướng. Nhiều người, trong đó rất đông các cụ già, thậm chí còn túc trực từ sáng sớm để chờ tới lúc đoàn xe tang đến nơi.


Tâm trí và sức lực của người dân Quảng Bình cả tuần qua đã hướng về Vũng Chùa. Thật vinh dự khi Đại tướng đã chọn nơi đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng, thật vinh dự khi con dân Quảng Bình từ nay đã có thể gần gũi hơn với Đại tướng, thế nên sức người, sức của đều được huy động, thần tốc.


Hành trình của Người đã đúng như dự định. 16 giờ lễ hạ huyệt bắt đầu. Đại tướng đã được về với "khúc ruột miền Trung", trong tiếng ru của rì rào gió biển và chuông chùa ngân vang vào thinh không. Cả cuộc đời 103 năm cống hiến cho dân cho nước, giờ Người đã nghỉ ngơi. Những chuyện còn lại, hàng chục triệu con cháu Người sẽ tiếp bước Người...


Không có nhiều nước mắt trên những gương mặt sạm màu nắng gió Quảng Bình của những người dân tiễn đưa Người, nhưng nỗi đau sẽ là khôn nguôi. Nhưng giờ là lúc có thể tạm gạt nước mắt, để nhìn thật kỹ, ngắm thật sâu những hình ảnh cuối cùng của Quốc tang Người, ghi nhớ những hình ảnh cuối cùng của Người trong tim mình... Hành trình của xe tang đi giữa cả rừng người, có những lúc phải nhích từng bước. Đồng bào, và đông đảo những người lính của Người, trang phục chỉnh tề, đã tề tựu tại đây, trên tay ai cũng có một bông cúc vàng, nhiều người dâng cao di ảnh của Người. Những bông cúc, những khung ảnh được giơ cao, và xe tang nhích dần trong vòng tay lớn của tình dân. Khó nhọc một chút cho việc di chuyển, nhưng là ấm áp cho Người, ấm áp cả cho mỗi chúng ta, khi tình cảm đang được nối từ Thủ đô vào đến quê hương Đại tướng...


Tình cảm nối dài trong 2 ngày diễn ra Quốc tang, chắc chắn là vậy. Òa khóc trong lễ truy điệu Người tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) sáng 12/10, bà Nguyễn Thị Huệ (62 tuổi), cựu nữ pháo binh Ngư Thủy, chia sẻ: "Nhận được tin Bác Giáp qua đời, lòng tôi quặn thắt. Nghĩ về Người, thương nhớ Người, nước mắt tôi cứ tuôn trào. Trong cuộc đời mình, tôi đã vinh dự 3 lần được gặp Bác Giáp, đây là điều vô giá với tôi. Lần nào gặp, Bác Giáp cũng cầm tay chúng tôi, ân cần hỏi thăm và không quên dặn dò chúng tôi trước khi từ biệt. Bác đã đi rồi, vậy là từ nay vĩnh viễn không còn được gặp và được nghe những lời dặn dò của Bác nữa rồi, Bác ơi…”. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm màu sương gió của bà Huệ, khiến cho 10 nữ pháo binh Ngư Thủy năm xưa, cùng đến viếng Đại tướng, cũng òa khóc nức nở...


Lục tìm trong tủ bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, ông Nguyễn Thoan, người con của dân tộc Bru - Vân Kiều (Ngân Thủy, Lệ Thủy), cũng đã đến viếng Đại tướng từ sớm ngày 12/10. Đứng trước di ảnh của Đại tướng, ông thầm khấn: “Bác ơi, chúng con từ núi rừng xa xôi đã về đây viếng Bác. Thương nhớ Bác lắm, Bác ơi. Khi còn sống, lúc nào Bác cũng dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào chúng con, chúng con sẽ cố gắng sống, lao động và học tập thật tốt để không phụ những lời căn dặn của Bác với đồng bào chúng con”.


Không gần gũi như vậy, nhóm 3 sinh viên từ TP Hồ Chí Minh đã đạp xe trong 4 ngày (từ 8/10), vượt qua chặng đường dài để đến Quảng Bình viếng Đại tướng. Sinh viên Bùi Quốc Quân, chia sẻ: "Chúng em muốn tri ân Đại tướng bằng hành động cụ thể, đó là đạp xe từ "Thành đồng Tổ quốc" về Đất mẹ Quảng Bình của Đại tướng để được tiễn biệt người về nơi an nghỉ cuối cùng".


Lê Sơn - P.V