11:11 09/11/2010

Tiền tăng giá - Vấn đề không dễ giải quyết của châu Á

Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist (Nhà kinh tế), ngày 5/11, cho rằng dòng tiền tràn ngập từ các nước phát triển đã đẩy đồng tiền của các nước châu Á vào xu hướng tăng giá mới vì các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist (Nhà kinh tế), ngày 5/11, cho rằng dòng tiền tràn ngập từ các nước phát triển đã đẩy đồng tiền của các nước châu Á vào xu hướng tăng giá mới vì các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của khu vực vẫn thận trọng với việc tăng giá tiền tệ. Dòng tiền mới đổ vào nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự can thiệp lớn hơn vào thị trường ngoại hối ở khu vực này.

Đối với Mỹ, việc các đồng tiền châu Á, đặc biệt là đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, tăng giá nhanh hơn là rất cấp thiết để giúp tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu. Các đồng tiền châu Á mạnh hơn sẽ thúc đẩy nhập khẩu của khu vực và do đó sẽ giảm thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn miễn cưỡng trong việc cho phép đồng tiền của mình tăng giá nhanh hơn. Thực tế thì kể từ khi nước này tuyên bố áp dụng cơ chế hối đoái linh hoạt hồi tháng 6/2010 đến nay, NDT chỉ tăng giá 3% so với đồng USD và thực tế là NDT giảm giá nếu tính theo tỷ trọng thương mại.

Trong khi đó, đa số các đồng tiền khác trong khu vực như đồng baht của Thái Lan, đồng ringgit của Malaixia, đồng yên của Nhật Bản đều đã tăng giá nhanh hơn so với USD. Do đó, chính phủ các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước cạnh tranh xuất khẩu mạnh với Trung Quốc, lo ngại về việc mất khả năng cạnh tranh. Các nước này sẽ thận trọng trong việc cho phép đồng tiền của mình tiếp tục tăng giá mạnh so với USD, trừ khi Trung Quốc cũng thực hiện như thế.

Vậy có cách nào khác thay thế cho việc tiếp tục tăng giá tiền tệ hơn nữa? Có một số ngoại lệ đáng chú ý, cơ quan quản lý tiền tệ các nước châu Á đã sử dụng các quy định để can thiệp vào thị trường hối đoái để giữ khả năng cạnh tranh cho đồng tiền của mình. Khả năng tiếp tục can thiệp dường như là điều không thể tránh khỏi do lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu.

Mặc dù việc hạn chế tăng giá đồng tiền là có lý, nhưng can thiệp vào thị trường hối đoái sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Chính phủ các nước châu Á phải mua USD để giữ đồng tiền của mình khỏi tăng giá và để mua USD, họ lại phải in thêm tiền. Để việc in thêm tiền không dẫn đến lạm phát, chính phủ các nước lại phải cố gắng làm cho nguồn cung tiền không tăng lên bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ để thu về nguồn tiền dư thừa. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc ngăn chặn nguồn cung tiền tăng lên cũng thành công. Do vậy, can thiệp trên quy mô rộng có nguy cơ dẫn đến lạm phát trong một thời gian dài.

Chính sách đối phó với lạm phát tăng thường là tăng lãi suất. Thực tế, dù đa số các nước châu Á đã tăng lãi suất từ mức thấp trong thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng đa số lãi suất vẫn rất thấp so với tốc độ phục hồi. Tuy nhiên, tăng lãi suất hiện nay cũng có thể có những phản tác dụng vì nó có thể dẫn đến việc thu hút thêm dòng vốn đổ vào, làm tăng thêm áp lực tăng tỷ giá hối đoái và có nguy cơ tăng thêm áp lực lạm phát. Thay vào đó, các cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia đang sử dụng hàng loạt chính sách vĩ mô thận trọng để hạn chế lạm phát tăng như tăng yêu cầu dự trữ của các ngân hàng thương mại, tăng yêu cầu mức trả tiền mặt tối thiểu cho các khoản thế chấp. Trong năm qua, một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách thận trọng vĩ mô dưới các hình thức khác để thắt chặt chính sách tiền tệ mà không tăng lãi suất.

Một chính sách khác là chặn dòng tiền nóng chảy vào bằng cách đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn. Mặc dù Trung Quốc tiếp tục duy trì việc kiểm soát vốn chặt chẽ, nhưng xu hướng chung của khu vực trong những năm gần đây là hướng tới việc dần nới lỏng việc kiểm soát vốn. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Inđônêxia, Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan đã thử nghiệm các hình thức kiểm soát vốn khác nhau. Trong ngắn hạn, kiểm soát vốn có thể trở nên phổ biến hơn. Về lâu dài, kiểm soát vốn có thể trở nên quyết liệt hơn nhằm tiếp tục ngăn chặn các dòng tiền nóng chảy vào.

Với nền tảng kinh tế của châu Á vững chắc và việc các nước phát triển đặc biệt nới lỏng tiền tệ, các đồng tiền châu Á chịu áp lực tăng giá rất lớn. Tuy nhiên, trong khi việc tiếp tục tăng giá là không thể tránh khỏi, các nước châu Á sẽ không cho đồng tiền của mình trở nên quá đắt đỏ, đặc biệt nếu Trung Quốc tiếp tục can thiệp mạnh để NDT không tăng giá. Điều này cho thấy cơ quan quản lý tiền tệ các nước trong khu vực sẽ dựa hơn nữa vào việc kiểm soát vốn và can thiệp vào thị trường hối đoái. Lãi suất sẽ tiếp tục được nâng lên một cách từ từ, trừ khi lạm phát tăng mạnh.

Đình Thư (P/v TTXVN tại New York)