08:08 26/08/2012

Tiến sỹ xin thủ khoa... 3 năm tuổi trẻ

“Tôi muốn các em sống có lý tưởng, sống thật, sống hết mình cho dân tộc, cho nhân dân, cho cách mạng”, TS văn học Đoàn Hương nói với 107 thủ khoa xuất sắc tại cuộc giao lưu “Thắp sáng ước mơ thủ khoa Hà Nội”, kỷ niệm 10 năm chương trình tuyên dương Thủ khoa Hà Nội chiều 25/8.

“Tôi chỉ xin các em 3 năm tuổi trẻ… Tôi muốn các em sống có lý tưởng, sống thật, sống hết mình cho dân tộc, cho nhân dân, cho cách mạng”, TS văn học Đoàn Hương nói với 107 thủ khoa xuất sắc chiều 25/8, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong cuộc giao lưu “Thắp sáng ước mơ thủ khoa Hà Nội”, kỷ niệm 10 năm chương trình tuyên dương Thủ khoa Hà Nội.


Làm những việc cụ thể cho dân tộc mình

Khu nhà Thái Học của Văn Miếu Quốc Tử Giám với sự có mặt của hàng trăm người cùng dự buổi giao lưu với 107 thủ khoa đã nóng lên bởi những chia sẻ, gửi gắm lý tưởng sống và trao sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ, đặc biệt là những thủ khoa xuất sắc giữa các bạn trẻ và Tiến sĩ Văn học Đoàn Hương, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và thủ khoa xuất sắc của Hà Nội năm 2004- Vũ Văn Sơn.


Trao đổi bằng cả nhiệt huyết, TS Đoàn Hương xúc động: “Chúng tôi muốn trao "ngọn đuốc" cho các em. Tôi muốn các em hãy cầm chắc lý tưởng cách mạng vì chính cuộc đời các em.


“Đất nước luôn luôn cần sự hy sinh. Hà Nội hiện giờ đang có rất nhiều vùng sâu vùng xa. Trong số các em ở đây, ai dám bỏ 3 năm tuổi trẻ của mình để đến những nơi đó để truyền trí thức?”, TS Đoàn Hương nói.

         

TS Đoàn Hương: "Chúng tôi muốn trao ngọn đuốc cho các em. Tôi muốn các em hãy cầm chắc lý tưởng cách mạng vì chính cuộc đời các em".


Đáp lại câu hỏi là lác đác một vài cánh tay lác đác giơ lên. TS Đoàn Hương chùng giọng: “Nông thôn đang cần các em. Tôi chỉ xin các em 3 năm tuổi trẻ để xuống đó, làm một thầy giáo bình thường để dạy học ở những trường cấp hai, cấp ba. 3 năm quá ít so với tuổi trẻ. Tôi muốn các em sống có lý tưởng, sống thật, sống hết mình cho dân tộc, cho nhân dân, cho cách mạng”.


Được các nhà khoa học và chuyên gia nổi tiếng thực sự thân tình và mở lòng, các thủ khoa đã không ngần ngại bày tỏ nhiều băn khoăn. Một nữ thủ khoa Đại học Nông nghiệp mạnh dạn bày tỏ: “Hiện nay em đang được làm việc tại một phòng nghiên cứu và rất đam mê với công việc này. Nhưng qua nửa năm làm việc, em rất buồn khi thấy có nhiều công trình nghiên cứu đã được nghiệm thu mà rất ít được áp dụng trong thực tế. Em thực sự mong muốn biết làm thế nào để những công trình khoa học nhất là khoa học kỹ thuật có tác dụng lớn trong thực tế đó không còn bị xếp trên giá sách mà sẽ được áp dụng vào sản xuất?”.


Là người làm khoa học lâu năm, TS Đoàn Hương rất cảm thông với tâm tư của nữ thủ khoa mới bắt đầu dấn thân vào con đường khoa học, nữ thành thực khuyên: “Hãy làm những việc rất cụ thể cho dân tộc mình. Đừng nghiên cứu những cái ảo vọng quá!”. TS Đoàn Hương cũng thành thực khuyên: “ Bạn nên bỏ một thời gian để làm thêm, học thêm lên cao hơn. Không phải là vấn đề bằng cấp mà vì trong quá trình học, các em sẽ tiếp nhận được những kiến thức cho mình”.


Thừa nhận rằng làm khoa học là rất gian nan với mức lương nghiên cứu còi cọc nhưng TS Đoàn Hương vẫn tha thiết: “Tôi muốn các thủ khoa hãy đi theo con đường khoa học, vì các em có tiền đề là kết quả học tập xuất sắc trong các trường đại học. Các em hãy chịu khó mà đi. Nông nghiệp cần có các nhà khoa học. Nông nghiệp nước nhà cần có các em!”


“Các bạn hãy chịu khó làm việc đi. Rồi trái cây sẽ rụng vào tay người hái quả. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết như thế. Tôi hy vọng trái cây sẽ rụng vào tay các em, dẫu có muộn màng, chậm hơn những người khác, nhưng nó sẽ rụng một cách chắc chắn, và đó là của chính các em”, TS Hương khích lệ các thủ khoa.


Cần đặt mục tiêu: Cống hiến


Bên cạnh nỗi lo lắng về chuyên môn, không ít thủ khoa cũng rất trăn trở với nhiều vấn đề khó khăn của đất nước đang phải đối mặt. “Giới trẻ như chúng em hiện nay làm thế nào để đóng góp công sức của mình để đưa đất nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình?”, một thủ khoa đã đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.


Trả lời thắc mắc này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: Nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình hiện nay đã tương đối rõ. Nhưng Đảng và nhà nước ta đang quyết tâm rất cao để đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cáu nền kinh tế. Đó là con đường để chúng ta tránh bẫy thu nhập trung bình. Trong đó, nhân tố để phát huy tốt nhất là nhân tố con người. Ở đây không phải là lao động giá rẻ mà phải là lao động có kỹ năng, trí tuệ để làm ra sản phẩm có giá trị cao hơn, năng suất lao động cao hơn, tạo thu nhập nhiều hơn.

         

Hàng trăm bạn tân thủ khoa chăm chú hướng về những lời chia sẻ của các vị khách mời


Theo bà Phạm Chi Lan, đất nước ta đang sở hữu lợi thế là dân số trẻ. Lợi thế thời kỳ dân số vàng sẽ kết thúc vào khoảng năm 2025. Từ nay đến lúc đó, chính các bạn thủ khoa ngồi đây sẽ chính là những người làm việc và đóng góp nhiều nhất. Đây là thời kỳ sung sức nhất của các bạn, có thể mang những kỹ năng mình học được ở nhà trường ra để đóng góp. Ở bất cứ vị trí nào các bạn cũng đều có thể đóng góp vào việc đưa đât nước mình thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Riêng các thủ khoa trọng trách nhiều hơn: đến những vùng khó khăn giúp đỡ những người chưa có điều kiện để học hành như các bạn, tiếp thu thêm những kiến thức mới, kỹ năng mới…


Nữ chuyên gia kinh tế chân thành nhắn nhủ: Các bạn thủ khoa hãy kiên trì và biết ứng dụng những điều mình đã học được vào thực tế. Những bạn tốt nghiệp đại học xong nên làm việc khoảng 2-3 năm để có thực tế. Phải làm việc mới biết kiến thức bạn có đã đủ hay chưa? Còn thiếu còn hổng chỗ nào? Lúc bấy giờ mới quyết định học gì, học như thế nào?


Với những bạn trẻ có ý định đi học ở nước ngoài, theo bà Phạm Chi Lan, đó là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng vì điều kiện học tập ở nước ngoài tốt hơn. Học xong, làm việc ở đó hoặc quay về nước ngay đều được, tùy điều kiện từng người.


Có những lĩnh vực nếu các bạn quay về làm việc ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn, bởi thực tế cũng có nhiều người Việt Kiều đã và đang muốn quay về nước làm việc. “Nhưng tôi chỉ muốn nói: Học gì thì học, làm gì thì làm cũng phải đặt cho mình một mục tiêu là mình làm việc là để cống hiến”, bà Phạm Chi Lan nói.


Danh hiệu thủ khoa- lợi thế cũng là áp lực


Cùng với sự có mặt của TS Đoàn Hương và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những chia sẻ của thủ khoa Vũ Văn Sơn, người từng được vinh danh thủ khoa xuất sắc năm 2004 trở lại Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng đã mang đến thông điệp đáng quý cho các bạn tân thủ khoa. Anh nói: “Các bạn giúp tôi sống lại cảm xúc của mình 8 năm trước khi cũng được vinh danh. Tôi hiểu cảm giác của các bạn ngồi đây. Được vinh danh, vinh dự, tự hào lắm. Vui khi nghĩ về bố mẹ ông bà những người thân trong gia đình. Xúc động vì sau một khoảng thời gian mình học tập thì cũng đã được ghi nhận. Cộng với một chút lo lắng vì không biết vinh danh xong thì mình bước vào quá trình công tác thì có thành công?”


Sau khi được tôn vinh, qua 8 năm trải nghiệm trong trường đời, Sơn nhận thấy được vinh danh là một động lực, vinh dự rất lớn với mỗi bạn. Có những lúc điều đó tạo động lực cho ta phấn đấu. Nhưng không phải là lợi thế trong tất cả mọi công việc. “Có những lúc đây chính là áp lực cho chính ta trong công việc. Nếu làm tốt công việc, thì ai cũng bảo như thế mới là thủ khoa. Nhưng nếu làm không tốt thì người ta lại đánh giá là tại sao không làm được? Chính vì thế, chúng ta lúc nào cũng phải nỗ lực, cố gắng. Như vậy thì sẽ ngày càng đạt được nhiều thành công hơn”.


Được đối thoại, giao lưu với nhà khoa học- Tiến sĩ Văn học Đoàn Hương, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thủ khoa xuất sắc của Hà Nội năm 2004- Vũ Văn Sơn là cơ hội cho 107 thủ khoa được tiếp thêm động lực, trước chặng đường đời phía trước “hứa hẹn” rất nhiều thử thách, gian lao. Thủ khoa Đại học Bách Khoa Hoàng Đức Khánh khẳng định: “Mặc dù hôm nay được vinh danh thủ khoa xuất sắc nhưng em nghĩ, sau này khi làm việc, nếu làm không tốt thì cũng bị sẽ bị loại. Em cho rằng, sự khiêm tốn, tinh thần ham học hỏi phải luôn đặt lên hàng đầu”.



Mạnh Minh