03:22 12/03/2013

Tiền gửi tiết kiệm và… bất động sản!

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có kiến nghị cực “sốc”: Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, để chuyển hướng dòng tiền đầu tư cho sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản.

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có kiến nghị cực “sốc”: Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, để chuyển hướng dòng tiền đầu tư cho sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản. Ngay lập tức, kiến nghị và những giải thích của HoREA đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Theo giải thích của HoREA, việc đưa ra kiến nghị này không ngoài mục đích tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nếu tiền nhàn rỗi trong dân không được đầu tư vào sản xuất, mà cứ gửi ngân hàng, sẽ làm cho nền kinh tế càng khó khăn hơn.

 

Sau khi được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiến nghị của HoREA đã được nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngành ngân hàng, thuế, tài chính... phân tích, mổ xẻ. Có ý kiến cho rằng, kiến nghị nêu trên không chỉ thể hiện sự lấn sân, “lợi ích nhóm”, mà còn có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về thuế, về hoạt động của tổ chức tín dụng... Nói cách khác, đó là kiến nghị thiếu tính khả thi, vì nó không xuất phát từ thực tiễn, cũng không dựa trên các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Bởi lẽ, ai dám đảm bảo người dân sẽ dùng tiền nhàn rỗi không gửi tiết kiệm để mua nhà, mua đất, đầu tư bất động sản? Nếu cho rằng người dân sẽ đem tiền đó để đầu tư sản xuất kinh doanh cũng không có cơ sở, bởi đâu phải ai có tiền cũng có thể tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả? Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng như thanh toán không dùng tiền mặt, gửi tiết kiệm để ngân hàng có vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, nền kinh tế, thì kiến nghị đánh thuế thu nhập cá nhân đối với người gửi tiết kiệm chẳng khác gì đi ngược lại chủ trương này. Mặt khác, việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm cũng làm nảy sinh tình trạng thuế chồng thuế, vì theo các chuyên gia kinh tế, ngay khi nhận các khoản tiền lương, thưởng, người dân đã phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế (nộp thuế thu nhập cá nhân).


Về khía cạnh xã hội thì đa số người hưu trí, người già, người có thu nhập thấp phải tích cóp tiền bạc gửi tiết kiệm để tích lũy, lo cho tương lai, phòng ngừa với bất trắc trong cuộc sống... mà đi đánh thuế trên phần lãi ít ỏi của họ là việc làm thiếu đạo lý. Việc đánh thuế thêm cả tiền gửi tiết kiệm sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động huy động vốn và cho vay của các ngân hàng, khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn. Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện tại có tới 70-80% nguồn vốn cung cấp cho nền kinh tế là từ hệ thống ngân hàng. Nguồn vốn đó chủ yếu là từ tiền gửi tiết kiệm của người dân. Chưa kể, gửi tiết kiệm hiện nay khó có thể coi là kênh đầu tư tốt vì lãi suất gửi tiết kiệm thực tế chỉ bù lại được khoản trượt giá hằng năm.


Như vậy, xét trên nhiều khía cạnh thì rõ ràng kiến nghị của HoREA là không thể chấp nhận. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội…, thì việc người dân gửi tiền vào ngân hàng cần được khuyến khích thông qua chính sách cụ thể, bởi đó là cách gián tiếp họ góp công, góp của làm giàu cho đất nước, cho xã hội.

 

Yến Nhi