06:07 02/06/2017

Tiền Giang đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho công nhân

Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất, miễn các khoản thuế… để tạo điều kiện cùng các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.

Chung tay xây nhà ở cho công nhân

Chị Phan Thị Mỹ Nương rời quê An Giang lên Tiền Giang làm việc tại Công ty cổ phần Hùng Vương (thành phố Mỹ Tho) từ năm 2002. Từ năm 2007 đến nay, chị được công ty bố trí vào ở trong khu nhà ở do công ty xây dựng dành riêng cho công nhân của mình. Chị Nương cho biết, 10 năm nay, chị đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá khi không phải trả tiền thuê nhà trọ hàng tháng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thư, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Hùng Vương, cho biết khu nhà mà chị Nương đang ở có 40 căn với diện tích mỗi căn 85m2, được xây dựng vào năm 2007 với giá trị trên 10 tỷ đồng. “Hiện có 150 công nhân đã sinh sống ở đây được 10 năm. Công nhân được ở miễn phí, không phải trả thêm bất kỳ khoản nào ngoại trừ tiền điện, nước hàng tháng”, chị Thư cho biết. Theo chị Thư, hiện công ty có khoảng 1.200 công nhân, nhưng số công nhân có nhu cầu về nhà ở chỉ 30-40%, vì nhiều công nhân muốn ra ngoài sống thoải mái hơn.

Khu nhà ở miễn phí dành cho công nhân của Công ty cổ phần Hùng Vương.

Không chỉ có Công ty cổ phần Hùng Vương, nhiều công ty khác cũng đã tự bỏ tiền ra xây dựng nhà ở cho công nhân của mình như Công ty Vạn Đức, Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty TNHH Long Uyên…

Ông Lê Xuân Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho biết hưởng ứng chính sách kêu gọi của UBND tỉnh về vấn đề chăm sóc, tạo điều kiện để người công nhân gắn bó, làm việc lâu dài với công ty, dù nguồn lực của công ty còn hạn chế nhưng đơn vị đã mạnh dạn bỏ ra trên 20 tỷ vào năm 2011 để đầu tư 4 khu nhà ở cho công nhân, trong đó 3 khu ở Tiền Giang và 1 khu ở Bến Tre. Riêng ở Tiền Giang, tổng số phòng cho công nhân khoảng 150 phòng, giải quyết cho khoảng 600 công nhân có chỗ ở.

Công nhân của Công ty cổ phần Gò Đàng ở trong nhà ở do công ty xây dựng.

“Công nhân có thuận lợi là nơi ở gần với nơi làm việc, nơi ở sạch sẽ, được bảo vệ, an ninh trật tự… tạo sự an tâm rất lớn cho công nhân. Điều này cũngtạo điều kiện cho công nhân an tâm làm việc, gắn bó với công ty”, ông Tùng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, khó khăn nhất lớn nhất hiện nay là thủ tục chính sách. “Nếu được nhà nước hỗ trợ miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở thì chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư, đáp ứng đầy đủ 100% nhu cầu của người lao động”, ông Tùng nói.

Huy động nguồn lực xã hội

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, hiện tỉnh Tiền Giang có khoảng 90.000 công nhân, trong đó trên 35.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Thực hiện đề án phát triển nhà ở của Chính phủ, tỉnh cũng đã xây dựng đề án phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Riêng lĩnh vực nhà ở cho công nhân, dự kiến đến 2020, tỉnh xây dựng 8.000 căn hộ để giải quyết phần nào nhu cầu nhà ở cho đối tượng này.

Vừa qua, có doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đề nghị giao đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, tỉnh đã xin ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng thì được trả lời rằng chưa có văn bản nào về việc ưu đãi đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho riêng công nhân của doanh nghiệp.

“Tỉnh sẽ tạo điều kiện về quỹ đất và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, tuy nhiên tỉnh không thể giải quyết khác quy định pháp luật được”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn khẳng định.


“Thực hiện đề án của tỉnh đến 2020, tỉnh sẽ tạo quỹ đất cũng như những chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự đầu tư để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân của đơn vị mình. Hy vọng từ nay đến các năm sau, nhu cầu giải quyết nhà ở cho công nhân được tốt hơn”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, vừa qua các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn cũng đã chủ động giải quyết nhu cầu công nhân của đơn vị mình như công ty Gò Đàng, công ty Vạn Đức, công ty Hùng Vương… Tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất, các khoản thuế… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. “Nói chung số lượng các doanh nghiệp tổ chức nhà ở cho công nhân chưa phải là nhiều so với số lượng công nhân của doanh nghiệp, nhưng phần nào góp phần ổn định nơi ăn chốn ở, làm việc cho đơn vị. Tỉnh rất là hoan nghênh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác cùng thực hiện trong thời gian tới”, ông Tuấn cho biết.

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang cũng đã kêu gọi được một số dự án nhà ở cho công nhân như dự án của Công ty Hoàng Quân với diện tích đất 6ha, xây dựng 2.500 căn hộ và một số dự án ở các khu, cụm công nghiệp cho nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân.

Vừa qua, tỉnh cũng đã làm việc và có được sự đồng thuận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo chủ trương Chính phủ cho phép Tổng liên đoàn xây dựng trên địa bàn tỉnh một khu nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa cho công nhân. Theo đó, dự án sẽ xây dựng khoảng 1.000 căn hộ trong thời gian tới.

“Khó khăn lớn nhất của tỉnh là quỹ đất còn hạn chế. Tỉnh cố gắng dành quỹ đất công để phát triển cùng doanh nghiệp, thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp cùng thực hiện, bởi nguồn lực nhà nước hiện nay còn hạn chế”, ông Tuấn cho biết.

Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Tiền Giang: Công nhân đang ở trọ từ các nhà trọ của tư nhân, điều kiện ở các khu này còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân.

Vừa qua, Liên đoàn lao động tỉnh cũng có thực hiện cuộc điều tra xã hội học, phát 40.000 phiếu thăm dò về nhà ở cũng như gởi trẻ đến công nhân làm việc trong các khu và cụm công nghiệp. Kết quả cho thấy số công nhân có nhu cầu thuê nhà khoảng 2.000 công nhân, số có nhu cầu mua nhà khoảng 1.000 và nhiều công nhân có nhu cầu mua nhà từ 100 triệu hoặc 500 triệu đồng/căn.

Từ căn cứ này, tỉnh đã xây dựng đề án và được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chọn tỉnh Tiền Giang là 1 trong 3 tỉnh (cùng với Hà Nam, Quảng Nam) thực hiện xây dựng các thiết chế công đoàn. Các thiết chế công đoàn này gồm có nhà ở cho công nhân (cho thuê hoặc bán luôn căn hộ), nhà mẫu giáo, nhà sinh hoạt văn hóa thể thao, siêu thị công đoàn, trạm y tế...

Nếu thuê thì sẽ cho thuê với giá rẻ, chủ yếu cho khấu hao; riêng những công nhân có khả năng mua thì sẽ được Ngân hàng chính sách hỗ trợ vay mua trả góp trong vòng 10 năm với lãi suất dự kiến 4,8%/năm. Theo tính toán, với mức hỗ trợ này, mỗi tháng công nhân chỉ phải trả khoảng 1 triệu đồng, bằng hoặc cao hơn chút xíu so với mức giá thuê nhà ở bên ngoài như hiện nay.


M.Thuyết - Anh Đức/Báo Tin Tức