05:07 27/05/2014

Tiêm vắcxin phòng sởi: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

88,5% số trường hợp mắc bệnh sởi tại Hà Nội chưa được tiêm phòng chủng phòng sởi hoặc tiêm không đầy đủ. Điều này cho thấy việc tiêm phòng sởi là yếu tố quan trọng nhất, là vấn đề mấu chốt để chống bệnh sởi.

88,5% số trường hợp mắc bệnh sởi tại Hà Nội chưa được tiêm phòng chủng phòng sởi hoặc tiêm không đầy đủ. Điều này cho thấy việc tiêm phòng sởi là yếu tố quan trọng nhất, là vấn đề mấu chốt để chống bệnh sởi.

 

Tiêm phòng sởi cho trẻ.


Những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao, đạt từ 95% trở lên, thậm chí năm 1998 còn đạt tỷ lệ 99%. Hiệu quả từ việc tiêm vắcxin giúp ngành y tế khống chế bệnh sởi trong suốt 3 năm qua.


Tuy nhiên, từ khi xảy ra những sự cố tai biến sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem, tỷ lệ tiêm phòng tại Hà Nội giảm xuống, chỉ còn 94,88% và đó là một trong số nguyên nhân khiến bệnh sởi "tái xuất". Trong đợt dịch sởi năm nay, nhiều phụ huynh cho biết, do suy nghĩ bệnh sởi là căn bệnh thông thường, không gây nguy hiểm nên gia đình đã chủ quan không đưa con đi tiêm phòng bệnh sởi. Tiếp xúc với họ thấy được sự hối hận của các bậc phụ huynh vì những lý do bận rộn công việc, những đợt tiêm phòng con cái thường bị ốm đau nên "lừng khừng" chưa cho con đi tiêm chủng; hoặc e ngại trước những rủi ro có thể xảy ra của việc tiêm chủng nên không đưa con đi tiêm... Đến khi con mắc sởi lại "cuống quýt" chạy thẳng lên tuyến trên, điều trị cho con trong tình trạng khoa truyền nhiễm quá tải, dẫn đến lây chéo các bệnh khác. Nhiều đứa trẻ vô tội đã tử vong do sơ suất của bố mẹ.


Khi bệnh sởi đã bùng phát trên diện rộng, tình trạng quá tải đông nghịt người đưa con em đi tiêm phòng xảy ra tại nhiều điểm tiêm chủng ở Hà Nội. Ghi nhận tại điểm tiêm phòng sởi miễn phí tại 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, trong ngày 20/4 đã có 50 trẻ được gia đình đưa đến tiêm, trong khi đó tại phòng tiêm dịch vụ (phải trả tiền) của trung tâm vẫn đông nghịt người như mấy hôm trước. "Mất bò mới lo làm chuồng", do không chủ động tiêm phòng cho con từ trước, đến khi dịch sởi bùng phát ở mức báo động, các gia đình mới đưa con cái đi tiêm phòng khiến các điểm tiêm phục vụ không kịp còn người dân thì phải chờ đợi, thậm chí đi lại hai, ba lần mới tiêm phòng được cho con.


Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, bệnh sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, mức độ lây lan cao. Do vậy, chỉ có tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu và duy nhất để phòng bệnh này. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc vào ý thức phòng bệnh cho con và phòng bệnh cho cộng đồng của gia đình có trẻ nhỏ và xã hội. Rút kinh nghiệm trong đợt dịch sởi năm nay, không chỉ đối với tiêm chủng phòng sởi mà cả những bệnh khác cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh, trong đó có tiêm chủng để người dân chủ động đi tiêm phòng bảo vệ sức khỏe cho con cái, gia đình và cộng đồng.

 

Đặc biệt, khi thấy tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp, cán bộ y tế cần phải vào cuộc quyết liệt trong việc rà soát, nắm chắc, vận động đối tượng ra tiêm phòng, đồng thời tham mưu cho các cấp chính quyền để tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nâng tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh trên địa bàn. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, cộng đồng trong công tác phòng chống bệnh sởi sẽ giúp người dân hiểu được vai trò của tiêm vắcxin phòng sởi, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh ở Hà Nội.


Tuyết Mai