11:06 27/11/2022

Tiềm năng của tiêm kích do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất

Vào đầu tháng 11, ba tiêm kích JF-17 của Không quân Pakistan bay trình diễn tại Triển lãm Hàng không quốc tế Bahrain. Cùng thời điểm, Trung Quốc cũng ra mắt JF-17 tại Triển lãm hàng không và vũ trụ ở Quảng Đông.

Chú thích ảnh
Một chiếc JF-17 trưng bày tại Pakistan năm 2007. Ảnh: AFP

Tờ Business Insider (Mỹ) đánh giá những sự kiện này là nỗ lực chung của Trung Quốc và Pakistan nhằm quảng bá với khách hàng quốc tế chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ tư do hai nước phối hợp sản xuất.

Hiện chiếc JF-17 mới chỉ được phiên chế ở 3 nước là Pakistan, Myanmar và Nigeria. Mặc dù cùng phát triển chiếc JF-17 nhưng chỉ có Pakistan đưa tiêm kích này vào phiên chế từ 2007.
JF-17 được coi là nòng cốt của không quân Pakistan với tổng cộng 125 chiếc. Myanmar sở hữu 6 chiếc trong khi Nigeria có 3 chiếc. Tờ Aviation Week cho rằng đến giữa thập niên này sẽ có khoảng 185 chiếc JF-17.

JF-17 cất cánh bay lần đầu vào năm 2003. Tiêm kích này do tập đoàn công nghiệp máy bay Chengdu của Trung Quốc bắt tay cùng hãng sản xuất máy bay Pakistan Aeronautical Complex của Pakistan phát triển. Tiêm kích một động cơ một chỗ ngồi này có tên JF-17 Thunder tại Pakistan và FC-1 Xiaolong ở Trung Quốc.

Với khả năng đạt độ cao tối đa 15,2 km và tốc độ tối đa khoảng 1.931 km/giờ, JF-17 có thể thực hiện một số nhiệm vụ bao gồm đánh chặn trên không và tấn công mặt đất. Tiêm kích này có thể mang khoảng 3.175 kg vũ khí và được trang bị một khẩu pháo tự động hai nòng cỡ 23 mm.

Chú thích ảnh
Một chiếc JF-17 của Không quân Pakistan. Ảnh: Reuters

Những chiếc JF-17 đầu tiên hoàn toàn được sản xuất tại Trung Quốc nhưng nay Pakistan đảm nhận hầu hết công đoạn sản xuất. Ở thời điểm này, 58% chiếc JF-17 được sản xuất tại Pakistan và 42% ở Trung Quốc.

Kể từ khi ra mắt đến nay, chiếc JF-17 đã được cải tiến một số lần. Với mức giá từ 15-25 triệu USD, chiếc JF-17 được coi có giá thành rẻ hơn so với những chiến đấu cơ thế hệ thứ tư khác trên thị trường.

Nhà nghiên cứu Timothy Heath tại Viện Rand Corporation nhận định: “JF-17 là một máy đa năng giá rẻ, phù hợp và có lẽ hấp dẫn nhất đối với các nước đang phát triển”.

Một số quốc gia đã thể hiện quan tâm đến chiếc JF-17. Theo một số thông tin, Iraq đã nhất trí mua 12 chiếc, Ai Cập cũng thể hiện quan tâm. Azerbaijan trong nhiều năm đã lên tiếng muốn chiếc JF-17 trong khi cả Bolivia cũng như Argentina đều cân nhắc về chiếc tiêm kích này.

Hà Linh/ Báo Tin tức (Theo Business Insider)