12:18 13/12/2018

Tiềm ẩn mặt trái của việc việc sử dụng Big data và AI không đúng cách

Tại hội thảo “Quản trị dữ liệu – Thách thức vượt tầm công nghiệp 4.0” tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội, các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng: Nguồn dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển nhân loại nhưng cũng có nhiều mặt trái khó lường.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo

Ông Pierre Bonnet, Giám đốc điều hành Orchestra Networks Việt Nam cho rằng: Ranh giới giữa ứng dụng tích cực và tiêu cực của Big data và AI rất mong manh. Phân biệt dữ liệu thật hay giả đang là điểm thiếu sót trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, phương thức quản trị dữ liệu sao cho phù hợp, đáp ứng định hướng của doanh nghiệp, đang là bài toán không chỉ đặt ra cho Việt Nam, mà còn với nhiều nước trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Học viện AI Việt Nam cho rằng: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo như nhận diện khuôn mặt, xe tự lái… đang được ứng dụng. Để lấy tri thức từ nguồn dữ liệu cần có sự phân tích, chọn lọc và trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng. Việc phân tích hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu, nếu dữ liệu đầu vào tốt thì cho kết quả phân tích, dự báo chính xác. Còn nếu dữ liệu đầu vào sai thì cho kết quả sai. Do đó việc quản trị dữ liệu, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay cần phải được quan tâm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoài, thực tế trên thế giới đã xảy ra không ít trường hợp phân tích dữ liệu sai. Năm 2015, khi Facebook đưa ra phân tích nhận diện mặt người, đã có sự thiên lệch về chủng tộc, do nguồn dữ liệu đầu vào ít ảnh người da màu. Hoặc mới đây là cảnh báo nhận diện bệnh ung thư cho kết quả không chính xác; truy tìm nguyên nhân, thì do trong quá trình huấn luyện AI, các kỹ sư phần mềm đưa nhiều dữ liệu không chính xác, nhiều chi tiết là do giả định. Vì vậy, kết quả phân tích sau này lệch so với thực tế.

“Việc quản trị dữ liệu cần được coi là tài nguyên, hiện nay rất nhiều người Việt Nam sử dụng mạng xã hội của nước ngoài. Qua việc đăng tải các thông tin cá nhân, đơn vị quản lý các trang mạng xã hội này đã thu thập dữ liệu của người dùng và các doanh nghiệp khi muốn có những dữ liệu theo từng đối tượng khách hàng phải bỏ tiền ra mua. Những dữ liệu chuyên ngành tại Việt Nam hiện nay cũng là nguồn tài nguyên mà các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam rất cần. Do đó, việc quản lý, khai thác nguồn dữ liệu này cần thiết phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước”, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Quản trị dữ liệu là một lĩnh vực rất mới ở châu Á cũng như Việt Nam, trong đó, thách thức đầu tiên là làm sao để các doanh nghiệp, tổ chức… hiểu được tầm quan trọng của việc quản trị dữ liệu trong sự phát triển của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, hiện dữ liệu có mặt khắp mọi nơi, chưa có sự kết nối dữ liệu với dữ liệu, dữ liệu với con người, cách phân biệt dữ liệu thật hay giả... Do đó, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người dùng cần chú trọng trong hiện tại và tương lai.

Xuân Cường/Báo Tin tức