03:07 20/03/2014

Tiềm ẩn bất ổn sau khi Nga sáp nhập Crimea

Căng thẳng giữa Nga với Ukraine và các nước phương Tây tiếp tục gia tăng sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga.

Căng thẳng giữa Nga với Ukraine và các nước phương Tây tiếp tục gia tăng sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga.


Đã có tiếng súng nổ?


Hãng tin Itar - Tass đưa tin, sáng ngày 19/3, hàng trăm người biểu tình đã vượt qua hàng rào chắn, tiến vào bên trong Sở Chỉ huy hải quân Ukraine đóng tại thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea, đồng loạt thay cờ Nga.

Sĩ quan Ukraine xách hành lý rời đi trong khi lực lượng quân sự ủng hộ Nga gác tại Sở Chỉ huy hải quân Ukraine ở Sevastopol ngày 19/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Động thái này diễn ra ngay sau khi có thông tin về vụ “tấn công” nhằm vào căn cứ quân sự của Ukraine ở Crimea làm một binh sỹ thiệt mạng. Liền sau đó, Thủ tướng tạm quyền Yatseniuk tuyên bố, “vấn đề Crimea đã chuyển từ giai đoạn chính trị sang quân sự” sau những hành động của Nga liên quan đến vụ binh sĩ Ukraine bị giết hại. Ông Yatseniuk cho biết, lãnh đạo Ukraine đã kêu gọi khẩn thiết thành lập một phái bộ gồm Bộ trưởng Quốc phòng các nước trong Bản ghi nhớ Budapest về bảo đảm an ninh cho Ukraine (gồm Nga, Mỹ, Anh) nhằm ngăn ngừa nguy cơ nổ ra xung đột.


Trong một diễn biến khác, Tham mưu trưởng quân đội Ukraine, trung tướng Mikhail Kutsin đã có cuộc điện đàm với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Valery Gerasimov về tình hình Crimea. Ông Kutsin cho biết binh sĩ Ukraine ở Crimea được lệnh sẵn sàng sử dụng vũ khí để tự vệ sau vụ “nổ súng” vừa qua. Ông đề nghị Nga dừng việc phong tỏa các đơn vị quân đội của Ukraine; đồng thời nêu ý tưởng thành lập một hội đồng quân sự hỗn hợp cấp bộ của cả Nga và Ukraine để ngăn chặn leo thang xung đột, tránh đổ máu.


Nga chưa đưa ra bình luận về những thông tin nói trên và tiếp tục hoàn tất tiến trình sáp nhập Crimea. Hôm qua, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã nhận được yêu cầu của Tổng thống Putin về việc thẩm định tính hợp hiến của bản hiệp ước sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. Cùng lúc, hơn 10.000 người đã tham dự cuộc míttinh - ca nhạc với chủ đề “Chúng ta cùng bên nhau” tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva nhằm chào đón sự kiện Crimea và thành phố Sevastopol “trở về nhà”. Trên đường phố, xuất hiện hàng loạt khẩu hiệu “Sevastopol - Crimea - Nga”, “Crimea muôn năm!”, “Crimea là nước Nga”. Ước tính, các hoạt động chào mừng Crimea “trở về với đất mẹ” Nga đã thu hút khoảng 609.000 người trên khắp nước Nga.


Mỹ, phương Tây tính gây sức ép


Sáng ngày 19/3 (giờ Việt Nam), phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ tiếp tục mở rộng danh sách các quan chức Nga, Ukraine trong diện cấm vận đi lại và phong tỏa tài sản. Ông Carney cũng cảnh báo, nếu không thay đổi tiến trình, Nga sẽ phải gánh chịu thêm nhiều tổn thất.


Trước đó ít giờ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm về tình hình Crimea. Hai bên tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là “vi phạm luật pháp quốc tế”; đồng thời nhìn nhận các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva mà Washington và Brussels đưa ra là “hợp lý”, cam kết cùng có các hành động thống nhất liên quan đến vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, cả ông Obama và bà Merkel đều nhìn nhận, vẫn còn "lối thoát ngoại giao" cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Phát biểu trước báo giới, bà Merkel cũng phủ nhận thông tin “đình chỉ tư cách thành viên G - 8” của Nga mà Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đưa ra trước đó. Nữ thủ tướng Đức cho biết Nga vẫn là thành viên của G - 8, bất chấp các nước trong nhóm đã dừng công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi (Nga) vào tháng 6 tới.


Trong một nỗ lực vận động giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine, dự kiến hôm nay, Tổng thư ký LHQ Ban Ki - moon sẽ có cuộc gặp Tổng thống Nga Putin tại Moskva, tiếp đó là cuộc gặp Tổng thống tạm quyền Ukraine Olexsandr Turchynov và Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatseniuk tại Kiev vào ngày mai, 21/3. Trước khi lên đường, ông Ban Ki - moon đã kêu gọi một giải pháp dựa trên các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương LHQ, đồng thời thúc giục “tất cả các bên giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình”.


Hoài Thanh