04:09 14/04/2017

Tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo hóa người dân

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sáng 14/4.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là khu vực mà được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm, luôn coi phát triển nông nghiệp có ý nghĩa nền tảng đảm bảo ổn định phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nông dân, đảm bảo đất nước phát triển bền vững.

Đất nước trải qua nhiều thời kỳ phát triển, thay đổi về quản lý đất đai từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường. Trong tất cả các bước đổi mới, nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp là lĩnh vực đầu tiên được quan tâm thực hiện trong đó giao đất cho các hộ gia đình có thời hạn và lấy kinh tế hộ gia đình làm động lực phát triển đất nước đã đem lại thành tựu, đưa đất nước từ thiếu đói, thiếu lương thực thành nước đủ và thừa lương thực, xuất khẩu lớn của thế giới. Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình và đất nước ta có nền tảng cơ sở quan trọng bước vào thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, sang thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, lấy thị trường làm nguyên tắc phát triển đất nước hiệu quả thì mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất, những mảnh đất nhỏ lẻ manh mún khó phù hợp với nền nông nghiệp yêu cầu quy mô lớn, chất lượng hàng hóa cao, năng suất hiệu quả đảm bảo khả năng cạnh tranh nội địa, khu vực và quốc tế. Do đó, yêu cầu phải tích tụ tập trung ruộng đất để có mảnh đất lớn đầu tư áp dụng KHCN chuyên canh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn nâng cao năng lực, chất lượng, sức cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đây là yêu cầu cấp bách.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, chính sách đất đai có những thay đổi quan trọng theo hướng làm thế nào quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, mặt khác đảm bảo giải phóng sức sản xuất mọi thành phần kinh tế trên cơ sở khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hiện đã có những mô hình tích tụ, tập trung đất đai bước đầu có hiệu quả, cần nghiên cứu mở rộng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm mục đích đề ra hiệu quả phù hợp, tránh cực đoan để làm sao tạo điều kiện cần để phát triển nông nghiệp đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần tiếp tục phân tích nhu cầu việc tích tụ đất đai phục vụ nông nghiệp quy mô lớn. Thứ 2, đánh giá thực trạng tích tụ đất đai hiện nay, làm rõ vướng mắc, nguyên nhân bài học kinh nghiệm thể chế hóa đường lối của Đảng về nông nghiệp nông thôn nông dân trong đó có tích tụ đất đai.

“Cần đánh giá tác động chính sách tích tụ đất đai liên quan đến xã hội, nông nghiệp, môi trường, phân tích kỹ bỏ hạn mức đất nông nghiệp hộ gia đình phải đảm bảo lợi ích nhà nước, chủ thể tham gia phát triển, đặc biệt lợi ích người dân. Tích tụ ruộng đất nhưng không làm nghèo hóa người dân, không làm người dân mất việc làm và khó khăn hơn. Phải giải quyết mâu thuẫn tập trung ruộng đất với giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp với ổn định nâng cao đời sống người nông dân, đây là yêu cầu quan trọng cần thiết. Từ đó đề ra giải pháp để người dân có hình thức chuyển đổi đất, tập trung, tích tụ đất vừa có việc làm, nâng cao đời sống, vừa đảm bảo mảnh đất tập trung có chất lượng cao, sức cạnh tranh cao, từ đó cân đối hợp lí để người dân có lợi nhiều nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong sáng nay, các đại biểu đại diện cho nhiều Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thảo luận về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế cho thấy quá trình tích tụ, tập trung đất đai thời gian qua diễn ra còn chậm. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ vào khoảng 0,46 ha và trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á.

Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động còn yếu, trong đó, thị trường cho thuê đất phát triển kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp. Trên thực tế, có trường hợp đã tích tụ, tập trung được đất đai nhưng vẫn chưa tổ chức sản xuất và khai thác sử dụng có hiệu quả đất đai, tình trạng không đưa đất vào sử dụng khá phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản đối với hộ gia đình, cá nhân chưa khuyến khích tích tụ đất đai để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, mặc dù pháp luật về đất đai đã có cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng nhiều trường hợp chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể tích tụ, tập trung đất đai được do không có chế tài xử lý đối với các trường hợp không đồng thuận.

 Mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác, còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Việc thu hồi đất đối với trường hợp không đưa đất nông nghiệp vào sử dụng, chậm đưa đất nông nghiệp vào sử dụng theo quy định của Luật đất đai chưa được thực hiện nghiêm trên trên thực tế, đã làm hạn chế đến việc đưa quỹ đất nông nghiệp vào sử dụng hiệu quả.

Cùng đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, nông dân về sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp nhưng chưa gắn kết đồng bộ giữa kinh tế của nông hộ, các hợp tác xã, hệ thống doanh nghiệp với khoa học - công nghệ và thị trường nên chưa thực sự mang lại hiệu quả mong muốn.

Việc đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho các đối tượng lao động rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp chưa tốt nên chưa thúc đẩy việc chuyển dịch đất đai từ người nông dân sang cho người khác.

Trang Thu/Báo Tin Tức