08:07 16/08/2016

Tích cực giải quyết nợ xấu

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, để dòng vốn đi vào sản xuất đúng hướng cần giải quyết 2 yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, vấn đề lãi suất. Rõ ràng, chúng ta vẫn cần phải học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới. Ví dụ mới đây tại Nhật Bản, khi thấy nền kinh tế đi xuống, Nhật Bản đã tung ra gói tiền trợ cấp “trực thăng”, tức là cung cấp gói tiền ra thị trường bằng các cách thức khác nhau nhưng lãi suất cực rẻ, thậm chí là 0%. Hay như Trung Quốc, nước này cũng tung ra các gói tiền hỗ trợ thị trường chứng khoán, bất động sản, DN vừa và nhỏ với vốn rất rẻ nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu. 

Cho nên xét về góc độ lãi suất, các NHTM nên đưa ra các gói cho vay ưu đãi cho các DN sản xuất và kinh doanh, tất nhiên cũng cần phải có sự hỗ trợ tích cực của NHNN. Để cân bằng lại lãi suất giá rẻ, NHTM có thể tăng lãi suất lên đối với các lĩnh vực phi sản xuất như cho vay đầu cơ bất động sản, chứng khoán, vàng… hay những lĩnh vực không ưu tiên để cân bằng lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất.

Thứ 2, để cho NHTM giảm lãi suất hiệu quả thì phải nói đến bài toán nợ xấu. Theo đó, nợ xấu cần phải quyết liệt giải quyết, ví dụ bán cho VAMC hay để NHTM tự giải quyết. Thực tế  vừa qua, NHNN có văn bản về mua bán nợ xấu ra thị trường, thế nhưng đến nay mọi thứ đều “án binh bất động”, chưa thể hiện động thái nào tích cực trong việc thực hiện theo phương án đó. 

Do vậy, cần có nghiên cứu cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu và triển khai trên thực tế. Khi nợ xấu được giải quyết sẽ giúp được ngân hàng hai vấn đề, một là giảm đi chi phí, hai là giúp cho DN vướng nợ xấu sẽ có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng trở lại. Theo đó, cần sớm triển khai giải quyết nợ xấu theo cơ chế thị trường cũng như giải quyết mạnh mẽ những nợ xấu đã bán cho VAMC.

Hải Yên